Sức khỏe hôm nay

6 cách đơn giản giúp mẹ đối phó với tật nói leo ở trẻ

Trẻ nói leo không xấu như cha mẹ vẫn nghĩ vì thường đứa trẻ nào cũng sẽ mắc phải tật này, nhất là trẻ từ 3-9 tuổi. Với 6 cách sau đây, bạn có thể dễ dàng trị được tật nói leo của trẻ mà không cần dùng đến đòn roi.

1. Phân tích cho trẻ hiểu

Bé hay nói leo có thể do bé vô tư, thích nói, chưa biết để ý đến cảm nhận của người khác, càng chưa biết đến phép lịch sự trong giao tiếp. Mẹ nên giải thích cho bé, ngắt lời người lớn, hay nói leo là một thói xấu cần phải bỏ.

Ảnh minh họa

Cha mẹ nên hỏi trẻ khi con đang nói chuyện với ai đó có người nói chen vào con sẽ cảm thấy như thế nào. Việc đóng kịch giữa cha mẹ và con, cho con được trải nghiệm cảm giác của người trong cuộc sẽ giúp trẻ thấu hiểu vấn đề hơn.

2. Cha mẹ nghiêm khắc nhưng phải khéo léo

Cha mẹ cũng cần phải bắt trẻ nghe những gì bạn nói bằng cánh nhắc nhở trẻ rằng, chúng đã được nói điều chúng muốn và giờ đến lượt chúng phải nghe theo người lớn nói.

Ví dụ: “Mẹ (bố) đã hiểu những gì con muốn nói và để công bằng con phải để mẹ (bố) trao đổi”. Chỉ bằng một lời nhắc nhở ngắn gọn, nhẹ nhàng như vậy sẽ làm cho trẻ tự suy nghĩ về thái độ của mình, giúp chúng hình thành ý thức và biết rằng không nên nói leo.

Đặc biệt, với trẻ lớn nói leo thì cha mẹ phải cho trẻ biết là bạn đã hiểu được suy nghĩ của chúng sau khi lắng nghe những điều chúng nói, nếu không chúng sẽ nghĩ bạn chẳng để tâm đến chuyện của mình rồi tiếp tục nói leo.

Trong trường hợp này tốt nhất nên nói với con: “Mẹ (bố) biết là con đã suy nghĩ về chuyện này nhiều, chắc hẳn vấn đề này rất quan trọng với con. Để mẹ (bố) xem xét, nếu hợp lý sẽ cho con thực hiện. Nhưng lần sau con đừng cắt ngang lời bố mẹ như vậy, mà hãy để bố mẹ chấm dứt câu chuyện thì con hãy trình bày ý kiến của mình”. Làm như vậy con bạn sẽ hiểu rằng cần phải biết tôn trọng cuộc trò chuyện của người lớn và không cần phải nói leo, mà vẫn có thể được cha mẹ quan tâm.

Với bé có tật nói leo, bạn cần kiên nhẫn uốn nắn trẻ một cách nhẹ nhàng. Như vậy, bạn sẽ bỏ được tật nói leo của trẻ được dễ dàng mà không làm trẻ bị tổn thương hay ức chế.

3. Dạy trẻ cách giao tiếp lịch sự

Cha mẹ cũng cần tập cho con phép xã giao lịch sự trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày để tạo thành thói quen tốt. Hãy dạy bé nói chuyện một cách từ tốn nhẹ nhàng, đợi người lớn nói hết câu, bé mới được phép nói tiếp hoặc bày tỏ ý kiến của mình. Khi bé đã thực hiện được điều đó, mẹ hãy khen ngợi để động viên bé tiếp tục duy trì thói quen tốt này.

Ảnh minh họa

Khi mẹ chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu của bé, hãy thông báo hay ra hiệu với bé một cách lịch sự để bé học hỏi.

Ví dụ, khi mẹ đang nói chuyện với khách, nếu con cần hỏi mẹ điều gì đó, con hãy vẫy tay ra hiệu để mẹ biết. Nếu mẹ nhìn thấy con vẫy tay, mẹ có thể nháy mắt hoặc vẫy tay ra hiệu lại để thông báo: Đợi mẹ một tí và nhanh chóng ra xem bé có yêu cầu gì.

Lần sau, lúc nào mẹ chuẩn bị gọi điện thoại hoặc nói chuyện với người lớn, hãy giao hẹn trước với con rằng bé cần phải yên lặng, không được xen vào câu chuyện của mẹ. Nếu bé không nghe lời, bé sẽ bị phạt và không được làm những điều mà bé thích.

Nếu trẻ mốn nói gì đó thì bạn nên dạy trẻ cách xin phép trình bày: “Xin lỗi mẹ, có điều này con muốn nói ạ”, “Mẹ ơi, con xin phép cắt ngang một chút ạ”… Như vậy bé sẽ phân biệt được giữa tật nói leo là xấu với việc xin phép phát biểu là một cách giao tiếp lịch sự.

4. Giữ thái độ bình tĩnh

Nếu trẻ ngắt lời mình, cha mẹ đừng tranh luận và to tiếng với trẻ vì như vậy chẳng ai chịu nghe ai nói, khi cả hai cứ cố gắng hét to cho át tiếng nói của đối phương. Lúc này dù bực mình nhưng các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh nói với trẻ với giọng điệu bình thường, dù con bạn có lớn tiếng thế nào chăng nữa.

Tuyệt đối cha mẹ không được mất bình tĩnh khi nuôi dạy trẻ

Thấy trẻ cướp lời, cha mẹ nên tạm dừng câu chuyện của mình và chú ý lắng nghe xem chúng muốn gì, khi nào chúng muốn thực hiện ý tưởng đó… Và khi trẻ vừa kết thúc sự bày tỏ, thì bạn lại tiếp tục câu chuyện.

Rất có thể trẻ sẽ tiếp tục nói leo vì chưa thỏa mãn, song bạn lại áp dụng chiến thuật như đã làm ở trên. Trẻ sẽ hiểu rằng chúng không thể dừng được dòng suy nghĩ của cha mẹ, dù chúng không hề muốn nghe.

5. Khen ngợi khi con làm tốt

Ảnh minh họa

Lời khen ngợi luôn có ý nghĩa quan trọng với trẻ. Nếu trẻ biết cách thực hiện tốt những hướng dẫn của bạn, đừng quên khen ngợi, khuyến khích con. Có thể trẻ chưa làm thật tốt ban đầu, nhưng nhờ vào lời khen ngợi của bạn, lần sau trẻ sẽ làm tốt hơn và hình thành dần thói quen nói năng từ tốn, lịch sự.

6. Đánh lạc hướng trẻ

Khi nhà có khách, bạn cần hướng trẻ đến hoạt động riêng, phù hợp độ tuổi như chơi trò chơi, xem hoạt hình, nghe bà kể chuyện… Khi “bận rộn” với thế giới riêng của mình, trẻ sẽ không quấy rầy người lớn nữa.

Ngân Trần

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/6-cach-don-gian-giup-me-doi-pho-voi-tat-noi-leo-o-tre-24053/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY