Sức khỏe hôm nay

5 điều cần biết khi con bắt đầu tập đi xe đạp

(SKGĐ) Những buổi tập xe đạp cùng bố mẹ sẽ là một ký ức đẹp đi suốt thời thơ ấu của con. Nhưng đừng vội vàng dắt xe ra ngay, hãy xem xét độ an toàn cho bé trước đã.

1. Đội mũ bảo hiểm

Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 500.000 trẻ em bị thương nặng liên quan đến tai nạn xe đạp, hầu hết chấn thương có thể tránh được nếu đội mũ bảo hiểm. Vì vậy, hãy chắc chắn bé đã được đội mũ bảo hiểm đúng cách trước khi ngồi lên xe.

Lưu ý khi chọn mũ bảo hiểm:

- Chọn màu tươi sáng hoặc màu huỳnh quang để người khác dễ nhìn thấy bé.

- Chọn loại thông gió tốt, có dán nhãn SCR chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn.

- Chọn mũ vừa vặn với chu vi vòng đầu của bé.

- Cần đảm bảo các dây được gắn chặt và bé không đội bất kỳ chiếc mũ nào khác bên dưới mũ bảo hiểm.

Hãy dặn bé tháo mũ bảo hiểm ra khi chơi các trò chơi hoặc leo lên cây bởi dây đeo ở cằm có thể khiến bé bị nghẹt thở. Nếu có điều kiện, hãy trang bị cho bé găng tay và đệm đầu gối để giảm chấn thương khi bị ngã.

2. Lựa trang phục

Khi con bạn đi xe trên những con phố nhiều xe cộ đi lại, hãy mặc cho con những loại quần áo màu sắc nổi bật hoặc quần áo có vạch phản quang để những người khác có thể nhìn thấy bé mà tránh. Đừng mặc cho bé các loại quần áo tối màu, nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn.

Nên chọn cho bé quần áo nhẹ, thoải mái, thấm hút tốt để bé không bị nóng khi tập xe đạp. Ống quần không nên quá rộng hoặc loe, quần có thể bị cuốn vào xích xe đạp khi con bạn đạp xe.

Đừng bao giờ để bé đi chân trần đi xe đạp. Hãy chọn loại giày có đế có thể giữ chặt bàn đạp. Giày cao gót, dép xỏ ngón có thể nảy sinh các chấn thương khi đạp xe.

Nếu con bạn đeo ba lô, hãy chắc chắn các dây đai được gắn chặt và cuốn gọn lên để tránh trường hợp dây đai bị mắc kẹt trong nan hoa bánh xe. Giữ cho ba lô càng gọn nhẹ càng tốt.

3. Kiểm tra độ an toàn của xe

Có thể bạn quan tâm

Trẻ nghịch càng kỳ quặc càng thông minh

Nắn chân cho con: chỉ khiến tình trạng tồi tệ thêm

Những cấm kỵ khi cho con uống sữa

Trong lần đầu tập cho bé đi xe đạp, bạn hãy dựng chân chống lên, để bé ngồi lên xe. Sau đó hãy điều chỉnh yên xe nhằm đảm bảo độ cao phù hợp, sao cho chân của bé có thể chạm đất khi ngồi trên yên. Yên cao quá sẽ khiến con dễ bị ngã, còn nếu thấp quá sẽ khiến cột sống bị vẹo vì phải gù lưng xuống khi đạp xe.

Ngoài ra, hãy kiểm tra kỹ để chắc chắn:

- Lốp đủ căng, không bị mòn quá nhiều (nhằm đảm bảo độ ma sát, tránh trơn trượt)

- Xích được tra dầu thường xuyên và loại bỏ bụi bẩn

- Tay lái có cao phù hợp, các loại ốc, vít được thắt chặt

- Các dây phanh chắc chắn, miếng đệm phanh không bị mòn quá

4. Chọn một địa điểm

Nên chọn các bãi cỏ hoặc bãi đất trống mềm sẽ an toàn và ít gây chấn thương cho con hơn.

Bề mặt bê tông phẳng và gần như không có chướng ngại vật sẽ dễ dàng cho việc luyện tập; nhưng nó lại khá nguy hiểm nếu chẳng may bị ngã. Vì vậy, khi tập xe ở sân bê tông, ngoài việc đội mũ bảo hiểm hãy đeo găng tay và đệm đầu gối cho bé.

5. Các nguyên tắc an toàn khác

Khi con đã tự đi được xe đạp mà không cần sự hỗ trợ, hãy nhắc bé:

- Đi trong làn đường dành cho xe đạp

- Luôn dừng lại và nhìn kỹ trước, sau khi muốn sang đường hay rẽ vào các ngõ hẻm. Cẩn trọng khi đi đến các ngã ba ngã tư

- Không đi quá gần xe đang đậu, cánh cửa có thể bất ngờ mở ra.

- Không rẽ xe đột ngột. Phát tín hiệu bằng tay khi muốn chuyển hướng

- Không đeo tai nghe khi đi xe

- Không đứng lên khi đi xe

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/5-dieu-can-biet-khi-con-bat-dau-tap-di-xe-dap-15743/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY