Sức khỏe hôm nay

8 dấu hiệu cho thấy trẻ gặp vấn đề thị lực, cha mẹ cần đưa đi thăm khám sớm

Vì nhiều lý do khác nhau nên nhóm trẻ em, đặc biệt là từ 6-15 tuổi thường rất dễ gặp các bệnh về mắt. Phụ huynh nào có con trong độ tuổi này cần chú ý nhiều hơn, nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về thị lực ở trẻ và đưa đi thăm khám sớm.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về mắt, phổ biến nhất là tật khúc xạ (rối loạn thị lực, bao gồm: cận thị, loạn thị, viễn thị) ngày càng gia tăng. Theo ước tính, nước ta có ít nhất 5 triệu trẻ em dưới 16 tuổi đang phải đeo kính. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Á sẽ có tỷ lệ người mắc tật khúc xạ chiếm tới 52% dân số.

Nguyên nhân gây ra - một phần là do di truyền, nhưng phần lớn vẫn đến từ việc trẻ được lớn lên trong thời đại công nghệ và tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ sớm. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và nhận định, ánh sáng xanh có trong các thiết bị điện tử được xem là tác nhân chủ yếu cho các vấn đề liên quan đến mắt ở trẻ em.

Khi thị lực có vấn đề sẽ cho ra những biểu hiện rất dễ thấy, cha mẹ nên chú ý quan tâm đến sức khoẻ mắt của con nhiều hơn, và nếu thấy con mình có những biểu hiện bất thường sau đây thì nên đưa đi thăm khám sớm, nhằm kịp thời phát hiện và chữa trị, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

1. Nheo mắt

Nheo mắt được xem là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy mắt trẻ đang có vấn đề, chủ yếu là do cận thị gây ra. Việc nheo mắt sẽ giúp trẻ cố định được tầm nhìn, nhìn rõ hơn hoặc để phản ứng với ánh sáng chói và mạnh.

Trẻ em nheo mắt thường xuyên có thể là dấu hiệu của thị lực kém, cần được kiểm tra (Ảnh: Internet)

2. Có xu hướng nhìn gần mọi thứ

Kể cả khi đang xem tivi, chơi điện thoại hay đang ngồi đọc sách - nếu thấy trẻ có xu hướng nhìn gần thì hơn 70% là trẻ đã bị cận thị.

Do cận thị sẽ khiến tầm nhìn của các con trở nên mờ ở khoảng cách xa, buộc phải di chuyển mắt lại gần một vật để có tiêu điểm rõ ràng, làm cho ảnh của vật lớn hơn. Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện nhìn sát đồ vật, cha mẹ nên cho con đi khám mắt vì nếu các vấn đề về thị lực kéo dài và không được điều chỉnh có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

3. Nghiêng hoặc xoay đầu để nhìn rõ hơn

Tình trạng viễn thị, loạn thị hay suy giảm thị lực khiến trẻ cần phải nghiêng hoặc xoay đầu khi nhìn để có thể nhìn rõ hơn, giảm tình trạng nhìn đôi và cân bằng cơ mắt hai bên. Ngoài ra, dấu hiệu này cũng có thể liên quan đến bệnh mắt tuyến giáp và hội chứng Duane, vì vậy bạn cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

4. Đọc sót chữ

Nghe trẻ đọc sách cũng được xem là cách để kiểm tra thị lực của chúng. Nếu trẻ thường xuyên bỏ qua dòng hoặc mất vị trí chữ trong khi đọc, đây cũng có thể xem là dấu hiệu của chứng loạn thị.

Thông thường, giác mạc của chúng ta có dạng hình chỏm cầu với một độ cong hoàn hảo. Khi bị loạn thị, giác mạc sẽ bị biến dạng và làm mất đi độ cong đó, gây ra tình trạng hình ảnh hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc (có thể ở trước và sau võng mạc) làm cho hình ảnh tạo ra bị không rõ ràng, nhòe và mờ.

Đôi khi, một vấn đề về cơ mắt như lác mắc cũng sẽ gây ra tình trạng này.

5. Che một mắt để nhìn rõ hơn

Một đứa trẻ có xu hướng che một bên mắt có thị lực kém hơn để đọc hoặc xem tivi vì bên mắt kém thường gây cản trở tầm nhìn của chúng. Cha mẹ nếu thấy con có biểu hiện này cần đưa trẻ đi chữa trị sớm, vì vấn đề thị lực kém ở một bên mắt có thể làm tăng nguy cơ gây nhược thị ở trẻ.

Ngoài ra, việc che một bên mắt cũng có thể là dấu hiệu của chứng nhìn đôi do mắt lác hoặc một vấn đề y tế nghiêm trọng hơn, chẳng hạn đục thủy tinh thể (Ảnh: Internet)

6. Dụi mắt liên tục

Dụi mắt liên tục cũng là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp các vấn đề về thị lực. Nguyên nhân khiến bé dụi mắt nhiều là do mắt bé phải điều tiết để nhìn rõ mọi thứ, khiến các cơ mắt bị mệt mỏi và căng thẳng.

Tuy nhiên, dụi mắt cũng có thể liên quan đến một số vấn đề về mắt khác như viêm kết mạc dị ứng có thể gây ngứa mắt hoặc các hội chứng khác về mắt (Ảnh: Internet)

7. Có xu hướng sợ ánh sáng

Viễn thị được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này ở trẻ. Khi tiếp xúc với ánh sánh một cách đột ngột, trẻ sẽ ngay lập tức nheo mắt và đưa tay che mắt, nhiều trẻ sẽ than đau đầu hoặc chóng mặt. Trẻ sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng, gây khó chịu nhất là với những loại này: ánh sáng mặt trời, huỳnh quang, đèn sợi đốt.

8. Đau đầu thường xuyên

Đau mắt, đau phía trước đầu hoặc đau nhức vùng trán có thể là dấu hiệu của trẻ mắc tật viễn thị mà không được điều trị. Trẻ có những biểu hiện này thường xuyên, nhiều khả năng là trẻ đã bị các tật về mắt. Đây là kết quả của việc cố gắng quá mức để cố nhìn rõ. Do đó, cha mẹ nên theo dõi các biểu hiện đau đầu, đau mắt của trẻ để đưa con thăm khám bác sĩ kịp thời

Trẻ rất dễ mắc các bệnh về mắt khi còn nhỏ. Vì lúc này mắt vẫn còn rất yếu, khó tránh khỏi sự tấn công của các tác động bên ngoài môi trường như khói bụi, vi khuẩn hoặc ánh sáng xanh từ thiết bị công nghệ. Do đó, dù trẻ có dấu hiệu bất thường về thị lực như ở trên hay không, cha mẹ vẫn cần cho con thăm khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra.

Xem thêm: 4 loại chảy máu bất thường ở phụ nữ, chị em nên biết rõ

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/8-dau-hieu-cho-thay-tre-gap-van-de-thi-luc-cha-me-can-dua-di-tham-kham-som-35535/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY