Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, hiện tại số bệnh nhân không triệu chứng và nhẹ chiếm đến khoảng 80% tổng số ca mắc COVID-19. Hầu hết những ca F0 không triệu chứng này đều có thể trải qua căn bệnh một cách nhẹ nhàng, thậm chí nhiều người vẫn khỏe mạnh để làm việc trực tuyến trong thời gian cách ly, điều trị.
Dù vậy, bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng cũng có thể chuyển thành nặng chỉ trong vài giờ, gây nhiều khó khăn cho ngành y tế. Vì vậy, F0 đang ở trong bệnh viện, hay đang được cách ly tại nhà, quan trọng nhất vẫn là theo dõi các triệu chứng.
Nếu không triệu chứng, không xuất hiện bất kỳ triệu chứng sức khỏe bất thường nào, F0 chỉ cần cách ly trong phòng riêng biệt (nếu điều trị tại nhà), giữ phòng ở vệ sinh, thông thoáng, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thể thao điều độ, tinh thần vui vẻ lạc quan là đủ.
Còn nếu có xuất hiện những triệu chứng điển hình như cảm cúm, F0 nên tự chăm sóc sức khỏe bản thân để nhanh lấy lại sức khỏe bằng cách: uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm ho, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý, COVID-19 chưa có thuốc điều trị, những loại thuốc như giảm đau, hạ sốt chỉ là thuốc trị triệu chứng. Khi uống, nên uống đúng liều, đúng cử theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không uống quá liều, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như cảm sốt, F0 cần uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm ho, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng - (Ảnh: sleepedia) |
Đặc biệt, trong trường hợp F0 xuất hiện 6 dấu hiệu sau đây, cần liên hệ ngay với nhân viên y tế, cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, can thiệp và chữa trị kịp thời. Các dấu hiệu bất thường bao gồm:
1. Khó thở, tức đang nằm ngửa thấy thở khó quá phải ngồi dậy, hay đang ngồi phải ngồi thẳng dậy để dễ thở hơn.
2. Nhịp thở nhanh (trên 20 lần/phút).
3. Đau hoặc tức ngực thường xuyên.
4. Nếu có thiết bị đo SPO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) kẹp đầu ngón tay, hãy chú ý khi nó xuống dưới 95%.
5. Không còn tỉnh táo.
6. Môi, da, móng tay nhợt nhạt, thậm chí tím tái lại.
Những dấu hiệu vừa kể trên là biểu hiện cho thấy virus SARS-CoV-2 đang dần tác động và gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp, đặc biệt là phổi của bệnh nhân COVID-19. Vì thế, khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng kê trên, F0 cần gọi y tế phường nếu đang cách ly và điều trị ở nhà, gọi nhân viên y tế quản lý khu cách ly nếu đang ở bệnh viện thu dung/khu cách ly. Sau đó, giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh ngồi hít thở sâu khi chờ đợi, có thể nằm sấp để dễ thở hơn.
Ngoài ra, theo chuyên gia, 6 dấu hiệu vừa kể trên cũng có thể là “báo động giả”, vì quá lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều. Để phân biệt đó có thể là “báo động giả” hay không, F0 nên áp dụng các cách sau:
Khó thở khi bị COVID-19 có thể là “báo động giả”, vì quá lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều - (Ảnh: Internet) |
- Ngồi thẳng lưng, nhẹ nhàng hít thở sâu bằng mũi, đẩy không khí xuống bụng, sau đó từ từ thở ra bằng miệng.
- Nếu làm một lúc cảm thấy thấy dễ thở hơn, thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì đây là khó thở do “báo động giả”.
- Và hãy nhớ rằng, các bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng thường gặp nhiều khó khăn trong việc hít thở, mỗi khi hít thở cảm thấy nặng lồng ngực và hơi thở khò khè.
Bên cạnh 6 dấu hiệu F0 cần gọi ngay cho nhân viên y tế vừa kể trên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 được cách ly điều trị ở nhà cần tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe bằng cách: Đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày, khai báo các triệu chứng qua phần mềm khai báo y tế điện tử. Trong trường hợp, người bệnh có triệu chứng hô hấp hoặc sốt trên 38°C với 2 lần liên tiếp, cần liên hệ với trung tâm y tế gần nhất.
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: