12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

7 sự kiện y khoa nổi bật và đáng ghi nhớ trong năm 2017

2017 là một năm với nhiều sự kiện y tế nóng đã diễn ra. Cùng chúng tôi tổng hợp các vấn đề y khoa nổi bật năm 2017 để ghi nhận những cố gắng, thành quả của ngành y trong năm qua.

Tổng hợp các vấn đề y khoa nổi bật trong năm 2017 phải kể tới các sự kiện như dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội lan nhanh gấp 700 lần, nhiều tai biến y khoa nặng nề, Việt Nam nới lỏng chính sách sinh con, thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam...

1. Tự chủ sản xuất vaccine sởi - Rubella

Tháng 03/2017 vaccine sởi - Rubella do Việt Nam sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vắc-xin phối hợp sởi - Rubella và một trong 43 nước sản xuất được vaccine. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine 2 trong 1 trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Cũng là thành tựu đáng kể của Việt Nam trong năm 2017.

2. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng

Ngày 24/03/2017, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được khai trương và đưa vào áp dụng, triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/06/2017 trên 63 tỉnh, thành phố với 12.877 đơn vị. Hệ thống đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là phụ nữ, trẻ em theo mã ID, theo suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vắc-xin và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân...

3. Áp dụng thành công phương pháp chữa vô sinh mới

Ngày 06/04/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật "nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng".

Phương pháp chữa vô sinh mới mang lại cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ

Đây là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam với chi phí rất thấp, lại giúp cho nhiều phụ nữ được làm mẹ một cách tự nhiên khi có thể giúp cho những người bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ không cần phải thụ tinh trong ống nghiệm mà vẫn có thể mang thai.

4. Những ca tai biến y khoa nặng nề

Nhiều ca tai biến y khoa nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử y học Việt Nam trong năm 2017 và trở thành bài học kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế.

Ca chạy thận nhân tạo đầu tiên trong ngày 29/05/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã trở thành thảm họa khi 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, 8 người sau đó lần lượt tử vong. Tai biến được Bộ Y tế đánh giá là sự cố y khoa nghiêm trọng chưa từng có. Nguyên nhân của sự việc này, theo cơ quan điều tra là do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo, các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.

5. Các bệnh viện trung ương liên thông kết quả xét nghiệm

Từ ngày 01/08/2017, Bộ Y tế thí điểm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện Trung ương, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm.

Tuy nhiên, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Vì thế, các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền bạc.

Theo lộ trình, sang năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc.

6. Dịch sốt xuất huyết hoành hành ở Hà Nội

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 07-08/2017 với trên 37.000 ca mắc và 7 ca tử vong, có những tuần ghi nhận hơn 3 nghìn ca mắc, tốc độ lan nhanh gấp 700 lần so với cùng kỳ năm trước. Dịch sốt bùng phát mạnh nhất trong 10 năm qua với gần 25.000 người mắc bệnh, 7 người tử vong.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất trong 10 năm qua

Các năm trước Hà Nội chỉ ghi nhận hai chủng virus D1, D2 gây sốt xuất huyết nhưng năm nay xuất hiện thêm cả chủng D3, D4. Có ngày khoảng 2.000 bệnh nhân nhập viện. Các bệnh viện tại thủ đô quá tải, bệnh nhân tăng gấp 4 lần năm ngoái. Hà Nội phải nhờ các tỉnh lân cận chi viện máy phun diệt muỗi công suất lớn và nhân lực hỗ trợ phòng chống dịch. Dịch sốt xuất huyết cho thấy lỗ hổng trong y tế dự phòng. Cuối cùng, dịch chỉ được khống chế vào tháng 9 bằng nhiều giải pháp.

7. Lần đầu tiên trong 20 năm, Việt Nam nới lỏng chính sách dân số

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/2017 nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hậu quả khó khắc phục. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với các nước phát triển.

Tỷ lệ sinh thấp dẫn tới phải nới lỏng chính sách dân số

Tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt ở khu vực thành thị, dẫn đến số người già nhiều hơn người trẻ. Một hậu quả nữa của chiến lược giảm sinh là tệ nạn lựa chọn giới tính thai nhi, gây mất cân đối nghiêm trọng tỷ lệ nam/nữ.

Sau hơn 20 năm Việt Nam đã thay đổi chọn chiến lược mức sinh thay thế. Cụ thể là giảm sinh ở nơi sinh nhiều như ở vùng núi, ven biển; vận động sinh đủ hai con ở nơi sinh ít như tại TP.HCM - nơi đang có tỷ lệ con thấp nhất cả nước.

Các biện pháp nhằm cân bằng giới tính khi sinh cũng được ban hành. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tuổi thọ bình quân 75, khắc phục tình trạng ở nhóm cuối về các chỉ số thể lực ở Đông Nam Á.

Tổng hợp các vấn đề y khoa nổi bật năm 2017 với những sự kiện “nóng” ở trên là cơ hội để chúng ta điểm lại những cột mốc và sự kiện đã qua. Hy vọng một năm 2018 sẽ có nhiều những chuyển biến y khoa đáng mong đợi, có thêm nhiều sự kiện tích cực diễn ra phát triển nền y tế nước nhà.

Khuyên Vũ

Theo Tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/7-su-kien-y-khoa-noi-bat-va-dang-ghi-nho-trong-nam-2017-24753/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY