Sức khỏe hôm nay

8 loại thực phẩm bà bầu không nên ăn

Bà bầu không nên ăn gì để con khỏe mạnh

1. Nguyên tắc dinh dưỡng bà bầu cần nhớ

Trong thời gian mang thai, bà bầu cần ăn uống đủ chất để thai nhi khỏe mạnh

1.1 Cân đối nhóm chất dinh dưỡng

Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của bà bầu cao hơn so với bình thường nhằm phát triển một số cơ quan trong cơ thể mẹ để thích ứng với quá trình mang thai, đồng thời nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu gồm 4 nhóm chất thiết yếu sau:

- Chất béo (lipid)

- Chất đạm (protein)

- Chất bột đường (carbohydrate)

- Các loại vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Việc xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho bà bầu cần đảm bảo cân đối giữa các nhóm chất, bởi chỉ cần thừa hoặc thiếu bất kỳ chất nào đó cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mẹ và quá trình phát triển của bào thai. Cụ thể như sau:

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, lượng dưỡng chất bà bầu cần dung nạp vào cơ thể trong 9 tháng mang thai như sau:

- Trước khi mang thai: Bà bầu cần 2050kcal năng lượng, 25g chất xơ, 60g chất đạm, 45-57g chất béo, 290-360g chất đường bột/ngày

- Trong 3 tháng đầu, khi này thai nhi khoảng 100g, bà bầu sẽ tăng thêm 0-1kg, và bà bầu cần nạp: 2100kcal năng lượng, 28g chất xơ, 61g chất đạm, 46,5-64,5g chất béo, 300-370g chất đường bột/ngày.

- Trong 3 tháng giữa, thai nhi nặng khoảng 1kg, bà bầu sẽ tăng thêm 4-5kg, khi này bà bầu cần nạp: 2300kcal năng lượng, 28g chất xơ, 70g chất đạm, 52,5-64,5g chất béo, 325-400g chất đường bột/ngày.

- Đến giai đoạn 3 tháng cuối, thai nhi nặng khoảng 2kg, bà bầu sẽ tăng thêm 5-6kg, khi này bà bầu cần nạp: 2500kcal năng lượng, 28g chất xơ, 91g chất đạm, 60-72 chất béo, 385-430g chất đường bột/ngày.

1.2. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất là nhóm dinh dưỡng vô cùng quan trọng, trong đó nổi bật là các chất sau:

Acid Folic: Chị em cần bổ sung chất này trước khi mang thai 6 tháng và kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ để tránh nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ. Sau đó vẫn tiếp tục bổ sung thông qua thực đơn ăn uống.

Sắt: Thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở bà bầu. Khi mang thai nhu cầu sắt ở bà bầu tăng 50% so với bình thường, tức khoảng 1000 mg sắt/ngày.

Vitamin D: Chất này rất quan trọng trong hỗ trợ phát triển xương ở thai nhi và tránh nguy cơ loãng xương, yếu xương, tiền sản giật và tăng sức đề kháng cho mẹ bầu.

Canxi: Không chỉ giúp xương chắc khỏe, Canxi còn ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống tuần hoàn, thần kinh và cơ bắp của mẹ và bào thai. Bà bầu cần bổ sung 1.200 miligam/ ngày.

Protein: Cần thiết cho sự phát triển các cơ quan và mô của bé, trong đó có não bộ; đồng thời tăng nguồn cung cấp máu cho bào thai; hỗ trợ phát triển tử cung và mô vú cho mẹ. Đủ protein, mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.

1.3. Chế độ vận động

Bên cạnh cân bằng chế độ dinh dưỡng, vận động thai kỳ cũng mang lại hiệu quả tích cực; giúp bà bầu giảm căng thẳng, mệt mỏi, hạn chế béo phì, ổn định cân nặng, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ, đau lưng, tăng huyết áp, dễ sinh, ngủ ngon... Giúp thai nhi thư giãn và phát triển tốt nhờ tăng quá trình trao đổi chất.

Các môn thể thao cho bà bầu được bác sĩ chuyên khoa khuyến khích, là: Đi bộ (30 phút mỗi ngày); tập Yoga; bơi lội nhẹ nhàng. Mẹ bầu cũng lưu ý, trước khi luyện tập hãy tham khảo ý kiến bác sỹ, bởi có một số trường hợp thai phụ không thích hợp vận động, như: Bị chảy máu âm đạo, co thắt, vỡ rau bám thấp, vỡ màng ối, huyết áp cao - thấp, chẩn đoán tiền sản giật, bệnh tin, thai nhi phát triển chậm, bà bầu tăng cân không đủ, bị phù...

1.4. Thức ăn cần tránh

Bà bầu không nên ăn gì? Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bà bầu là cần thiết. Tuy nhiên các chị cũng nên lưu y đến một số thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế. Việc ăn phải thực phẩm bị khuyến cáo có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây sảy thai nếu dung nạp vào cơ thể khối lượng lớn.

2. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng

Ở mỗi tháng, mỗi giai đoạn, bà bầu lại có chế độ dinh dưỡng khác nhau

2.1. Dinh dưỡng trong 3 tháng đầu

Trong tháng thứ nhất thai kỳ, bà bầu nên bổ sung nhiều protein, tinh bột, sắt, canxi, vitamin và khoáng chất trong thực phẩm. Ở tháng thứ 2, tiếp tục bổ sung thêm sắt, folate và các loại thực phẩm như rau xanh, bánh mì, sữa, hạt óc chó, thịt, trứng... đồng thời uống nhiều nước mỗi ngày. Tháng thứ 3, tình trạng ốm nghén giảm, mẹ bầu nên ăn nhiều rau, củ, quả; bổ sung thêm vitamin bằng viên uống theo chỉ định của bác sĩ và uống thêm sữa mỗi ngày.

2.2. Dinh dưỡng trong 3 tháng giữa

3 tháng giữa thai kỳ, bà bầu cần bổ sung thêm năng lượng 340 kcal/ ngày (tổng 2500 kcal/ngày); uống đủ nước và bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng những thực phẩm giàu chất đạm (Trứng, sữa, đậu, đỗ các loại, thịt, cá...), bột đường (chủ yếu từ ngũ cốc), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), Vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả...).

2.3. Dinh dưỡng trong 3 tháng cuối

3 tháng cuối thai kỳ, bào thai đã lớn, để tránh tạo áp lực lên cơ quan tiêu hóa bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn; đồng thời vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ chất đạm, chất béo, tinh bột, hất xơ, các loại vitamin và khoáng chất mỗi ngày để bổ sung năng lượng nuôi dưỡng thai nhi và chuẩn bị cho hành trình vượt cạn sắp tới.

3. Khi mang thai bà bầu không nên ăn gì?

Khi mang thai, bà bầu nên tránh ăn một số loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe

3.1. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao

Trong lựa chọn thực phẩm bổ sung vào thực đơn cho bà bầu nên tránh mua một số loại cá chứa nhiều thủy ngân (cá walleye, cá thu vua, cá kiếm, cá mập...); chất này không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé; nguy cơ gây biến chứng thai nhi như: Kém phát triển, chậm nói, ảnh hưởng đến não bộ, hệ thần kinh...

3.2 Thịt, cá sống hoặc tái

Các món ăn có nguồn gốc từ thịt, cá sống hoặc tái như: Bò bít tết, sushi, sashimi, phở tái, gỏi, thịt lên men... có chứa nhiều vi khuẩn (toxoplasmosis, salmonella, coliform,...) có thể gây ngộ độc, nhiễm trùng thai nhi; thậm chí là sẩy thai, sinh non hoặc nhiễm trùng máu.

Tốt nhất trong thời điểm mang thai, bà bầu chỉ nên ăn thức ăn đã được nấu chín để loại bỏ các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và bào thai

3.3 Các loại phô mai mềm

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé, trong thai kỳ bà bầu không nên ăn gì? Chỉ nên chọn ăn phô mai cứng (Edam, Double gloucester, Orkney, Caerphilly, Feta, Gouda, Halloumi, Havarti, Jarlsberg, Parmesan...), tuyệt đối không được sử dụng các loại phô mai mềm, có gân xanh được làm từ sữa dê. Ăn loại thực phẩm bà bầu dễ bị nhiễm khuẩn listeria – một trong những nguyên nhân gây sảy thai.

3.4 Các loại thịt nguội hoặc thụt xông khói

Ăn các loại thịt nguội (Dăm bông, thịt ướp muối, thịt khô...), thịt xông khói, thịt nướng... là món khoái khẩu của nhiều chị em. Nhưng với bà bầu thì chúng lại bị liệt vào danh sách không nên ăn bởi một số có nguy cơ gây nhiễm khuẩn listeria, một số lại có khả năng gây ngộ độc.

3.5 Chất ngọt nhân tạo

Bà bầu nên kiêng gì? Khi mang thai, chức năng thải đường ở thận của bà bầu bị suy giảm. Bởi vậy mà nếu ăn quá nhiều đồ chứa chất ngọt nhân tạo (đường hóa học) sẽ làm cho đường huyết tăng cao, gây nguy cơ tiểu đường thai kỳ; đồng thời làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cả mẹ và bé, tăng nguy cơ mắc bệnh, nhiễm virut.

3.6 Các loại rau sống

Rau xanh giàu vitamin, chất khoáng và chất xơ, nấu chín ăn rất tốt, nhưng ăn sống lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, sinh non, sảy thai... do vi khuẩn (Salmonella, E.coli,…) gây nên. Việc trụng sơ rau sống ở nhiệt độ thấp cũng không thể tiêu diệt được các vi khuẩn này, do vậy mẹ bầu nên chú ý.

3.7 Một số loại trái cây

Bà bầu không nên ăn gì? Trong giai đoạn mang thai, bà bầu nên hạn chế ăn một số loại trái cây sau: Đu đủ xanh (Gây co bóp cổ tử cung, có thể gây sảy thai); dứa (Chứa chất gây co bóp cổ tử cung); nhãn và na (chứa nhiều glucose, ăn nhiều gây ngộ đôc, táo bón, tiểu đường thai kỳ...).

Muốn ăn những loại trái cây này, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem giai đoạn nào ăn được và chỉ nên ăn với số lượng bao nhiêu để đảm bảo không gây hại đến sức khỏe.

3.8 Bia rượu, cà phê các chất kích thích

Trong list danh sách bà bầu kiêng ăn gì thì rượu bia xếp Top đầu. Trong bia rượu có cồn. Tích tụ nhiều cồn trong cơ thể sẽ khiến thai nhi khó hấp thụ oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, để lại di chứng về sau (ảnh hưởng tới chiều cao, cân nặng, kích thước đầu nhỏ, dị dạng, gặp các vấn đề về trí não,...).

Trong cafe và các chất kích thích tương tự có caffein. Bà bầu uống quá 200mg/ ngày tăng nguy cơ sinh non; thai nhi hấp thụ sắt, canxi kém; nguy cơ dị tật, thiếu - thừa cân, tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu tăng cao sau khi sinh.

4. Những quan niệm sai lầm về chế độ ăn cho bà bầu

Khi ốm nghén mẹ bầu tuyệt đối không nhịn ăn hoặc ăn quá nhiều trong giai đoạn mang thai

4.1. Nhịn ăn khi ốm nghén

Ốm nghén nặng khiến nhiều bà bầu rơi vào tình trạng kém ăn, không ăn được gì, ăn vào là nôn... Để tránh gặp phải các phản ứng trên, nhiều chị đã nhịn ăn hoặc ăn rất ít. Hành động này khiến cơ thể bị suy nhược vì thiếu chất, trong khi đây lại là giai đoạn cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng để cơ thể thích ứng với trạng thái mang thai và cung cấp dưỡng chất cho bào thai.

Việc nhịn ăn khi mang bầu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, tình trạng kéo dài còn khiến mẹ bầu đối mặt với tình trạng sinh non, sảy thai; trẻ bị dị tật bẩm sinh, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh, sau sinh chậm phát triển, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới trí tuệ...

4.2. Ăn cho hai người

Quan niệm khi mang bầu phải ăn cho 2 người khiến nhiều bà bầu đối mặt với nguy cơ mắc các biến chứng khi mang thai do cơ thể hấp thụ quá nhiều chất dinh dưỡng; hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng do "làm việc" quá tải; mẹ và bé bị béo phì sau sinh; gây khó khăn khi vượt cạn... Bởi vậy chỉ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khoa học, hợp lý.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/8-loai-thuc-pham-ba-bau-khong-nen-an-33541/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY