Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Alo, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xin nghe….

Một góc nhỏ rộn ràng tiếng nói chuyện của các điện thoại viên, những tình nguyện viên truy vết liên quan tới các trường hợp mắc COVID-19. Họ là những sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc đang theo học khoa y học dự phòng đến từ Đại học Y Hà Nội hoặc Đại học Y tế công cộng., những nhà khoa học, chuyên gia y tế dự phòng....

Lặng thầm những người làm công việc truy vết ca bệnh

Nhớ lại cách đây mấy tháng, kể từ đợt xuất hiện bệnh nhân số 17 tại Hà Nội, những sinh viên tình nguyện ở đây đã hàng tháng trời  “ăn ngủ” tại văn phòng,  mỗi ngày họ chỉ ngủ 4-5 giờ đồng hồ, để  thực hiện công việc truy vết qua điện thoại. Một công việc mà ít người hình dung ra nó vất vả và đơn điệu đến dường nào, nhưng chưa bao giờ những con  người làm công tác truy dấu ở đây sơ sảy một giây, bởi họ biết rằng, chỉ cần bỏ lọt một người có thể ảnh hưởng tới  gia đình của người nghi nhiễm, thậm chí là cả cộng đồng.  Công việc của những người làm công tác truy dấu  là tìm thông tin và liên lạc với những người nghi nhiễm hoặc có khả năng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 để điều tra truy vết ca bệnh.

Trần Diễm My trong ca làm việc của mình

Bạn Trần Diễm My, vừa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chia sẻ, ở giai đoạn dịch bệnh trước,  sau một đợt   tập huấn về dịch bệnh, những sinh viên y tế dự phòng của Đại học Y Hà Nội đã  tự nguyện viết đơn xin tình nguyện xin tham gia chiến dịch.  Trong đợt dịch hồi tháng 4, các bạn sinh viên Y Hà Nội ở lại hẳn  tại trung tâm truy vết ca bệnh và  làm việc không quản ngày đêm. “Chỉ khi nào quá  mệt bọn em thay nhau chợp mắt, hết mệt lại dậy làm. Thời gian đó, ngoài việc trực truy vết, sinh viên bọn em vẫn phải đi học trên trường hoặc hoàn thành khóa thực tập. Nhưng trường học đã tạo điều kiện tối đa cho bọn em hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi sinh viên y khoa nhất là khoa y học dự phòng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay”, My tâm sự.

Cô sinh viên vừa mới ra trường có đôi mắt thông minh, nhanh nhẹn ẩn sau cặp kính trắng còn cho biết,  chỉ trong thời gian ngắn làm việc ở đây em đã gặp rất nhiều người dù chỉ qua điện thoại. Họ thuộc nhiều nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau, đa phần là những người dân rất hợp tác với Bộ Y tế. Thỉnh thoảng em cũng gặp phải những trường hợp  không hợp tác, khó khăn. “Khi đó em phải dành thời gian thuyết phục họ, hoặc phải liên hệ với cơ quan chức năng để tiến hành truy vết đến cùng”, My nói.  My  nhớlại về một trường hợp ở giai đoạn chống dịch trước. Đó là một người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, nhưng không cách ly. Khó khăn  lớn nhất lúc đó là sinh viên chúng em chỉ nói chuyện được với người Trung Quốc  đó bằng tiếng anh nhưng họ lại chỉ biết tiếng Trung. Trước tình huống đó, chúng em  phải gọi điện tới Đại sứ quán Trung Quốc nhờ hỗ trợ. Một mặt vừa phải thuyết phục, mặt khácliên hệ xuống y tế và công an địa phương phối hợp hỗ trợ đưa người có nguy cơ đi cách ly.  Người Trung Quốc đó rất hoang mang và lo sợ, nhưng sau khi nghe  giải thích đầy đủ họ đã hợp tác và đồng ý đi cách ly tập trung.

Cuộc  họp của các nhà khoa học, các chuyên gia y tế dự phòng tại Tổ thông tin

Những người làm ở Tổ thông tin đáp ứng nhanh Phòng chống COVID-19  của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch  thường phải gọi hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày cho những  người tiếp xúc để xác định các F0, F1, F2…. Hàng ngày, hàng giờ, qua những cuộc điện thoại, họ phỏng vấn mọi người để tìm ra những người có khả năng lây nhiễm, thông báo cho người dân về nguy cơ phơi nhiễm với bệnh COVID-19 của họ, giới thiệu họ khai báo y tế, theo dõi dấu hiệu, triệu chứng,  cách ly hoặc  kết nối họ với các cơ quan y tế trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh lực lượng đông đảo là các sinh viên y tế dự phòng, còn có rất nhiều các nhà khoa học, các chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế cũng tham gia vào tổ truy vết ca bệnh. Vừa kết thúc cuộc họp với các nhà khoa học, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) TS  Đặng Quang Tấnvội vàng chuyển sang phòng họp bên cạnh với các cán bộ, chuyên gia  của Cục Y tế dự phòng chuẩn bị cho buổi họp khác. Tranh thủ trao đối với phóng viên, TS Tấn cho biết, Cục Y tế dự phòng đã huy động rất đông cán bộ tham gia  công tác truy vết. Chúng tôi thu thập thông tin về dịch tễ học, phối hợp với CDC kiểm tra, khi phát hiện ca bệnh, chúng tôi sẽ  phối hợp với các cơ quan khoanh vùng xử lý ổ dịch, tiến hành xét nghiệm các đối tượng với “mục tiêu cao nhất là khoanh vùng sớm, hạn chế lây lan và cách ly đối tượng có tiếp xúc với người nhiễm”, TS Tấn nói.

Ở đây chúng tôi từng trải  qua nhiều tình huống phức tạp, khiến anh em “đau đầu” như khi phát hiện đối tượng dương tính, truy dấu người tiếp xúc mới thấy đối tượng đã đi tới rất nhiều nơi, thậm chí từ tỉnh này sang tỉnh khác, tiếp xúc với rất nhiều người, …. Khi đó cùng với nhóm truy vết chúng tôi phải điều tra rất kỹ, lập danh sách những người tiếp xúc gần xem họ đã đến  đâu, tiếp xúc với ai, thông báo cho những người đó phải cách ly, thậm chí báo y tế địa phương đến điều tra trực tiếp và cách ly ngay những trường hợp đó.

Các tình nguyện viên tham gia công tác truy vết

TS Tấn nhấn mạnh: “Truy vết ca bệnh là công việc quan trọng và cực kỳ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh như COVID-19, nếu không có truy vết không xác định được sớm những trường hợp nghi ngờ để sớm cách ly, hướng dẫn người ta theo dõi sức khỏe, thì hậu quả để lại vô cùng lớn nhất là đối với cả cộng đồng”.

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đế tối mịt, các nhà khoa học, chuyên gia y tế, đội ngũ sinh viên tình nguyện làm việc không quản ngày đêm để khoanh vùng khu vực có nguy cơ cao, những cơ sở khoa học đúng đắn và kịp thời nhất để Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương  có những căn cứ khoa học khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng.

Mỗi người góp sức một chút, Việt Nam chắc  chắn sẽ lại lập kỳ tích

Cô sinh viên tên My mới tốt nghiệp y khoa đã lạc quan và tin tưởng như vậy đối với những công việc mà mình đang làm. Có những lúc, em đi sớm về khuya, thậm chí ở lại nhiều ngày tại trung tâm truy vết cũng khiến cha mẹ lo lắng. Nhưng em đã thuyết phục bố mẹ rằng, dù công việc nhiều và căng thẳng, nhưng so với những bạn sinh viên tình nguyện trực tiếp tới hiện trường chống dịch, các bạn phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít cả ngày,  thì công việc này của em còn  rất đơn giản,  nhẹ nhàng.

Đợt dịch trước, ngay khi nhận được tin báo đi truy vết ca bệnh vào  lúc 11h đêm, nửa tiếng sau, hàng chục sinh viên tình nguyện bọn em đã tập trung đông đủ cùng va li túi xách  sẵn sàng ở lại trung tâm làm nhiệm vụ. Công việc nhiều, nhất là những đợt cao điểm, mỗi ngày mỗi người chúng em phải  gọi vài ba trăm người để truy dấu. “Khi nhìn thấy số ca bệnh công bố giảm dần, bọn em cảm thấy rất vui và thầm nghĩ mình đã đóng góp cho thành quả đó”, My nói. “Mỗi người 1 chút, để cả Việt Nam không còn ca nào. Bây giờ bước vào trận chiến mới, bọn em sẽ làm hết sức mình để lặp lại một lần nữa kỳ tích đó”.

Vũ Nhật Mai (bên phải) trong ca làm việc

Sinh viên Vũ Nhật Mai cũng  vừa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội hồi tháng 7 ở Khoa Y học dự phòng chia sẻ, đây là lần thứ hai bọn em đi tình nguyện chống dịch. Ngoài sinh viên Đại học Y Hà Nội, còn có rất nhiều sinh viên của Trường Đại học Y tế công cộng cũng tham gia truy vết.  Hết đợt sinh viên này ra, đến đợt sinh viên khác tới.  Theo Mai, thời gian chống dịch trước, khi em chưa tốt nghiệp, mẹ em có hơi lo lắng một chút sợ em không hoàn thành công việc ở trường. Tuy nhiên, hiện giờ mẹ em cũng đã hiểu thêm về  công việc của em, em có thêm động lực để tham gia tiếp.

My còn cho tôi biết, em đã được nhận vào làm ở một trung tâm y tế dự phòng của một quận.  “Nên dù hiện nay em làm ở đây, hay trong tương lai, em vẫn làm công tác chống dịch, chỉ có điều em sẽ làm ở một địa điểm khác”, My cho biết.

“Alo, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xin nghe….” - tiếng điện thoại từ các tình nguyện viên vẫn ngày ngày vang lên ở một góc phòng nhỏ, nhưng những việc làm của họ và các chuyên gia, các nhà khoa học ở Tổ truy vết đang đóng góp một phần không hề nhỏ bé  vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, đem lại cuộc sống an toàn cho người dân Việt Nam.

Hải Yến

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5f292721f8ec6eedd86372f2)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY