Sức khỏe hôm nay

9 món đồ chơi bố mẹ không nên cho con trẻ tiếp xúc để tránh gây ung thư

Bất kỳ bé cưng nào cũng mê mẩn với các món đồ chơi nhiều màu sắc. Tuy nhiên nhiều loại đồ chơi trong số đó lại ẩn chứa những mối đe dọa – có thể là nguy cơ tai nạn, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con trẻ.

Hạt nhựa nở gây ung thư

Theo kết quả nghiên cứu từ Phòng Kiểm nghiệm nhựa công nghiệp của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các loại hạt nhựa màu của Trung Quốc thực chất là hạt trương nở. Khi hút no nước, thể tích của nó có thể tăng tới 300-400 lần. Loại hạt này sử dụng hợp chất polyacrylamit rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.

 

Vịt cao su chứa chất gây vô sinh

Theo báo cáo của TOXICs-Free - một tổ chức phi chính phủ, rất nhiều vịt cao su cũng như các đồ chơi được bán trực tuyến có chứa nhiều PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho cơ quan sinh sản.

Chất PAE dễ bị giải phóng khi đồ chơi tiếp xúc với nước nóng hoặc dầu gội. Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, tiêu hóa và da, hóa chất này đóng vai trò tương tự nội tiết tố nữ có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới.

 

Đồ chơi phát sáng ảnh hưởng đến sinh sản
Các sản phẩm đồ chơi phát sáng được làm từ nhựa tái chế, có chất phthalate, chất làm tăng độ dẻo, độ bền của nhựa. Ngoài ra, các loại đồ chơi này còn sử dụng các chất dạ quang (dựa trên phản ứng giữa các chất hóa học). Chính vì vậy, đồ chơi phát sáng tiềm ẩn nguy cơ biến đổi hormone, gây dị tật cơ quan sinh dục của trẻ

 


Thú nhún: chứa chất gây vô sinh

Tại Singapore, việc bày bán đồ chơi thú nhún đã bị cấm triệt để. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cơ quan y tế Việt Nam cũng phát hiện được nồng độ chất dẻo phthalate trong loại đồ chơi này cao bất thường. Phthalate là chất có khả năng gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể.

 

Kẹo thổi bong bóng: suy giảm hệ miễn dịch
Loại kẹo này có thể thổi thành một quả bóng rất đẹp mắt nên được trẻ con rất thích. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hóa học, dung dịch xà phòng trong kẹo thổi bong bóng có chứa chất glycerin. Loại hóa chất này làm cho bong bóng có độ dai, đồng thời chất này có thể gây dị ứng, mẩn ngứa khi tiếp xúc. Ở thể nặng, nó làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ khi ngấm vào cơ thể.

 

Bóng bay

Bóng bay được làm từ mủ cao su cùng hàng loạt các chất phụ gia khác như lưu huỳnh, chất tạo màu công nghiệp, chất xúc tiến lưu hóa và bột tan… 

Nhiều nước trên thế giới đã khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 10 tuổi thổi, cầm trực tiếp khi không có sự giám sát của người lớn để tránh tối đa những trường hợp bé vô tình nuốt phải. 

 

Bên cạnh đó, ngoài thị trường bóng bay hiện nay chủ yếu dùng khí hydro vừa rẻ lại dễ sử dụng cho việc bơm bóng. Khí này được tạo ra nhờ axit và kẽm qua quá trình điện phân. Khí hydro rất dễ cháy, nổ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của bé.

Nhìn loại đồ chơi nhiều màu sắc, bắt mắt, và dường như vô hại này nhưng bên trong nó có chứa những chất độc hại nguy hiểm vì thế, bóng bay thuộc top đứng đầu danh sách “sát thủ” với sức khỏe của trẻ.

Đồ chơi nhựa không có nguồn gốc

Thường để giảm giá thành, các nhà sản xuất không uy tín có thể sử dụng các loại nhựa phế thải để sản xuất đồ chơi. Việc sử dụng các loại nhựa không bảo đảm chất lượng có độc tính cao hoặc thành phần nhựa có chứa lượng phthalate cao sẽ gây ra các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố, nguy cơ dậy thì sớm, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cho cả bé gái lẫn bé trai...

 

Đồ chơi có pin

Chúng ta đều biết pin có chứa những chất độc nguy hiểm đến thế nào. Thế nhưng thật trớ trêu khi hình dạng những viên pin tròn nhỏ lại tương tự với... những viên kẹo, khiến trẻ nhỏ tò mò muốn nếm thử. Hãy tưởng tượng sẽ thế nào nếu nhỡ bé tháo được pin ra khỏi đồ chơi để nghịch, rồi nuốt phải? Chất lithium trong pin sẽ gây ra ngộ độc và bỏng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

 


Phao bơi

Phao cổ, phao nách hay phao tay cho trẻ em không thật sự đảm bảo an toàn cho bé khi ở dưới nước. Sau đây là những nhược điểm đặc trưng của các loại phao này: 

Phao cổ: Có khá nhiều tranh cãi quanh việc dùng phao cổ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều chuyên gia y tế và huấn luyện viên bơi lội đã phản đối kịch liệt việc này. Sử dụng phao cổ khiến đầu trẻ bị giữ cố định ở chiều thẳng đứng. Và khi đeo thường xuyên sẽ tạo áp lực không tốt lên vùng cổ, thậm chí gây chấn thương. Ngoài ra nếu cha mẹ không biết rằng thiết kế của phao là ôm vào xương cằm của trẻ - chứ không phải bó quanh cổ - thì có thể đeo sai cách khiến bé rất khó thở.

 

Phao nách, phao tay: đều rất dễ tự tháo ra được hoặc bị tuột ra, nhất là khi dùng không đúng kích cỡ. Nếu không được giám sát cẩn thận, bé có thể bị trượt hay lật úp dưới nước.

 

Những chiếc phao không rõ nguồn gốc xuất xứ thường được sản xuất bằng nguyên liệu không đạt chuẩn. không chỉ có mùi khó chịu mà còn có khả năng gây ung thư và nhiều bệnh khác cho trẻ em.

Vũ Vũ 

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/9-mon-do-choi-bo-me-khong-nen-cho-con-tre-tiep-xuc-de-tranh-gay-ung-thu-27397/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY