12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

5 thói quen hàng ngày đang “rút cạn” sức đề kháng, bạn cần tránh

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Khi hệ miễn dịch kém, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Dưới đây là những thói quen tác động xấu đến hệ miễn dịch, bạn cần tránh phạm phải.

Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm - (Ảnh: Freepik)

1. Tập thể dục quá mức

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tập luyện cường độ cao và kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Đồng thời, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên như: cảm lạnh. Vì vậy, bạn nên có chế độ tập luyện đều đặn, phù hợp và cân bằng để giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nên dành 150 phút hoạt động thể chất vừa phải - như đi bộ nhanh, hoặc 75 phút hoạt động thể chất mạnh mỗi tuần. Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo hiệu suất tập luyện hiệu quả.

Với những người mong muốn giảm cân, thay vì luyện tập quá mức đôi khi có thể dẫn đến mệt mỏi và chấn thương, hãy quan tâm đến chế độ ăn hàng ngày nhé! Tuyệt đối không vì giảm cân mà nhịn ăn. Vì việc giảm lượng thức ăn xuống thấp hơn tỷ lệ trao đổi chất có thể dẫn đến tổn hại lâu dài cho quá trình trao đổi chất của bạn.

2. Chế độ ăn kém lành mạnh

Quá trình trao đổi chất trong cơ thể luôn cần một lượng nước đầy đủ để diễn ra một cách tốt và hiệu quả nhất. Quá trình trao đổi chất này giúp tạo ra năng lượng, thải độc tố, từ đó góp phần cho cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, nước còn mang chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào, đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang và giúp ổn định huyết áp. Cơ thể thiếu hụt nước sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, hạn chế việc tiết các protein kháng khuẩn vào nước bọt, từ đó khiến hại khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể. Do đó, người trưởng thành cần uống 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra suôn sẻ.

Đường có thể làm giảm khả năng miễn dịch bằng cách làm suy yếu các tế bào bạch cầu - (Ảnh: Rare)

Bên cạnh đó, việc uống nhiều rượu và nạp nhiều đường cũng khiến sức đề kháng suy yếu. Trong đó, đường gây ra chứng viêm, làm giảm khả năng miễn dịch bằng cách làm suy yếu các tế bào bạch cầu. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo, nam giới không nên tiêu thụ quá 36 gram đường mỗi ngày và phụ nữ không quá 24 gram. Tương tự rượu cũng không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Vì thế, các chuyên gia luôn khuyên phụ nữ không nên uống nhiều hơn 1 ly nhỏ mỗi ngày và nam giới nên dừng lại ở mức 2 ly nhỏ mỗi ngày.

3. Thiếu ngủ

Giấc ngủ giúp tái tạo và hỗ trợ việc sản xuất các protein miễn dịch cần thiết cho hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng cân, huyết áp cao, trầm cảm, giảm chức năng hệ miễn dịch và khả năng ghi nhớ của bạn. Thiếu ngủ không chỉ gây ra bệnh tật mà còn có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.
Do đó, nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ thì hãy cố gắng điều chỉnh lại để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

4. Rửa tay quá nhanh

Bạn biết không, rửa tay đúng cách làm giảm đáng kể bệnh tật. Theo CDC, rửa tay làm giảm 58% các ca tiêu chảy do nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch kém; giảm thiểu số ca tử vong do viêm phổi và tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, chỉ 5% mọi người rửa tay đúng cách, và cứ 3 người thì chỉ 1 người sử dụng xà phòng và 1/10 không bận tâm đến bồn rửa. Không rửa tay khiến bạn tiếp xúc với tất cả các loại vi khuẩn và virus gây bệnh.

Rửa tay giúp giảm 58% các ca tiêu chảy do nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch kém - (Ảnh: Internet)

Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyên nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong vòng 15-20 giây. Nhất là vào những thời điểm sau: Trước, trong và sau khi chuẩn bị bữa ăn; Sau khi xì mũi, hắt hơi hoặc ho; Sau khi tiếp xúc với một người không khỏe; Sau khi đi vệ sinh; Sau khi thay tã cho trẻ, chăm sóc người bệnh; Sau khi chạm vào động vật hoặc thức ăn hoặc chất thải của động vật...

5. Dùng thuốc kháng sinh quá nhiều

Thuốc kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Chúng không hoạt động trên các loại virus như cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Nếu thường xuyên dùng thuốc kháng sinh khi không cần thiết, bạn có thể bị kháng thuốc và suy yếu hệ miễn dịch.

Bạn cần biết rằng, người có hệ miễn dịch yếu dễ bị nhiễm trùng (viêm phổi, viêm màng não, viêm phế quản, nhiễm trùng da) thường xuyên hơn người khác và bệnh có thể nặng hơn hoặc khó điều trị hơn. Những người có hệ miễn dịch kém cũng dễ mắc các căn bệnh: rối loạn tự miễn, viêm các cơ quan nội tạng, rối loạn hoặc bất thường về máu, các vấn đề về tiêu hóa, nếu là trẻ em thì sẽ chậm phát triển và tăng trưởng. Những người có hệ miễn dịch kém nên có chế độ ăn hợp lý, sinh hoạt lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch và tránh nhiễm trùng.

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin


Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/5-thoi-quen-hang-ngay-dang-rut-can-suc-de-khang-ban-can-tranh-31817/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY