Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có rất ít câu trả lời dễ dàng trong việc nuôi dạy con cái. Bạn sẽ cần nhiều thời gian và năng lượng hơn để tìm ra lý do tại sao đứa trẻ lại cư xử theo cách riêng của chúng, chúng có thể gặp khó khăn gì và bạn nên phản ứng như thế nào.
Dưới đây là một số lầm tưởng phổ biến nhất về việc nuôi dạy con cái ở tuổi vị thành niên mà theo các chuyên gia tâm lý học trẻ em, bất kỳ phụ huynh nào cũng nên đọc.
Lầm tưởng số 1: Nói chuyện với con về tình dục sẽ khiến chúng muốn làm điều đó hơn
Nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng rằng, thảo luận về tình dục với con cái hoặc giáo dục chúng về các biện pháp tránh thai sẽ thúc đẩy chúng khám phá về hoạt động tình dục nhiều hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 đã chứng minh rằng khi thanh thiếu niên tham gia vào các cuộc trò chuyện lành mạnh về tình dục với cha mẹ, điều đó sẽ giúp giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Có nhiều cách nuôi dạy con cái nhưng dù chọn phương pháp nào, cha mẹ cũng nên tránh những lầm tưởng. |
Lầm tưởng 2: Con trai luôn mạnh mẽ
Cách suy nghĩ này dựa trên những khuôn mẫu lỗi thời. Quan niệm rằng con trai luôn phải mạnh mẽ, quyết đoán, năng động và không được khóc lóc hay yếu đuối không chỉ hoàn toàn sai sự thật mà còn kéo dài những lầm tưởng về giới tính. Nó đặc biệt có hại khi nói nuôi dạy con trai ở độ tuổi thanh thiếu niên, vì hormone đang tăng mạnh và mức testosterone của chúng tăng gấp 10 lần.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), việc tuân theo tư tưởng nam tính truyền thống đã được chứng minh là có thể hạn chế sự phát triển tâm lý, hạn chế hành vi, gây ra xung đột vai trò giới và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng.
Việc duy trì những lý tưởng nam tính tiêu cực này làm tăng tỷ lệ nam giới tham gia vào các cuộc hành hung, bắt nạt hoặc gây hấn về thể chất và lời nói, không nên được đưa vào những lựa chọn hợp lý trong nuôi dạy con cái.
Lầm tưởng 3: Trừng phạt con bằng roi
Các chuyên gia tâm lý nói rằng trừng phạt thân thể sẽ dung túng cho hành vi hung hăng hoặc bạo lực ở trẻ em và làm xói mòn lòng tin trong mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy, những trẻ vị thành niên có nhiều khả năng tham gia đánh nhau và bắt nạt nói rằng cha mẹ của chúng sử dụng nhục hình như một phương pháp kỷ luật. Trong khi đó, những trẻ vị thành niên cho rằng cha mẹ không chấp nhận bạo lực thể xác ít có khả năng sử dụng những hành vi tiêu cực đó.
Thay vì trừng phạt con bạn khi chúng có hành vi sai trái, bạn nên tập trung khen ngợi những hành vi tích cực và chủ động phớt lờ chúng nếu chúng không nói với bạn một cách tôn trọng. Đó mới là cách nuôi dạy con cái hiệu quả.
Trừng phạt bằng roi không phải là cách nên làm trong nuôi dạy con cái. |
Tuy nhiên, nếu con bạn đang hành động theo cách khiến bản thân hoặc người khác gặp nguy hiểm, bạn không nên phớt lờ chúng. Thay vào đó, hãy cho trẻ biết hành vi đó là không ổn và trừng phạt bằng cách tước đi một trong những đặc quyền của chúng.
Lầm tưởng 4: Cha mẹ xung đột trước mặt con có hại cho sức khỏe tinh thần của chúng
Các chuyên gia đều đồng ý rằng, thật không thực tế khi mong đợi rằng vợ chồng bạn sẽ không bao giờ tranh cãi trước mặt con cái. Những tình huống này có thể là một trong những bài học cuộc sống tuyệt vời nhất. Mặc dù vậy, các bậc cha mẹ nên luôn cố gắng tìm ra giải pháp tích cực nhất cho các cuộc tranh cãi của mình và truyền đạt giải pháp đó cho con cái.
Một nghiên cứu năm 2006 về trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 18 tuổi cho thấy xung đột của cha mẹ không có hại nếu nó được giải quyết tích cực. Tuy nhiên, khi những xung đột này vẫn chưa được giải quyết, trẻ em lại bị trầm cảm, lo lắng hoặc có các vấn đề về hành vi. Mối tương quan giữa sự bất hòa của cha mẹ và cảm xúc bất an đối với tuổi trẻ vị thành niên thậm chí còn mạnh mẽ hơn đối với trẻ nhỏ.
Có nhiều phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau và mỗi người sẽ có lựa chọn phù hợp với bản thân và văn hóa gia đình. Tuy nhiên, dù chọn theo cách nào, cha mẹ cũng nên tránh những lầm tưởng này để con cái được hưởng sự giáo dục tốt và đầy đủ nhất.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: