Sức khỏe hôm nay

4 dấu hiệu cho thấy bà bầu sắp sinh con

Đa số chị em đều không nắm chắc thời điểm chuyển dạ, nhưng nếu nằm lòng các dấu hiệu bà bầu sắp sinh dưới đây thì băn khoăn ấy không còn là vấn đề; tâm lý thoải mái là tiền đề để mẹ tròn con vuông.

1. Thời điểm các dấu hiệu sắp sinh xuất hiện

Chuẩn bị sinh con, cơ thể bà bầu sẽ có nhiều biểu hiện lạ

Dân gian quan niệm mang thai 9 tháng 10 ngày, song thời gian có thể dịch chuyển. Bởi vậy mà bước vào tam cá nguyệt thứ 3, bà bầu cũng nên chuẩn bị tâm lý, cũng như các điều kiện về vật chất và tinh thần để sẵn sàng vượt cạn khi có dấu hiệu sắp sinh.

Dấu hiệu bà bầu sắp sinh thường xuất hiện từ tuần thứ 37 của thai kỳ. Khi thấy cơ thể xuất hiện biểu hiện lạ, bà bầu cần tới bệnh viện để kiểm tra và theo dõi sức khỏe; ngay cả khi sinh non thì vẫn được bác sĩ xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và bé.

2. Sự khác nhau giữa đau bụng đẻ giả và đau bụng đẻ thật

Nhiều bà bầu bị đau bụng đẻ giả, thực tế đây chỉ là hoạt động "tập dượt" cho lần vượt cạn chính thức

2.1. Đau bụng đẻ giả

Gần đến ngày sinh, nhiều bà bầu xuất hiện hiện tượng đau bụng đẻ giả (hay còn gọi là cơn gò sinh lý - Braxton Hicks) do hormone trong cơ thể mẹ có sự thay đổi, bước đầu cho tử cung luyện tập, cũng như rèn luyện khả năng chịu đựng của phụ nữ để chuẩn bị cho hành trình vượt cạn. Hiện tượng này khác với đau bụng đẻ thật. Để phân biệt, mời các mẹ tham khảo bảng dưới:

Đặc điểm

Đau bụng đẻ giả

Đau bụng đẻ thật

Tần suất cơn co thắt

- Tần suất cơn co thắt dài ngắn không giống nhau

- Khoảng cách giữa các cơn đau không đều

- Các cơn co thắt kéo dài từ khoảng 30 - 70 giây và diễn ra đều đặn

- Cường độ tăng lên theo thời gian và ngày càng gần nhau

Khi bà bầu di chuyển

Cơn đau giả có thể chậm hoặc dừng lại khi bà bầu vận động nhẹ nhàng.

Cơn đau không giảm đi khi vận động nhẹ nhàng, ngay cả khi nghỉ ngơi cơn đau vẫn tiếp tục.

Vị trí cơn đau

Ở phía trước bụng hoặc khu vực xương chậu

Bắt đầu từ dưới lưng, di chuyển đến phía trước bụng, có thể đau trong bụng và di chuyển về sau lưng

Biểu hiện đi kèm

Không ra dịch hồng hoặc nước ối.

Ra dịch hồng hoặc ra nước ối ở âm đạo.

3. Một số dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu nên biết

3.1. Co thắt ở tử cung

Trong thai kỳ bà bầu nên chú ý đến hiện tượng co thắt cổ tử cung giả và thật (Cách phân biệt chúng ta đã đề cập đến ở mục 2 nhỏ trên). Co thắt cổ tử cung thật là dấu hiệu bà bầu sắp đẻ, tần suất diễn ra mạnh, liên tục, khiến thai phụ cảm thấy run rẩy. Đây cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhằm giảm căng thẳng cho bà bầu. Chị em có thể cải thiện bằng cách tắm nước ấm hoặc nhờ người xoa bóp, cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngoài ra gần đến ngày sinh bà bầu còn bị sa bụng dưới. Do thai nhi trong bụng tụt dần xuống phía dưới xương chậu. Hiện tượng này không cố định thời gian, có người sớm trước một vài tuần, cũng có người chỉ vài giờ trước khi chuyển dạ. Theo các bác sĩ chuyên khoa thì mẹ bầu sinh con so (con đầu lòng) sẽ cảm nhận dấu hiệu này rõ rệt nhất. Ở những lần tiếp theo, bà bầu có thể sẽ không cảm nhận được rõ rệt.

3.2. Tử cung có dấu hiệu giãn nở

Khi bà bầu sắp sinh con, cổ tử cung bắt đầu mở, ban đầu chỉ khoảng 1cm, sau đó tăng dần độ rộng theo thời gian. Khi mở được 10cm là lúc bà bầu sẵn sàng sinh em bé. Hiện tượng này diễn ra trước một vài tuần hoặc một vài ngày trước khi chuyển dạ, với mục đích tạo không gian rộng cho thai nhi lọt lòng thuận lợi. Lúc này, các bác sĩ sẽ tiến hành đo độ giãn của tử cung thông qua việc thăm khám âm đạo.

Nếu sắp đến ngày dự sinh mà cổ tử cung vẫn chưa mở thì chứng tỏ mẹ bầu vẫn chưa sẵn sàng sinh con. Trường hợp bà bầu thấy đau bụng, rỉ ối, kéo dài 16 tiếng mà cổ tử cung vẫn chưa mở được 10cm thì khả năng bị chuyển dạ đình trệ. Dựa theo tình hình thực tế, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử lý tốt nhất để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

3.3. Tiêu chảy

Trong thai kỳ, bên cạnh việc bà bầu bị táo bón, bà bầu còn có thể bị tiêu chảy do ăn uống, thay đổi nội tiết tố hoặc dùng thuốc. Nhưng sắp đến ngày dự sinh mà gặp phải hiện tượng này thì các chị nên lưu ý, có thể đây là dấu hiệu bé yêu sắp chào đời.

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy khi bà bầu sinh con là do hormone trong cơ sự thay đổi, nhằm tạo thuận lợi cho em bé chào đời. Hiện tượng này khiến bà bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu do mất nước, nhưng đừng quá lo lắng, bởi đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Điều mà mẹ bầu cần làm là uống nhiều nước để bù đắp lượng nước mất đi.

Ngoài tiêu chảy, nhiều bà bầu còn liên tục buồn đi tiểu; do khi thai nhi di chuyển, bụng bầu tụt xuống gây áp lực lên cổ tử cung, đè lên bàng quang, gây nên hiện tượng buồn tiểu. Bù lại, bà bầu lúc này lại cảm thấy dễ thở hơn vì bào thai đã không còn gây sức ép lên phổi.

3.4. Đau mỏi lưng và chuột rút

Bà bầu sinh con thường gặp phải tình trạng đau lưng thường xuyên và dữ dội, đi kèm với đó là những cơn chuột rút. Bác sĩ chuyên khoa giải thích, khi sắp sinh con, các cơ khớp ở lưng và vùng xương chậu sẽ bị kéo căng ra, mục đích để thai nhi thuận lợi lọt lòng. Ở những bà bầu sinh con so, sẽ cảm nhận được hiện tượng này rõ ràng hơn.

4. Các giai đoạn của quá trình bà bầu đau bụng đẻ

Quá trình đau bụng đẻ ở bà bầu diễn ra theo từng giai đoạn

4.1 Giai đoạn cổ tử cung có sự xóa – mở

Cấu tạo của cổ tử cung có 2 phần, gồm: Cổ trong cổ tử cung (là niêm mạc lót trong ống cổ tử cung) và cổ ngoài tử cung (chỗ nhô vào âm đạo).

Bình thường cổ tử cung luôn đóng kín bởi một nút nhầy. Khi bà bầu sắp sinh con, cổ tử cung co thắt, nút nhầy này sẽ mở ra, làm dịch nhầy chảy ra, hòa lẫn chút máu, tạo thành dịch nhầy màu hồng.

Chúng ta có thể chia giai đoạn bà bầu sinh con này thành 2 thời kỳ:

- Thời kỳ tiềm thời: Ở thời kỳ này, cơn đau chuyển dạ còn nhẹ nhàng theo từng cơn, kéo dài từ 20 - 30 giây, nghỉ 2 - 3 phút lại ập đến, cổ tử cung mở từ 2 - 3cm.

- Thời kỳ hoạt động: các cơn đau tăng lên về tần suất và mức độ, kéo dài từ 35 - 45 giây, nghỉ từ 1'25 - 1'30 rồi lại tiếp tục, cổ tử cung mở từ 6 - 9cm.

4.2 Giai đoạn thai nhi được đẩy ra ngoài

Ở giai đoạn này, cổ tử cung của bà bầu đã mở trọn 10cm, đủ rộng để đầu thai nhi lọt thấp, túi ối cũng vỡ ra. Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên môn và hộ sinh, kết hợp với những cơn co thắt cổ tử cung của cơ thể, bà bầu sẽ rặn đẻ, mục đích đẩy thai nhi ra ngoài.

4.3 Giai đoạn sổ nhau

Ở giai đoạn này, các cơn đau bụng của mẹ sẽ giảm dần, nhau bong và sổ ra ngoài, cổ tử cung co lại, nhằm hạn chế tối đa việc mất máu sau sinh. Lúc này bác sĩ sẽ giúp mẹ bỉm lấy nhau ra ngoài.

Với những chị em lần đầu sinh (sinh con so), quá trình đau bụng thường kéo dài trung bình 12 tiếng; trong khi những chị em sinh con dạ, thời gian được rút ngắn còn trung bình 8 tiếng.

Nếu lần đầu sinh cơn đau kéo dài hơn 12 tiếng, sinh con rạ kéo dài trên 9 tiếng thì các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và có thể can thiệp nếu nhận định sẽ gây nguy hiểm cho mẹ và bé nếu còn tiếp tục kéo dài.

5. Những hiện tượng nghiêm trọng trong những ngày cuối thai kỳ

Khi bà bầu sắp đẻ, cơ thể sẽ xuất hiện hiện tượng xóa mở cổ tử cung, đáy chậu và tầng sinh môn thay đổi. Đây đều là những hiện tượng quan trọng giúp "thông đường" cho thai nhi thuận lợi chào đời.

Với thai nhi, sự thay đổi cũng đang âm thầm diễn ra khi mẹ bắt đầu chuyển dạ. Đó là: Xuất hiện hiện tượng chồng xương sọ và bướu thanh huyết (thường xuất hiện khi vỡ ối).

6. Khi nào mẹ bầu nên gọi cho bác sĩ?

Hãy tìm đến bác sĩ nếu bạn cảm thấy cơ thể mình và thai nhi có điều bất thường

Đau bụng đẻ: Bước sang giai đoạn “về đích”, các bác sĩ sẽ chủ động tư vấn cho bạn biết cách tính thời gian cơn gò và dấu hiệu thông báo chuyển dạ. Nếu thấy cơn gò dần mạnh lên về cường độ và dày hơn về tần suất thì bạn cần đến bệnh viện ngay, vì khả năng lớn là sắp sinh con.

Cơn gò xuất hiện trước tuần thứ 37: Trong thời gian này mà bà bầu cảm thấy đau bụng, cảm nhận được cơn gò, kết hợp với chảy máu âm đạo, đau xương vùng chậu, đau lưng hoặc tiết dịch bất thường thì phải đến bệnh viện ngay, rất có thể đây là dấu hiệu bà bầu sinh non.

Vỡ, rỉ nước ối: Nước ối có màu vàng. Nhưng nếu thấy ối vỡ ra có màu vàng nâu hoặc xanh lục thì đó là dấu hiệu của phân su (là chất thải của thai nhi) thì bà bầu phải đến bệnh viện ngay, bởi nếu thai nhi hít hay nuốt phải sẽ rất nguy hiểm.

Chảy dịch âm đạo có màu hồng: Hãy đến bệnh viện nếu chảy dịch âm đạo màu hồng. Dịch âm đạo không phải màu hồng, nhưng nếu dịch chảy ra có màu hồng tức là hòa lẫn máu tươi. Hiện tượng này xảy ra kèm theo việc đau bụng, đau liên tục, thậm chí bị sốt.

Em bé bỗng dưng ít hoạt động: Nếu thấy thai nhi không còn vận động hoặc vận động ít hơn bình thường các mẹ cũng phải đến bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khỏe của bé.

Hoa mắt, đau đầu, cơ thể sưng phù: Bà bầu sắp sinh thường bị phù nề, nhưng nếu thấy chứng phù nề ngày càng nghiêm trọng kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu thì đây lại là triệu chứng của bệnh tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.

Không chỉ ở giai đoạn bà bầu sinh con, mà ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, nếu cảm nhận được dấu hiệu bất thường từ bào thai, từ cơ thể, hãy đến bệnh viện kiểm tra để chắc chắn rằng cả mẹ và bé đầu đang khỏe mạnh. Sự bình ổn và thoải mái về tinh thần cũng là yếu tố quan trọng giúp thai nhi phát triển toàn diện.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/4-dau-hieu-cho-thay-ba-bau-sap-sinh-con-33553/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY