Sau đây là 8 cách giúp mẹ có thể dễ dàng đối phó với thói ăn vạ, mè nheo ở con:
1. Giữ thần kinh “thép” và phớt lờ trẻ
Phần lớn lỗi của các bậc phụ huynh chính là thể hiện sự quan tâm khi con cư xử xấu. Trẻ ăn vạ, khóc lóc, giận dỗi, chúng ta xúm vào dỗ dành, giải thích, răn đe... mọi phản ứng dù là đang nhượng bộ hay phản đối hành động của trẻ, đều khiến trẻ nhận ra chúng đang “được quan tâm” và càng tiếp tục.
Hãy thử tỏ thái độ “phớt lờ”. Khi phát ra tín hiệu mà không thấy cha mẹ hồi đáp, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình.
|
Không nên dỗ dành khi trẻ ăn vạ, điều này sẽ tạo tiền lệ cho những lần nhõng nhẽo sau này |
Hơn nữa, khi trẻ đòi hỏi mà không được đáp ứng, chúng có thể sẽ phản ứng gay gắt và cư xử càng khó ưa hơn. Đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho những giọt “nước mắt cá sấu” hay những tiếng la hét đau đầu cả tiếng đồng hồ.
2. Luôn nhất quán trong mọi trường hợp
Dù là ở nơi đông người, bạn vẫn phải thật kiên quyết với trẻ |
Có thể ở nhà bạn đã xử lí hiệu quả cơn ăn vạ của bé bằng cách phớt lờ nhưng khi ra ngoài đường, đi siêu thị,... vì sợ người ngoài nhìn vào mà bạn dỗ bé bằng việc mua đồ chơi hay bánh kẹo cho “xong chuyện”. Bé sẽ nhận ra thói quen này của bố mẹ và có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì thế, hãy luôn kiên định thực hiện các phương pháp dạy con cả khi ở nhà lẫn bên ngoài nhé.
3. Thống nhất với gia đình: không ai được xen vào
Nếu bạn đang cương quyết với bé mà lại có ông bà hay cô dì chú bác xúm vào dỗ dành, mọi kỉ luật của bạn trở thành vô nghĩa. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm với các thành viên trong nhà là khi bé ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực bé, sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.
4. Phớt lờ nhưng không được bỏ qua
|
Ảnh minh họa |
Phớt lờ bé lúc bé lên đỉnh điểm “ăn vạ” không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé trở lại bình tĩnh, các mẹ nên ôm bé và giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là không tốt, tại sao mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề. Từ từ, bé sẽ hiểu việc làm đó là sai và không lặp lại nữa.
5. Nhẹ nhàng nói với con rằng bạn sẽ phải rời đi
Bạn hãy nói rằng mình sẽ làm việc gì đó và phải để bé ở lại một mình, bạn có thể rủ bé đi cùng mình. Với cách này, nhiều đứa trẻ sẽ ngay lập tức quên đi cơn “ăn vạ” lúc này và muốn đi với bạn.
6. Không được mất bình tĩnh với con
Khi con quấy khóc, bản thân bạn cũng bực bội, la hét và khó chịu? Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo. Thay vì thế, hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy bảo con lúc con “ăn vạ”.
Tuyệt đối không được mất bình tĩnh và "nổi đóa" với con, điều này sẽ làm xấu hình ảnh của bạn trong mắt trẻ |
Nếu bạn cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc, mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc bối rối không biết xử trí thế nào, hãy thử ra ngoài thư giãn một chút nhưng đảm bảo bé vẫn ở trong tình trạng an toàn. Sau khi tâm trạng đã ổn định, bạn sẽ quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ.
7. Đánh lạc hướng trẻ
Bạn có thể đánh lạc hướng trẻ bằng cách khen ngợi chúng, cách này khá hiệu quả vì trẻ con luôn thích được khen ngợi. Bạn có thể khen trẻ răng: “Bức tranh này là con vẽ à? Đẹp thật! Con mẹ giỏi quá”, hoặc “Đôi giày này ai mua cho con vậy? Đẹp quá”.
Dắt trẻ ra ngoài chơi cũng là một cách "đánh lạc hướng" trẻ hiệu quả |
Nếu không, bạn hãy cho trẻ ra ngoài chơi, chạy nhảy, như vậy sẽ làm chúng tiêu hao bớt năng lượng. Cách này có thể không giải quyết được vấn đề khiến bé đang cáu giận nhưng nó giúp bé ổn định lại tâm trạng.
8. Đề nghị trẻ diễn đạt những gì chúng cần và muốn bằng lời nói
Nhiều lần trẻ cáu giận, bực bội vì không đủ từ diễn đạt mong muốn của mình, mặc dù mong muốn ấy rất đơn giản. Vì thế, trong hoàn cảnh đó, bố mẹ hãy quan tâm đầy đủ đến trẻ, giúp trẻ tìm ra từ để nói về cảm nghĩ của mình. Từ đó, bạn sẽ có thể giúp trẻ giải quyết được vấn đề, chấm dứt thói mè nheo ở trẻ.
Ngân Trần
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: