Sức khỏe hôm nay

6 bước giúp con chống lại chì

(SKGĐ) Lo sợ trẻ bị nhiễm chì, các ông bố bà mẹ quyết định “nói không” với thuốc cam, nhưng chì đâu chỉ có trong thuốc cam.

 

Thời gian qua, thông tin trẻ nhiễm chì (đã có trường hợp tử vong) do dùng thuốc cam đã khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Trên thực tế, không chỉ có thuốc cam mà xung quanh môi trường sống của con bạn còn nhiều nguy cơ nhiễm chì từ sơn nhà, khói xe, nguồn nước ô nhiễm, sách báo in kém chất lượng…

Dư luận đã từng xôn xao về thực phẩm tại một số trường mầm non Hà Nội nhiễm chì rồi chuyện ly cốc sặc sỡ, lắc tay cho bé có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn. Hàm lượng chì có thể tăng dần trong cơ thể bé, chúng không khiến trẻ nhập viện ngay lập tức nhưng âm thầm hủy hoại thể lực, trí tuệ và tuổi thọ.

Trong khi phác đồ điều trị ngộ độc chì đang được xây dựng và Việt Nam còn chưa có nhiều loại thuốc thải độc chì (như  BAL, CANA2-EDTA, Succimer), SKGĐ gửi tới bạn vài lời khuyên giúp bé giảm nguy cơ nhiễm độc:

Cho con ăn sáng đầy đủ: Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh của Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo phòng tránh nhiễm chì cho trẻ em vùng dễ mắc là: Hãy ăn sáng đầy đủ hoặc thường xuyên có những bữa ăn nhẹ. Nguyên nhân là vì khi bụng đói, việc hấp thu hàm lượng chì vào máu càng tăng cao. Chính vì thế việc ăn sáng và ăn thêm các bữa phụ sẽ khiến lượng chì đi vào cơ thể (qua thực phẩm và môi trường sống) bị đào thải nhanh, nhiều hơn qua hậu môn.

Bổ sung đủ sắt: Theo kiểm nghiệm của CDC thì trẻ em thiếu sắt và trẻ ở các trung tâm tị nạn có thể hấp thụ chì cao 2-3 lần so với nhóm trẻ đủ sắt. Vì vậy để tránh việc hấp thu chì vào máu trẻ, bạn nên cho bé ăn bổ sung thực phẩm giàu sắt như rau rền, thịt nạc, hải sản…

Tăng cường calci: Khi chì vào cơ thể, chúng sẽ dần thay thế calci trong xương. Nếu bổ sung calci thì lượng chì hấp thu vào xương giảm. Đồng thời khi có thêm calci trong thực phẩm sẽ tạo ra sự cạnh tranh hấp thu ở đường ruột nên lượng chì bị đào thải qua tiêu hóa nhiều hơn, vào máu ít hơn.

Hạn chế chất béo: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của CDC cho thấy khi tăng chất béo, protein trong khẩu phần ăn của trẻ thì việc hấp thu chì vào máu cũng tăng lên. Còn nếu chúng được hạ xuống mức cân bằng thì lượng chì sẽ giảm.

Ăn tỏi: Hợp chất sulfur của tỏi là chất giải độc chì mãn tính. Sau khi ăn tỏi hàm lượng chì trong mô gan và mô cơ giảm hẳn; các triệu chứng nhiễm độc giảm đáng kể. Nhiều công nhân làm việc ở môi trường dễ nhiễm chì như khai thác và chế biến chì, sản xuất ắcquy chì, súc rửa bồn xăng có pha chì đã truyền nhau kinh nghiệm là ăn tỏi hàng ngày để phòng chống.

Đậu xanh giải mọi loại độc: Theo Đông y, đỗ xanh có khả năng giải độc cao. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (đời Minh, Trung Quốc) đã ghi đỗ xanh có thể giải độc thực phẩm, khi uống phải thạch tín, kim loại nặng (như thủy ngân, chì). Vì vậy thường xuyên bổ sung chè, canh đậu xanh cho bé cũng là cách làm giảm nguy cơ nhiễm chì.

Cao Duyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/6-buoc-giup-con-chong-lai-chi-10495/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY