Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

An Giang: Căng mình trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia

An Giang có gần 100km đường biên giới tiếp giáp Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia, nhiều đường mòn lối mở, nên nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 từ dòng người xuất nhập cảnh trái phép rất cao. Để phòng chống dịch hiệu quả cùng với lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới ngăn chăn dịch bệnh lây lan vào nội địa.

Lên vùng biên ải

Con đường nông thôn ở Vĩnh Tế, xã Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang không khí vắng lặng. Dường như cuộc sống của bà con nơi đây co cụm. Gò Tà Mâu (xã Pung Xăng, H.Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia) bên kia không còn đông nghẹt xe cộ của những tay máu mê đá gà, cờ bạc thường qua đây như lúc trước.

Đổ dốc cầu kênh Vĩnh Tế chạy thêm khoảng 3km, chúng tôi tấp vào 1 quán cóc ven lộ gửi xe và để dò hỏi thuê người chở qua casino. Chị N. (39 tuổi, chủ quán) cho biết mấy tháng nay biên phòng hai nước làm căng, không còn qua lại dễ. “Đi lạng quạng là bị bắt cách ly và phạt tiền nặng đó. Chú không nghe báo đài nói về dịch “Cô vy” đang phức tạp lắm sao. Bên phía Campuchia đóng cửa mấy sòng bạc rồi.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra trên các đường mòn, lối mở bất kể ngày đêm không để ai trốn tránh qua chốt mà không được kiểm soát - Ảnh: Tô Văn

Hằng ngày, mấy anh biên phòng ở đây đi tuần tra, kiểm soát gấp đôi nên không ai dám hó hé gì. Một số người bí đường làm ăn đều ra TP.Châu Đốc xin làm thuê hết rồi. Hiện tại, không ai dám chở chú qua bên Cam đâu, bỏ ý định đó đi”, chị N. nói.

Rời xã Vĩnh Ngươn, tôi phi xe về cầu Cồn Tiên để qua địa bàn H.An Phú thuộc tỉnh An Giang. Phía tây và bắc của huyện này giáp với H.Bourei Choslar, tỉnh Ta Keo và Kaoh Thum, tỉnh Kandal của Campuchia, đường biên giới dài khoảng 40,5km. Phía đông giáp với TX.Tân Châu, phía nam giáp ngã ba sông Hậu ở TP.Châu Đốc. Khoảng 14 giờ chiều, chúng tôi cho xe rẽ vào con đường lên biên giới, tiến về xã Phú Hội - xã nhỏ vùng biên của H.An Phú.

Tại ấp Phú Mỹ, lúc này xuất hiện tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 gồm bộ đội, công an, dân quân đang đi tuần để ngăn chặn người từ biên giới vào nội địa… Chạy men theo tỉnh lộ 957 để hỏi người dân chốt biên phòng được lập ở đâu thì chúng tôi gặp một nhóm các chị ở địa phương đang chở lên cho bộ đội nào là mì gói, mướp, bầu… để phục vụ bữa ăn.

Một người dân hái rau tặng bộ đội đóng chốt - Ảnh: Tô Văn

Tôi được một người trong nhóm giới thiệu tên Loan, là dân địa phương, chị cho biết trên này thời tiết khắc nghiệt, sáng nắng như đổ lửa, tối mưa kinh hoàng. “Chúng tôi đi đồng lâu lâu ghé thăm thấy mấy anh bộ đội thấy ăn uống kham khổ nên thương lắm. Nhiều đêm mưa lớn, gió đồng thổi bay lều bạt làm mấy ảnh ướt như chuột lột run cầm cập, nhìn thấy cảnh đó nước mắt chúng tôi muốn trào ra.

Vì vậy, chúng tôi bàn nhau ai trồng được gì thì đem lên cho bộ đội cắm chốt một ít vì họ là những người chịu khổ, hy sinh gia đình để bảo vệ người dân. Chúng tôi biết dịch COVID-19 qua báo đài, nhờ các chú bộ đội biên phòng tuyên truyền. Ai ở bên Campuchia về đây hay người nào ở đây đi làm ăn xa về hoặc người lạ đến là bà con đều báo cho bộ đội biết”, chị Loan nói.

Căng mình ngăn dịch

Trời càng về chiều… Chúng tôi đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, H.An Phú - nơi xa nhất. Tiếp đón tại đồn là một sĩ quan mang quân hàm trung tá, hớt đầu đinh, tướng tá cao lớn, uy nghi. Anh là Đinh Quang Điềm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình. Trung tá Điềm cho biết:

“Ngoài việc chống buôn lậu, chống các loại tội phạm, chúng tôi quyết tâm bám đường biên, khóa chặt tuyến biên giới ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. Vì vậy chúng tôi cắm trại 24/24 giờ, ứng trực phòng chống dịch COVID-19 tuyệt đối.

Trên đây rất nhiều đường mòn, lối mở, vì thế chúng tôi lập rất nhiều các chốt chặn, phải băng đồng hàng chục giờ đồng hồ nữa mới đến phum, sóc của người Campuchia. Nhưng nếu chủ quan, rất có thể người từ vùng có dịch hoặc kẻ xấu lợi dụng để xâm nhập trái phép vào biên giới. Tinh thần chỉ đạo là “Chống dịch như chống giặc” nên cán bộ chiến sĩ quyết tâm không để dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân ở biên cương”.

Gọi là chốt kiểm soát, nhưng đó chỉ là chiếc lều bạt căng tạm - Ảnh: Tô Văn

Chúng tôi cùng vài chiến sĩ đi xe rồi đi bộ gần vài tiếng đồng hồ mới tới một vài chốt. Chừng ấy thời gian băng đồng, lội nước cũng đủ bởi hơi tai, nhưng với những người lính chỉ như một cuộc dạo chơi miền biên ải. Từ các chốt này, bộ đội biên phòng kiểm soát cả tất cả đường mòn, lối mở từ biên giới dẫn vào nội địa.

“Củi lửa, nước lọc... mang theo, còn lương thực và thực phẩm thì vài ba ngày ra bên ngoài mua. Ở giữa đồng không đủ nước uống đâu, bọn em phải đi lấy xa nên sử dụng tằn tiện lắm”, một chiến sĩ tâm sự. Theo ghi nhận của PV, chốt dựng dã chiến ven đường hay ngoài đồng nhưng bếp bố trí ngay cạnh mương hay kênh dòng sông cho tiện lấy nước và bắt cá.

Mỗi chốt kiểm soát đều được trang bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các tờ khai y tế - Ảnh: Tô Văn

Gọi là chốt kiểm soát, nhưng đó chỉ là chiếc lều bạt căng tạm. Những chiếc võng dù dã chiến là nơi các chiến sĩ nghỉ lưng tạm trong những giờ đổi canh trực. Lúc này, mỗi người đang một việc, anh thì buộc lại lán, người thì thu dọn quần áo trên cây phơi cạnh con kênh, mương nước, chiến sĩ còn lại hí húi nấu cơm tối.

Dù đóng chốt nhưng ngày đêm cán bộ chiến sĩ biên phòng phải đi tuần trên các đường mòn lối mở, không để bất kỳ ai trốn tránh qua chốt mà không được kiểm soát. Ngoài ra, mỗi chốt đều được trang bị máy đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các tờ khai y tế phòng nhằm ngăn chặn sớm, phòng ngừa từ xa nguồn lây nhiễm dịch.

Gần 400 người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở bị Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện bắt giữ - Ảnh: Tô Văn

Một lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết từ đầu mùa dịch đến nay đã thành lập và duy trì 136 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19, đã phát hiện 214 vụ, gần 400 người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở. Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cũng đã xử lý phạt tiền 124 người, thu nộp ngân sách 284,5 triệu đồng; cảnh cáo và giáo dục 268 người. Đồng thời đồn phối hợp với các địa phương đưa đi cách ly tập trung hơn 315 người; yêu cầu quay trở lại nhập cảnh đúng đường qua cửa khẩu quốc tế 77 người.

Tô Văn

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/theo-dong-thoi-su-c-186/an-giang-cang-minh-tren-tuyen-bien-gioi-viet-nam-campuchia-141878.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY