Sức khỏe hôm nay

8 dấu hiệu cho biết mẹ bầu bị trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là vấn đề được nhiều chị em và gia đình, xã hội quan tâm. Đây là chứng bệnh do tâm lý phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng, kết hợp nhiều yếu tố tác động gây nên.

Bệnh lý này điển hình bởi sự giảm khí sắc kéo dài trong khoảng 1 năm đầu tiên sau sinh.

1. Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh xảy ra ở khoảng 10- 20% phụ nữ sau sinh nở.

Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) là chứng bệnh tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Chúng xảy ra ở khoảng 10- 20% phụ nữ sau sinh nở. Trong đó có 15% trường hợp xảy ra trong 3 tháng sau khi sinh và 15 – 25% xảy ra trong năm đầu tiên.

Tình trạng này liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, tuyệt vọng xuất hiện sau sinh, hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể được phát hiện sớm, được điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.

Nếu không được phát hiện và có phương pháp điều trị tâm lý thích hợp thì chứng bệnh này có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, đau lòng và nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.

2. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh thường khởi phát trong vòng 30 ngày sau sinh. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn, nhanh chóng nhưng có khả năng tái phát khi bệnh nhân sinh con lần sau.

Phụ nữ có 13 biểu hiện dưới đây, cần nghĩ ngay đến trầm cảm sau sinh:

- Cảm thấy buồn, nhưng hầu hết các trường hợp không biết lý do vì sao buồn, vô vọng, trống rỗng, hay thấy quá tải về mọi thứ xung quanh.

- Khóc thường xuyên, nhiều hơn bình thường, thậm chí không biết lý do vì sao lại khóc.

- Luôn có cảm giác lo sợ, sợ hãi.

- Buồn phiền, bồn chồn, dễ cáu kỉnh.

- Rơi vào trạng thái mất ngủ, khó ngủ, không thể yên tâm ngủ say, có trường hợp lại ngủ quá nhiều.

- Mất tập trung, suy nghĩ lung tung, khó đưa ra các quyết định.

- Giận dữ, mất kiểm soát, thậm chí với chính bản thân mình.

- Không quan tâm đến bản thân, không còn các sở thích như ngày xưa.

- Có các biểu hiện đau đớn về cả thể chất như nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ, mệt mỏi.

- Ăn quá ít, không muốn ăn, hoặc ăn rất nhiều.

- Không muốn tiếp xúc, chia sẻ với người khác, xa lánh người thân, bạn bè, thậm chí không muốn gần gũi, ôm ấp với con.

- Không tin tưởng khả năng có thể che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho con của bản thân.

- Tồi tệ nhất là xuất hiện các ý nghĩ làm hại bản thân và con.

Trầm cảm sau sinh thường khởi phát trong vòng 30 ngày sau sinh.

Chị em hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các dấu hiệu này theo từng nhóm biểu hiện chính nhé:

2.1 Suy nhược cơ thể

Thực tế, có rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con xong liền rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đau khổ và thậm chí là khóc lóc cả ngày mà chính bản thân cũng không hiểu vì lý do gì.

Họ thường cảm nhận bản thân dư thừa, không được quan tâm, bị mọi người bỏ rơi. Cảm giác này nếu kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi triền miên và suy nhược cơ thể- một trong những dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm sau sinh.

2.2 Lo lắng, đau cơ thể không rõ nguyên nhân

Sau sinh, bà mẹ thường có nhiều mối lo về con cái, bản thân, gia đình. Ngoài sự lo lắng, nếu cơ thể bạn có dấu hiện đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.

2.3 Hoảng hốt

Căng thẳng diễn ra thường xuyên sẽ làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Loại căng thẳng này là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh.

2.4 Căng thẳng

Căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực và hay cảm thấy tội lỗi chính là suy nghĩ của những mẹ mắc chứng bệnh này. Bạn sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn:

- Muốn gây tổn thương bản thân mình hoặc con.

- Bạn có thể có những suy nghĩ như "mình không phải là người mẹ tốt" hay "con không thương mình".

- Bạn có thể cảm thấy mọi vấn đề đều do lỗi của bạn.

- Bạn có thể lo âu quá mức, mất tự tin, cảm thấy mình không chịu đựng nổi nữa.

2.5 Cảm giác bị ám ảnh

Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh con thường hay bị ám ảnh đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do. Bạn có thể lo lắng:

- Con mình quá yếu

- Cân nặng của con không đủ

- Con khóc quá nhiều và bạn không thể làm con nín khóc

- Con quá im ắng và có thể ngừng thở

- Ai đó có thể làm hại mình, ai đó bỏ rơi mình...

Trong trường hợp tiêu cực nhất, phụ nữ có thể suy nghĩ đến hành vi tự sát, cùng hành vi làm hại đứa con.

2.6 Mất tập trung

Người bệnh sẽ thường khó tập trung để làm một việc gì đó và cảm thấy trí nhớ kém, đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Mất tập trung kéo dài khiến họ cảm thấy bản thân rất tồi tệ, kém cỏi, là gánh nặng cho mọi người.

2.7 Rối loạn giấc ngủ

Những người mắc trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ và thường hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc không yên tâm để ngủ say, thỉnh thoảng gặp ác mộng.

2.8 Mất hứng thú với tình dục

Trầm cảm sau sinh có thể lấy đi sự ham muốn gần gũi với chồng của người phụ nữ sau sinh. Có thể do sự tự ti, buồn chán, hoặc do bạn quá đau hay quá mệt mỏi.

Nếu người bạn đời không hiểu điều này nếu bạn không chia sẻ cảm xúc của mình.

3. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh?

Hiện nay, y học vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Đây là dấu hiệu tâm lý bất thường và ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau và có những người bị, có người không. Có những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh do sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên.

Dưới đây là 5 nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh:

- Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh đột ngột, từ đó có thể kéo theo trạng thái cảm xúc thay đổi đột ngột, dễ buồn, dễ cáu, dễ trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt nhưng ở giai đoạn sau sinh, sự thay đổi này diễn ra mạnh hơn.

- Có bệnh sử trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ tái bệnh, mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với những phụ nữ khác.

- Yếu tố cảm xúc: Mang thai không có kế hoạch hay mang thai ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người mẹ trong thai kỳ như lo lắng, băn khoan, thậm chí không muốn sự kiện này xảy ra.

Ngay cả khi mang thai đúng theo kế hoạch, một số mẹ bầu vẫn cần một khoảng thời gian dài để thích nghi với việc có em bé.

Ngoài ra, sự lo lắng, buồn phiền trong thai kì như thai phụ hoặc bé gặp vấn đề về sức khỏe hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc và gây áp lực lên người mẹ.

- Mệt mỏi: Rất nhiều phụ nữ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, sức khỏe giảm sút sau khi sinh do thuốc, vết thương, mất ngủ,... Họ phải mất hàng tuần hoặc thời gian lâu hơn để sức khỏe và năng lượng hồi phục trở lại.

- Yếu tố đời sống: Thiếu sự giúp đỡ của người thân, sự động viên kịp thời hay gặp cú sốc tâm lý, thay đổi nơi ở,... cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

4. Những đối tượng dễ mắc trầm cảm sau sinh

Ở phụ nữ sau sinh, trầm cảm sau sinh là một loại trầm cảm rất hay gặp, chiếm 10% số bà mẹ, có thể trầm cảm xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng sau sinh.

Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ tái bệnh, mắc chứng trầm cảm sau sinh.

5. Cách vượt qua trầm cảm sau sinh

Tìm cách điều trị càng sớm càng tốt. Đôi khi chúng có thể tự biến mất khi nồng độ hormone trong cơ thể đã ổn định.

Ngược lại, nếu nó cản trở hoạt động bình thường hoặc gây 1 trong những những biểu hiện kể trên kéo dài hơn 2 tuần thì nên tìm cách điều trị.

Khoảng 90% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể được điều trị thành công bằng thuốc hoặc kết hợp thuốc và tâm lý trị liệu.

Điều trị trầm cảm sau khi sinh chủ yếu trị liệu tâm lý kết hợp sử dụng thuôc và sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Dưới đây là các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh được áp dụng phổ biến hiện nay:

5.1 Tham vấn tâm lý

Tham vấn tâm lý là phương pháp được nhiều chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa khuyến khích sử dụng nhất trong tất cả các trường hợp điều trị chứng trầm cảm sau sinh.

Chị em mắc chứng bệnh trên hầu hết đều gặp khó khăn trong việc chia sẻ vấn đề của bản thân bởi ảnh hưởng từ sâu trong tâm lý. Tuy nhiên, về lâu dài người bệnh được chuyên gia tâm lý định hướng tư duy, nhìn nhận khách quan và mở lòng hơn, học cách suy nghĩ tích cực sẽ sớm tìm được niềm vui trong cuộc sống. Với mỗi tình trạng sức khỏe, mức độ mắc bệnh cũng như cơ địa của từng người, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Ưu điểm của tham vấn tâm lý: Không có tác dụng phụ, đồng thời tác đến tư duy, suy nghĩ, hành động của người bệnh trầm cảm sau sinh theo hướng tích cực, từ đó thay đổi hành vi lệch lạc…

5.2 Điều trị bằng thuốc

Đây là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh được áp dụng phổ biến. Phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như bài tiết sữa.

Ngoài ra, đối với những người đã có một bệnh sử trầm cảm sau sinh trước đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc phòng ngừa ngay khi mang thai hoặc sau khi em bé được sinh ra

Hầu hết thuốc chống trầm cảm không gây ra rủi ro lớn nào cho thai nhi.

5.3 Hỗ trợ từ người thân

Ảnh minh họa.

Đây là yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh.

Những việc làm người thân cần thực hiện để hỗ trợ người mẹ vượt qua chứng trầm cảm sau sinh:

- Khuyến khích và chủ động đưa người bệnh đi thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường và theo dõi sự tiến triển, hồi phục 1 cách sát sao.

- Thường xuyên động viên, chia sẻ với người bệnh một cách khéo léo, tránh để người bệnh cảm nhận cảm thấy tội lỗi, bi quan, có cảm giác bản thân vô dụng và bất tài.

- Hỗ trợ người mẹ trong việc chăm sóc con nhỏ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

- Đảm bảo luôn có người thân bên cạnh mẹ và bé trong thời gian điều trị để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

5.4 Vai trò của bản thân

- Bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sau sinh cần giải quyết các vấn đề tức thời như giấc ngủ, nghỉ ngơi.

- Hãy mở lòng, chia sẻ với những người xung quanh nhiều nhất có thể.

- Nếu bạn thấy choáng ngợp bởi công việc chăm con hay trách nhiệm gia đình, hãy đề nghị người thân giúp đỡ. Một số mẹo nhỏ đề điều trị chứng trầm cảm sau sinh là thời gian dành riêng cho bản thân một lần mỗi tuần như ra ngoài đi dạo, đi xem phim hoặc tập yoga và thiền định.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/8-dau-hieu-cho-biet-me-bau-bi-tram-cam-sau-sinh-33556/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY