Sức khỏe hôm nay

5 cách trị hăm hiệu quả cho trẻ, mẹ nào cũng nên biết

Da của trẻ dưới 12 tháng tuổi rất mỏng và nhạy cảm vì vậy việc mặc tã thường xuyên cộng với việc vệ sinh vùng kín chưa đúng cách rất dễ khiến bé bị hăm. Sau đây là 5 cách giúp các mẹ trị hăm hiệu quả cho bé, giúp bé có một giấc ngủ ngon và một sức khỏe tốt.

Khi trẻ bị hăm tã, thường xuất hiện các dấu hiệu như: đỏ da ở vùng quấn tã, xung quang bộ phận sinh dục, kèm theo mùi khai, thậm chí là da căng và có lốm đốm đỏ, ở giữa có mủ… Lúc đó, mẹ nên áp dụng ngay 5 cách sau để trị hăm cho bé:

1. Ngưng dùng tã

Khi bé bị hăm, mẹ nên thường xuyên thay tã hoặc tốt nhất là nên cho bé ngưng dùng tã thời gian.

Khi bé bị hăm, mẹ nên ngưng mặc tã cho bé để da bé được tiếp xúc với không khí. Thay vào đó, cho bé mặc các loại tã lót ít lớp, thoáng hoặc đặt bé trên tấm vải lót, trên tấm nhựa.

Trong trường hợp nặng bé bị tiêu chảy, hoặc sợ bé tè dầm lúc ngủ, mẹ có thể dùng tã nhưng trước khi mặc tã phải đảm bảo da con khô ráo hoàn toàn và mẹ nên thay bỉm cho bé sau mỗi 2-4 tiếng,

2. Giữ da bé sạch và khô thoáng

Thoa phấn rôm lên vùng bị hăm là một cách lỗi sai rất phổ biến mà các bà mẹ hay mắc phải

Da sạch và khô là yếu tố quyết định giúp bé mau hết hăm. Vì vậy mẹ phải cố gắng giữ vệ sinh vùng này bằng cách dùng nước ấm rửa sạch, sau đó dùng khăn xô nhúng nước ấm vắt cho nước chảy nhè nhẹ lên vùng da nhạy cảm của con, chấm nhẹ và lau khô.

Lưu ý, khi lau mẹ nên chỉ chấm nhẹ khăn, không miết khăn lên da con vì sẽ khiến bé đau. Đồng thời, mẹ không nên dùng phấn rôm thoa lên vùng hăm vì sẽ làm lỗ chân lông bị bít, không thoát mồ hôi gây kích ứng da.

3. Kiểm tra lại chất lượng tã, khăn giấy

Ảnh minh họa

Đôi khi nguyên nhân khiến bé bị hăm không ở đâu xa mà lại ở chất lượng tã và khăn lau bé dùng hàng ngày. Vì vậy, mẹ nên kiểm tra lại xem loại tã con dùng có nhiều nylon không, có chật quá không? Nhiều khi, tã không đủ chất lượng, hoặc mẹ không dùng bỉm đúng cách sẽ khiến con bị hăm tã.

Tương tự với khăn lau, nếu bạn đang cho bé dùng loại khăn lau chỉ sử dụng 1 lần và bé bị mẩn đỏ, bạn nên chuyển sang dùng sản phẩm khác. Lúc này, dùng nước sạch vệ sinh cho bé là tốt nhất.

4. Chữa hăm bằng lá khế

Lá khế có tính mát và sát khuẩn, là loại cây lành tính có thể dùng để tắm hoặc đun nước uống khi bị nóng. Vì vậy, lá khế có thể điều trị các bệnh rôm sảy, dị ứng, mẩn ngứa rất an toàn và hiệu quả.

Nước khế là một phương thuốc trị hăm rất hiệu quả

Cách làm: Lấy một nắm lá khế rửa sạch, ngâm vào nước muối loãng khoảng 15 phút cho sạch. Sau đó giã nát cùng vài hạt muối rồi cho khoảng 1 lít nước vào, khuấy đều lên. Cuối cùng, dùng dụng cụ lọc lấy nước và lấy khăn xô mỏng lọc lại lần nữa. Bạn nhớ là dụng cụ làm phải đều được khử trùng sạch sẽ.

Cách dùng: Cho phần nước đã lọc vào chiếc chậu nhỏ sạch đã được khử trùng. Sau đó rửa phần mông, phần bẹn bị hăm của bé thật nhẹ nhàng. Cuối cùng là rửa lại bằng nước sạch và lau khô cho bé. Một ngày rửa 3 – 4 lần sẽ giảm thiểu vùng da bị hăm trông thấy.

5. Chữa hăm cho bé bằng trà xanh

Trong trà xanh chứa nhiều vitamin C và các kháng thể tốt cho da vì vậy chỉ cần dùng trà xanh vài ngày, tình trạng hăm của bé sẽ giảm đáng kể.

Cách làm: Dùng một nắm trà xanh rửa sạch rồi cho vào nồi đun với 3 lít nước, để nguội. Chú ý là nồi đun và dụng cụ rửa cho bé cũng phải sạch sẽ.

Cách dùng: đổ nước trà xanh ra chậu nhỏ rồi dùng khăn mềm sạch rửa nhẹ nhàng cho bé. Sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi lau khô cho bé. Bạn có thể rửa 3-4 lần 1 ngày để hiệu quả nhanh hơn nhé.

Ngoài ra trong thời gian bé bị hăm các mẹ có thể dùng túi trà được nghiền nhỏ, buổi tối đặt vào tã hoặc bỉm để hút ẩm. Vì túi trà khô hút ẩm rất nhanh và lành tính nên nhờ đó vùng da tổn thương sẽ sớm được phục hồi.

Một vài lưu ý khác khi chăm sóc vùng da bị hăm của bé:

- Mỗi lần bé đi vệ sinh xong mẹ cần phải rửa bằng nước sạch cho bé, nếu nước tiểu dính vào càng dễ hăm nặng hơn nữa.

- Nếu dùng thuốc phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, không tự ý mua thuốc cho con vì có thể sẽ làm hại cho da và sức khỏe của bé. Nếu có hiện tượng nhiễm trùng hoặc hăm nặng hơn thì cha mẹ cần đưa con đi bác sĩ chuyên nhi hoặc da liễu để điều trị cho con kịp thời.

- Thời gian bị hăm thường khi trẻ còn nhỏ, đang bú mẹ. Lúc này mẹ nên ăn nhiều đồ mát và ăn đầy đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng trong sữa mẹ.

Ngân Trần

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/5-cach-tri-ham-hieu-qua-cho-tre-me-nao-cung-nen-biet-23531/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY