Người hướng ngoại thích nạp đầy khối óc và trái tim thông qua sự tương tác xã hội trong khi người hướng nội lại cần nhiều thời gian ở một mình để phục hồi cảm xúc và tái tạo tinh thần. Lý giải cho sự khác biệt này, các nhà khoa học cho biết, bộ não của con người chứa 2 chất dẫn truyền thần kinh quan trọng là Dopamine và Acetylcholine. Tuy lượng Dopamine trong não của người hướng ngoại và người hướng nội tương đương nhau nhưng người hướng ngoại lại ít nhạy cảm với Dopamine hơn. Họ cần thêm nhiều Dopamine để cảm thấy vui vẻ và hài lòng. Do đó, những người này thích gặp gỡ, trò chuyện, di chuyển liên tục để tự tạo ra cảm xúc hân hoan, tươi mới. Bên cạnh đó, Acetylcholine mang đến cảm giác an toàn, thư thái khi chúng ta dành thời gian chăm sóc bản thân cũng như kết nối với thế giới nội tâm. Người hướng nội luôn cảm thấy được an ủi, vỗ về và bình tâm khi yên tĩnh đọc sách hoặc cần mẫn học tập một mình trong khi người hướng ngoại khó đạt được trạng thái mãn nguyện, thoải mái dưới tác động của Acetylcholine. Đây là nguyên nhân chính khiến những người hướng ngoại trở nên vô cùng buồn bã, bức bối khi bị mắc kẹt ở nhà nhiều ngày liền trong giai đoạn cách ly toàn xã hội này. Họ vốn đã quen thuộc với nhịp sống năng động và tràn ngập sắc màu nên sự giãn cách xã hội đã và đang hút cạn nguồn năng lượng tinh thần của họ.
6 bí quyết giúp người hướng ngoại “sống sót” qua giai đoạn cách ly toàn xã hội
Thường xuyên gọi điện, nhắn tin, gọi video call
Tuy không thể so sánh với những cuộc gặp gỡ trực tiếp nhưng việc liên lạc với bạn bè và người thân qua điện thoại, tin nhắn, video call đang là phương thức giao tiếp tiện lợi và phổ biến nhất. Đây chính là thời điểm mọi người cần thường xuyên kết nối để nâng đỡ nhau vượt qua những tháng ngày cách ly buồn chán Thật tuyệt vời nếu mỗi ngày, chúng ta nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi hỏi han chân tình, ấm áp từ những người thân thương và ngược lại, đúng không nào? Ngoài ra, với đầu óc linh hoạt, nhạy bén của một người hướng ngoại, bạn hoàn toàn đủ sức sáng tạo ra nhiều trò vui độc đáo để mang đến hàng tá bất ngờ thú vị cho người thân và bạn bè.
Tự chăm sóc bản thân
Bạn nên ăn uống đầy đủ, làm việc điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập luyện thể thao, đắp mặt nạ, tắm bồn thư giãn… Chỉ khi thực sự khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, bạn mới đủ sức vượt qua giai đoạn cách ly hiện tại. Hơn nữa, việc cuốn bản thân vào các hoạt động chăm sóc cá nhân có thể giúp bạn tạm quên đi khao khát giao tiếp xã hội đấy.
Viết nhật ký
Viết nhật ký cũng là một cách nuôi dưỡng cảm xúc và chữa lành tâm hồn hữu hiệu. Không cần viết về những điều hay ho, hoa mỹ, chúng ta chỉ cần ghi lại các cung bậc cảm xúc hỗn độn cùng những chiêm nghiệm sâu sắc mà mỗi người nhận thấy trong khoảng thời gian đầy ắp biến động vừa qua. Khi bình tĩnh trải lòng cùng con chữ, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thêm nhẹ nhõm và bình yên.
Theo đuổi sở thích cá nhân
Tại sao bạn không tranh thủ tái khởi động mọi dự định dang dở của bản thân trong thời gian này? Vẽ tranh, làm gốm, nấu ăn, xếp giấy, may vá, viết lách, xem phim, yoga, tập thể hình… hãy biến khoảng lặng hiện tại thành một chuỗi ngày hào hứng khi bạn được sống trọn vẹn với những điều mình yêu. Bạn cũng có thể đặt ra thử thách 14 ngày, mỗi ngày đều đăng một thành quả thú vị lên mạng xã hội. Bạn sẽ thấy thời gian trôi nhanh hơn mình tưởng đấy.
Dọn dẹp nhà cửa
Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để mọi người bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Điều này không chỉ đơn thuần giúp ngôi nhà thân yêu thêm sạch sẽ, thoáng mát mà còn là cơ hội tuyệt vời để bạn nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Hãy bật một ca khúc sôi động, vui tươi hay gọi điện thoại tâm sự cùng hội bạn thân trong khi dọn dẹp, điều này sẽ giúp bạn tiếp thêm năng lượng giúp bạn hăng hái hơn đấy!
Thiền định
Những ngày ở nhà tránh dịch, bạn có thể lựa chọn một góc ấm áp và yên tĩnh của ngôi nhà để thực tập thiền định. Đối với những người hướng ngoại, ban đầu, đây sẽ là một thử thách tương đối khó khăn. Nhưng xin hãy nhớ rằng, khi xây dựng thành công thói quen thiền định mỗi ngày, bạn sẽ đạt đến sự bình an trong tâm hồn cũng như có khả năng thấu tỏ bản thân.
Hy vọng những “bí kíp” “sống còn” trên sẽ giúp những người có tính cách hướng ngoại cảm thấy dễ thở hơn trong giai đoạn cách ly toàn xã hội.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: