12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

4 điều nên tránh khi di chuyển cho giới văn phòng

Không chỉ lười vận động mà ngay cả cách di chuyển của giới văn phòng cũng đang có nhiều vấn đề. Để không ảnh hưởng tới sức khỏe, bác sĩ khuyên bạn hãy ghi nhớ những điều sau mỗi khi ra đường.

1. Hạn chế di chuyển trên giày dép cao gót

Sở thích của hầu hết nhân viên văn phòng là đi giày dép cao gót vì chúng tạo độ uyển chuyển và sexy. Tuy nhiên theo BS. Nguyễn Ngọc Hiến, Khoa Nội, Viện Y học Hàng không, Trường Chinh, Hà Nội điều này lại là một trong những nguy cơ của bệnh thoát vị đĩa đệm. Phần đĩa đệm là phần nằm giữa hai đốt sống có nhiệm vụ giữ cho vận động của cột sống được dễ dàng và thuận lợi. Đĩa đệm có ba phần cơ bản là vòng xo, nhân nhày và dịch nhày trong đĩa đệm. Mỗi vùng của cột sống sẽ chịu áp lực khác nhau tùy theo tư thế của cơ thể. Nếu áp lực đĩa đệm quá cao, nó sẽ làm vỡ vòng xo bảo vệ nhân nhày gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm.

Khi ta đứng thẳng, trọng lượng cơ thể chia đều và vào phần gót và phần đốt ngón chân giúp cơ thể thăng bằng, áp lực của đĩa đệm lúc này cũng tương đối nhất. Nhưng khi đi giày cao gót, cột sống sẽ ưỡn quá mức làm áp lực ở vùng cột sống thắt lưng tăng lên. Khi đi giày dép cao gót, trọng lượng cơ thể dồn về phần ngón chân cũng làm phá vỡ cấu trúc xương bàn chân.

Lời khuyên: Theo BS. Nguyễn Ngọc Hiến, Khoa Nội, Viện Y học Hàng không, Trường Chinh, Hà Nội thì chiều cao nên đi của giày cao gót còn phụ thuộc vào từng người, nhưng tốt nhất là đi giày bệt, với giày cao thì tầm từ 3-5cm là vừa. Hạn chế đi những giày quá cao như 10-12cm.

Nhân viên văn phòng cũng nên chuẩn bị ít nhất một đôi giày đế thấp và một đôi đế cao. Đôi đế cao giành để dùng khi cần thiết như khi cần tiếp khách, đôi đế bệt để di chuyển thường xuyên trong văn phòng.

2. Đừng “một bước là lên xe”

Xe máy, ô tô là phương tiện di chuyển thiết yếu của nhân viên văn phòng. Nhưng khi các phương tiện hiện đại thì họ càng lạm dụng chúng nhằm đi thật nhanh, tránh mưa, tránh bụi… Vì vậy hễ ra khỏi chỗ ngồi là họ bước lên xe. Di chuyển bằng những phương tiện này gần như các cơ, khớp không phải hoạt động gì nhiều gây ảnh hưởng đến sự chuyển hóa tại các cơ trong cơ thể.

Bác sĩ Hiến cho biết, khi chúng ta hoạt động mạnh thì mặt đỏ, các cơ xung huyết nhiều máu…chính việc đó là tốt cho sự chuyển hóa. Những người đi từ nhà đến chỗ làm bằng các phương tiện ít cần đến sự vận động, đến văn phòng lại ngồi một chỗ thì việc cơ hoạt động với cường độ nhỏ dẫn đến việc chuyển hóa chậm, lưu thông tuần hoàn ở các cơ không cao. Khi đó tuần hoàn máu bị ngừng trệ, axit lactic (sản phẩm của quá trình chuyển hóa) sẽ không được thải ra, nó sinh ra mỏi cơ, đau cơ, hoặc tê ở các ngón chân, đau xương khớp.

Hành động một bước lên xe cũng khiến cho năng lượng tích tụ. Bình thường năng lượng sẽ được sử dụng trong quá trình chuyển hóa thì nay nó lại được tích tụ thành mỡ ở một số bộ phận gây béo bụng, đùi, mông. Tình trạng này dễ gây rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xa hơn là vỡ xơ động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường.

Lời khuyên:

- Nếu cần phải đi đường gần, bạn nên dành thời gian cho việc đi bộ.

- Thỉnh thoảng đổi việc đi ô tô, xe máy sang đi xe đạp hay đi xe bus.

3. Chớ ham thang máy

Một trong những thói quen khó bỏ của dân văn phòng đó là đi thang máy vì nó nhanh chóng và tiện dụng, không gây mệt mỏi, đau chân. Tuy nhiên, nếu bạn đi cầu thang bộ, bạn lại có được nhiều lợi ích hơn thế. Mỗi người có thể đốt cháy calorie và đôi chân được chắc khỏe. Do vậy, đi cầu thang bộ là 1 cách vận động hữu ích và bạn nên tận dụng bất kỳ lúc nào rảnh trong ngày.

Lời khuyên: Bạn nên hạn chế dùng cầu thang máy, và đi cầu thang bộ nhiều hơn, ví dụ bạn nên đi thang bộ khoảng 4 tầng, từ các tầng cao hơn hãy đi thang máy, nếu bạn làm việc ở tòa nhà thấp hơn 6 tầng thì hãy “kiêng” thang máy ra.

4. Chớ đi nhanh, vung tay mạnh

Một thói quen thường thấy ở dân văn phòng là di chuyển vội vì họ thường dậy muộn, đi làm muộn. Bác sĩ Hiến nhận định cách di chuyển này của dân văn phòng thường là đi nhanh, hấp tấp, vung tay mạnh, đột ngột. Với các vận động viên thể thao họ cũng thường hay vung tay mạnh nhưng nó không ảnh hưởng nhiều do họ đã được luyện tập thường xuyên và có sự khởi động trước khi thực hiện. Còn với nhân viên văn phòng lại khác, họ thường ít vận động, ít sử dụng đến những cơ, khớp này nên những hành động này xảy ra đột ngột sẽ có thể dẫn đến những vi chân thương khớp.

Nhấn mạnh về nguy cơ của việc di chuyển nhanh, vung tay mạnh, bác sĩ Hiến cho hay: Do các khớp là bán động, khi các vi chấn thương tác động nhiều lần sẽ tạo ra những mảnh vỡ nhỏ. Nó chính là yếu tố kích thích để sản sinh ra những yếu tố kháng viêm. Nếu chất này ít thì không sao, nhưng nếu nó nhiều và tích tụ lâu dài sẽ có thể gây ra bệnh lý viêm quanh khớp. Bệnh này nguy hiểm ở chỗ nó chỉ gây ra những đau nhẹ và người ta chủ quan không kiểm tra, để lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của khớp vai, gây ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của cánh tay.

Tương tự như vậy, việc di chuyển nhanh, đột ngột khi chưa có sự chuẩn bị trước cũng dễ ảnh hưởng gây tổn thương đến khớp gối, lâu dài có thể dẫn đến thoái hóa khớp…

Lời khuyên:

- Để tránh tình trạng này, tốt nhất là bạn nên chuẩn bị thời gian để tránh việc đi làm muộn.

- Khi đi bộ luôn tự nhắc không đi quá nhanh, vung tay nhịp nhàng với cơ thể.

T.H

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/4-dieu-nen-tranh-khi-di-chuyen-cho-gioi-van-phong-5175/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY