Sức khỏe hôm nay

3 ngộ nhận về thừa cân, béo phì ở trẻ em mà bố mẹ Việt nào cũng mắc phải

Hiện nay, mức sống của chúng ta đã được nâng cao, số trẻ em thừa dinh dưỡng dẫn đến bệnh béo phì cũng tăng cao. Nguyên nhân chính là do bố mẹ có quan niệm sai lầm về cân nặng và vấn đề dinh dưỡng cho trẻ.

Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy, béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Đáng báo động, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Đặc biệt, bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài vừa qua khiến trẻ ăn uống tự do, ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.

Vì thế, hãy tham khảo 3 ngộ nhận về thừa cân, béo phì ở trẻ em mà bố mẹ Việt nào cũng mắc phải sau đây để có cách chăm con tốt hơn nhé!

1. Mập mạp sẽ khỏe mạnh, ít ốm vặt

Thực tế, so với trẻ có cân nặng cân đối, thì trẻ thừa cân, béo phì thường có xu hướng mắc bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu trẻ béo phì bị tiêu chảy, viêm phổi hay bệnh lý về nhiễm trùng, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn, trẻ hồi phục chậm hơn, cần thời gian điều trị lâu hơn, tốn kém hơn.

Nếu tình trạng béo phì kéo dài đến giai đoạn trưởng thành, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa, mạn tính như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, rối loạn cơ xương…

Trẻ béo phì rất dễ bị ốm vặt - Ảnh minh họa: Fatherly

2. Trẻ con cứ béo sẽ cao

Thực tế, không phải tất cả các trẻ to béo khi dậy thì sẽ cao lớn. Thậm chí, béo phì còn có thể làm hạn chế quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Ngoài ra, thừa cân kéo dài sẽ gây ra sự thụ động trong sinh hoạt, học tập, vận động, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Về mặt tâm lý, trẻ thừa cân, béo phì dễ bị body shaming, tự ti, mặc cảm khi so sánh hình thể với bạn đồng trang lứa. Nếu không may bị trêu chọc, trẻ có thể mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần.

3. Trẻ không ăn thức ăn nhanh sẽ không thừa cân

Thức ăn nhanh qua chiên rán, nhiều dầu mỡ như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên… là đồ ăn ưa thích của nhiều trẻ em, nhất là trẻ thừa cân. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất nhiều tác nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Bên cạnh việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chế độ dinh dưỡng thiếu đa dạng, như ít rau xanh, trái cây, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng nhiều thịt, chất béo, chất đạm, tinh bột… cũng sẽ gây ra dư thừa năng lượng.

Thức ăn nhanh chỉ là một trong số rất nhiều tác nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. - Ảnh minh họa: Wallpaperup

Nhìn chung, bố mẹ nên sớm thay đổi quan điểm và nhận thức về cân nặng của trẻ. Tuyệt đối không chủ quan khiến tình trạng thừa cân tiến triển thành bệnh. Bố mẹ cần có biện pháp dự phòng béo phì ngay từ những năm đầu đời, cho bé một chế độ dinh dưỡng đúng, đủ và vận động hợp lý.

Về dinh dưỡng, hãy cho trẻ ăn đúng và đủ cả lượng, chất. Mỗi bữa ăn của trẻ cần phải có đủ 4 nhóm thực phẩm, được chế biến đa dạng cùng việc duy trì uống sữa mỗi ngày.

Về vận động, nên cho con vận động và vui chơi đúng cách từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày. Các mẹ cũng nên cùng con chọn học một trong các môn thể thao như bóng rổ, bơi lội, cầu lông. Ở nhà, hạn chế thời gian cho con chơi game trên máy tính hay xem TV, và luôn tạo điều kiện để bé vận động mỗi ngày như đi cầu thang bộ, phụ giúp bố mẹ việc nhà…

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/3-ngo-nhan-ve-thua-can-beo-phi-o-tre-em-ma-bo-me-viet-nao-cung-mac-phai-32304/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY