1. Cách chẩn đoán những nguyên nhân gây sốt khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị sốt |
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị sốt. Trong đó, 9 nguyên nhân dưới đây là phổ biến nhất.
1.1 Viêm ruột thừa
Trong cơ thể, ruột thừa nằm ở phía bên phải bụng, thông với ruột già. Nếu bị sốt do viêm ruột thừa, bà bầu sẽ có các triệu chứng viêm ruột thừa sau: Hố chậu phải đau âm ỉ với mức độ tăng dần; buồn nôn, nôn, mạch đập nhanh, bí trung đại tiện (dấu hiệu tắc ruột). Về cơ bản dấu hiệu đau ruột thừa ở bà bầu không khác so với người bình thường.
Nếu thấy cơ thể mình có những triệu chứng trên, bà bầu phải tới ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xử lý bằng phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa. Đau ruột thừa ở bà bầu khá nguy và để lại nhiều biến chứng, do đó cần phát hiện sớm để tránh sinh non, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
1.2 Viêm thận bể thận cấp
Viêm thận, bể thận cấp là căn bệnh nguy hiểm trong thai kỳ, gây sốc nhiễm trùng và có thể để lại nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi. Các biểu hiện của bệnh này cũng rất rõ ràng, gồm: Sốt, buồn nôn hoặc nôn, đau sườn - sống, đau lưng hông, rét run, nhiều khi còn tiểu buốt nhiều lần.
Phụ nữ bị viêm thận, bể thận cấp tỷ lệ sinh non từ 6 - 50%. Bởi vậy, ngay khi xuất hiện triệu chứng, bà bầu cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, tốt nhất là theo kết quả kháng sinh đồ, nhằm hạn chế tối đa nguy hiểm có thể xảy ra.
1.3 Viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn
Viêm đường hô hấp trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà bầu bị sốt khi mang thai. Theo các bác sĩ chuyên khoa thì đây là bệnh lý khá phổ biến. Người sức khỏe tốt có thể tự khỏi sau từ 1 - 2 tuần. Tuy nhiên những thai phụ kháng thể yếu hoặc có bệnh lý nội khoa thì không thể tự khỏi, mà vẫn phải điều trị bằng các loại thuốc ít ảnh hưởng đến thai nhi.
Bà bầu bị viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn thường có các biểu hiện sau: Sốt, khàn tiếng, đau họng, ho khan, ho có đờm, chảy nước mũi vàng.
1.4 Viêm phổi
Phụ nữ có thai bị sốt cao, rét run, kèm theo các triệu chứng: Đau ngực, khó thở, thở nhanh, ho có đờm (có thể lẫn máu), tim đập nhanh, rùng mình, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn... khả năng cao là bị viêm phổi. Nguyên nhân gây ra bệnh này là do vi khuẩn hoặc virus; bệnh khởi phát khi chúng lọt vào phổi và bắt đầu gây hại.
Ở mức nhất định người bình thường có thể điều trị viêm phổi tại nhà, nhưng phụ nữ có thai thì cần tới bệnh viện. Để bệnh nhanh khỏi, chị em nên ngủ đủ giấc, uống nhiều nước và tuyệt đối không được hút, cũng như tiếp xúc với khói thuốc.
1.5 Sốt do virus
Bà bầu bị sốt do nhiều loại virus, như: cúm, sốt xuất huyết, rubella, zika, quai bị, thủy đậu, virus dengue... đi kèm với các dấu hiệu: Sốt cao từ 38 - 40 độ, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân.
Mỗi loại sốt virus sẽ có các biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn như bị rubella thì sẽ nổi ban ở người; nếu bị sưng, nóng, đau 1 hoặc 2 bên tuyến nước bọt mang tai là do quai bị; nổi mụn bọc nước là thủy đậu...
Trong tất cả các loại sốt do virus trên, bà bầu bị sốt do nhiễm Rubella cấp tính là nguy hiểm nhất, bởi dễ dẫn đến hội chứng Rubella bẩm sinh, nguy cơ di chứng dị tật bẩm sinh với tỷ lệ lên đến 90%.
Các loại sốt siêu vi trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, có thể khiến bà bầu sảy thai, lưu thai, dị tật bẩm sinh, thai chậm phát triển. Từ 12 tuần tuổi trở đi tỷ lệ biến chứng do sốt virus sẽ giảm; song nếu bị, bà bầu vẫn cần đi khám ngay để điều trị an toàn.
1.6 Sốt rét
Sốt rét ở bà bầu có hai loại: Không biến chứng và sốt rét ác tính. Phân biệt 2 loại này thông qua các biểu hiện như sau:
Sốt rét không biến chứng: Bị sốt nóng, rét run, ra mồ hôi theo chu kỳ, đau khớp, nhức đầu, đau cơ...
Sốt rét ác tính: Bị sốt kèm thiếu máu, đái ra huyết sắc, vàng da, có thể co giật, hôn mê. Loại này có biên chứng nặng.
Bệnh này do ký sinh trùng Plasmodium (ký sinh trong muỗi Anophen) gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bà bầu bị thiếu máu, ức chế miễn dịch, giảm sức đề kháng, hạ đường huyết, phù phổi cấp, suy thận; Thai nhi tăng trưởng chậm, khả năng sảy thai cao.
1.7 Viêm gan B
Bà bầu bị sốt cũng có thể do bị viêm gan B. Theo thống kê, có khoảng từ 10 - 13% phụ nữ Việt Nam mang thai bị nhiễm virus viêm gan B (HBV). Bệnh này co thể gây ra viêm gan cấp - mãn tính, xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.
Phụ nữ bị viêm gan B cấp tính khả năng lây sang con là 90%; bị mãn tính thì tỷ lệ này là 10 - 20%. Trong 3 giai đoạn thai kỳ, bị nhiễm ở giai đoạn cuối, khả năng con cũng bị lây lên tới 60 - 70%; bị ở tam cá nguyệt thứ 2 là 20% và 3 tháng đầu là 1%.
1.8 Nhiễm trùng thai
Nhiễm trùng thai cũng gây ra hiện tượng sốt ở bà bầu. Nguyên nhân nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng; hậu quả có thể khiến mẹ bầu sảy thai, sinh non, thai phát triển chậm về thể chất lẫn trí tuệ.
1.9 Nhiễm khuẩn ối
Nhiễm khuẩn ối (hay còn gọi là nhiễm trùng ối). Bệnh này thường khiến bà bầu phát sốt, đi kèm với các triệu chứng: Tim đập nhanh, nước ối hôi, có thể có mủ, căng bức tử cung, tiết dịch mủ cổ tử cung...
Bệnh này nếu không điều trị dứt điểm sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng như: Vỡ ối non, nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng thai nhi và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ.
2. Khi nào thì xác định bà bầu bị sốt?
Nếu bị sốt, bà bầu cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám |
Sốt là phản ứng của hệ miễn dịch trước một tác nhân gây bệnh nào đó. Khi bà bầu bị sốt, thân nhiệt tăng cao hơn 37 độ C. Nguyên nhân dẫn đến sốt là do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng... chúng xâm nhập vào cơ thể bà bầu thông qua tiêu hóa, hô hấp hoặc đường máu...
Mức độ sốt biểu hiện qua nhiệt độ cơ thể, sốt nhẹ là từ 37.5 – 38 độ C, từ 38 độ C trở lên là sốt nặng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi, có thể khiến bà bầu bị sảy thai, sinh non, nhiễm khuẩn huyết thai kỳ, sinh con bị dị tật bẩm sinh...
2.1 Triệu chứng xác định bà bầu sốt
Không chỉ thân nhiệt tăng cao, mà khi bà bầu bị sốt còn đi kèm một hoặc một vài triệu chứng sau: Mệt mỏi, chóng mặt, có thể gây khó thở, buồn nôn, nôn, toàn thân ớn lạnh, đổ mồ hôi, đi ngoài....
2.2 Dấu hiệu sốt nguy hiểm nên đi khám ngay
Sốt cao kéo dài gây nguy hiểm cho cả bà bầu và thai nhi, bởi vậy mà ngay khi xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ, bà bầu nên đi khám ngay. Nếu để xảy ra các hiện tượng sau thì càng nguy hiểm:
Tụt huyết áp hoặc mệt mỏi rũ rượi
Sốt cao nhiều ngày không giảm
Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Đi ngoài nhiều.
3. Sốt khi mang thai có nguy hiểm không
Bị sốt khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi |
Với người bình thường, muốn hạ sốt khá đơn giản, chỉ cần uống thuốc hạ sốt là cơ bản ổn định; nhưng với bà bầu thì thuốc kháng sinh không phải là lựa chọn an toàn, bởi nó ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ; nguy cơ sảy thai hoặc dị tật ống thần kinh lớn. Trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, sốt không còn quá nguy hiểm, trừ trường hợp bà bầu bị sốt do nhiễm trùng tử cung.
4. Lưu ý khi bà bầu uống thuốc hạ sốt
Phụ nữ có thai bị sốt nên đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng thuốc. Bởi một số loại thuốc có thể khiến sảy thai, sinh non, thai nhi bị dị tật. Để sử dụng thuốc an toàn, bà bầu cần tuân thủ tuyệt đối chỉ dân của bác sĩ, uống đúng liều, đúng lúc và đúng cách.
5. Cách hạ sốt cho bà bầu tại nhà
Để hạ sốt tại nhà, bà bầu nên lấy khăn ướt ấm lau người (nhất là vùng cổ, ngực, nách, bẹn – lau nhiều lần) để giảm nhiệt; đắp khăn ướt lên trán, nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, không khí trong lành, mở cửa sổ cho thoáng khi, mặc đủ ấm. Thay vì uống thuốc, bà bầu nên lựa cho các giải pháp an toàn sau:
Uống đủ nước: Nước lọc, nước cam, bưởi, hoặc một số loại trái cây khác để cung cấp nước và năng lượng cho cơ thể để tăng sức đề kháng.
Uống hỗn hợp nước húng quế: Lấy 20 lá húng quế, 1 thìa gừng băm cho vào 200ml nước rồi đun sôi. Sôi khoảng 5 phút cho thêm 1 ít mật ong vào, tắt bếp, để ấm và uống. Uống ngày 2 – 3 lần, uống liên tục trong 3 ngày để hạ sốt nhanh.
Đắp lòng trắng trứng: Tách lòng trắng từ 5 quả trứng gà, đánh bông, lấy khăn mỏng nhúng vào phần trứng đã đánh bông, đắp lên lòng bàn chân. Khi khăn khô, sờ thấy nóng thì thay bằng khăn khác. Lặp đi lặp lại cho đến khi hết trứng.
Ngâm người bằng giấm táo: Lấy khoảng 100ml giấm táo cho vào bồn nước ấm rồi ngâm mình từ 5 – 10 phút. Nếu không có bồn, cho giấm táo vào nước với tỷ lệ 1:2, nhúng khăn vào rồi đắp lên mặt, bụng hoặc lòng bàn chân.
Uống hỗn hợp lá bạc hà: Lấy 5g lá bạc hà, vò nát rồi cho vào 200ml nước nóng, để khoảng 10 phút rồi lọc lấy nước, thêm vào 1 thìa cafe mật ong; ngày uống 3 – 4 lần sẽ hạ sốt nhanh chóng.
6. Dinh dưỡng cho bà bầu bị sốt
Bà bầu bị sốt nên ăn nhiều thực phẩm giàu Vitamin C và chất khoáng |
Để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể, khi bị sốt bà bầu nên tăng cường ăn, uống những loại thực phẩm dưới đây:
Ăn thực phẩm giàu Vitamin C (cam, bưởi, kiwi, đu đủ, nho, táo, dâu tây, rau cải ngọt, súp lơ,...) và các loại thực phẩm giàu Vitamin và chất khoáng khác.
Ăn cháo gà, cháo đậu xanh, cháo chân giò hạt sen, cháo thịt tía tô... những món ăn này vừa thơm ngon bổ dưỡng, lại có tác dụng hạ sốt.
Nên uống nước ấm, uống nhiều nước trong ngày và dùng sữa ấm.
Khi bị sốt, bà bầu cần tuyệt đối kiêng những loại thực phẩm sau:
Không ăn đồ tanh, lạnh, tái, sống, các loại cá và hải sản đông lạnh.
Không ăn đồ cay, nóng, chiên rán nhiều.
Không nên ăn nhiều trứng vì trong trứng giàu protein, dễ gây rối loạn quá trình chuyển hóa protein.
Giai đoạn mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, cơ thể bà bầu rất nhạy cảm, bởi vậy chỉ cần có biểu hiện sốt, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Thay vì sử dụng thuốc kháng sinh, chị em nên lựa chọn các giải pháp an toàn trên để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Chủ đề liên quan: