Tình yêu và giới tính hôm nay

3 cách để đối mặt với stress

Stress ở bất kỳ độ tuổi nào luôn gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và chất lượng cuộc sống, một vài cách sau đây có thể giúp bạn đối mặt với stress, cải thiện suy nghĩ, tâm trạng tích cực hơn.

Hàng ngày, bên cạnh những mối quan tâm về công việc, học tập trong cuộc sống, những thay đổi tâm lý, suy nghĩ của bản thân trong từng giai đoạn cũng là một trong những điều gây ra stress. Căng thẳng mỗi ngày một tăng khiến cuộc sống của bạn bí bách, nhiều ức chế, khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống gia đình, công việc.

Đặc biệt, đối với các bạn trẻ thay đổi tâm lý ở tuổi mới lớn cùng áp lực học tập, áp lực từ gia đình, việc xác định tương lai,… cũng là điều gây ra căng thẳng không nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải chú ý và tham khảo nhiều biện pháp giúp đỡ con em mình khi rơi vào trạng thái stress.

Mặc dù sẽ không bao giờ có thể loại bỏ tất cả sự căng thẳng, nhưng bạn hoàn toàn có thể quản lý nó bằng một số phương pháp phù hợp.

Hãy cùng tham khảo những phương pháp sau đây để giải quyết những căng thẳng còn đang khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.

Thể hiện cảm xúc của bạn

Hãy nhận biết dấu hiệu căng thẳng của bạn

Mọi người có xu hướng liên kết căng thẳng với các sự kiện tiêu cực, nhưng những dịp vui vẻ cũng có thể làm tăng căng thẳng. Điều này đôi khi gây khó khăn cho việc xác định khi chúng ta đang trải qua mức độ căng thẳng cao hơn.

Hãy lắng nghe cơ thể của mình

Các phản ứng thông thường đối với căng thẳng bao gồm: các vấn đề về tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc khó tiêu), khó ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều), tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, khó thở và nhịp tim nhanh hoặc đau đầu.

Chia sẻ cảm xúc

Hãy tìm kiếm gia đình, bạn bè hoặc người mà bạn cảm thấy gần gũi, thân thiết để tâm sự. Điều này sẽ giúp làm giảm căng thẳng, loại bỏ cảm giác khó chịu khi phải chống trọi một mình trong cuộc chiến tâm lý.

Trong trường hợp bạn không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với ai đó mà bạn biết, tham gia nhóm hỗ trợ xã hội hoặc gọi tới đường dây nóng tư vấn tâm lý cũng là phương pháp khá hữu hiệu.

Tìm một lối thoát sáng tạo

Bạn có thể đánh lạc hướng bản thân khỏi những lo lắng bằng những điều mang lại cảm giác tuyệt vời cho bản thân.

Việc viết, vẽ, hát,… cũng là những cách tuyệt vời giúp bạn giải phóng cảm xúc tiêu cực.

Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn được chứng minh là làm giảm căng thẳng tâm lý. Việc tham gia các môn thể thao yêu thích hoặc các môn thể thao nhóm là cách tuyệt vời để cải thiện khả năng đối phó với stress và tăng cơ hội tương tác với người khác.

Thay đổi suy nghĩ tiêu cực

Bạn cần thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những điều tích cực, cụ thể là thay đổi cách cảm nhận.

Trong trạng thái căng thẳng, chúng ta có xu hướng tập trung vào điều tồi tệ nhất, ngay cả khi nó không phải là khả năng dễ xảy ra nhất.

Bạn hãy đặt câu hỏi cho bản thân trước những tình huống đó và tập trung vào mặt tích cực. Khi bạn nhận ra suy nghĩ tiêu cực của mình, hãy dần dần thay đổi nó theo cách thức riêng khiến tâm trạng của bạn dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, bạn hãy thúc đẩy bản thân tìm kiếm cơ hội ngay cả khi đang thất bại và xác định rõ điểm mạnh của mình. Điều này giúp bạn tự tin hơn trong việc đối phó với áp lực cuộc sống và những căng thẳng diễn ra ở nội tâm.

Yêu cầu sự giúp đỡ

Khi stress ngày một nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ, sự can thiệp lớn hơn.

Các dấu hiệu cần can thiệp bao gồm: thay đổi tâm trạng cực độ, tự làm hại bản thân hoặc suy nghĩ tự làm hại bản thân, ý nghĩ tự tử, cảm thấy tuyệt vọng, khóc không kiểm soát được, bộc phát cơn giận dữ hoặc mong muốn làm hại người khác.

Bạn có thể tìm đến những người bạn, một người nào đó mà bạn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện. Cha mẹ thường là người bạn có thể tâm sự cởi mở nhất và an toàn nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bạn không thể hoặc không cảm thấy có thể chia sẻ với cha mẹ, những đường dây nóng giúp tư vấn, trợ giúp là cách tốt để bạn chia sẻ về vấn đề của mình.

Bạn cũng có thể tìm đến bác sĩ tâm lý để nhận được phương pháp chữa trị, loại bỏ sự căng thẳng một cách bài bản nhất.

Với những bạn trẻ trong độ tuổi dậy thì, cha mẹ cần phải lưu ý hơn đến các dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng kéo dài để có biện pháp can thiệp kịp thời, hợp lý. Bạn có thể thường xuyên trò chuyện, tâm sự với con, hướng con đến những hoạt động, suy nghĩ tích cực.

Linh Chi

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/3-cach-de-doi-mat-voi-stress-27684/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY