“Chẳng dám mặc váy tới cơ quan nữa” là lời than của chị Mai, 32 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội vì gần đây bắp chân, bắp tay chị tự nhiên nổi rất nhiều gân xanh chằng chịt. Mặc dù rất nản với sự xấu xí này nhưng chị nghĩ do mình làm việc mệt mỏi chỉ vài ngày là khỏi.
Thế nhưng, đã gần 1 tháng nay các mạch máu ngày càng nhiều thêm, không những thế chị Mai còm cảm thấy đau nhức, mỏi chân, giống như người bị thấp khớp gặp lúc trái gió trở trời. Nghi ngờ có bệnh, chị Mai đã đi khám. Bác sĩ cho biết chị Mai bị suy tĩnh mạch chi dưới nhưng bệnh mới phát nên chỉ cần uống thuốc, điều trị một thời gian sẽ khỏi.
Không được may mắn như chị Mai, chị Loan 35 tuổi hiện đang làm nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản tại Q.1, Tp.HCM cũng có triệu chứng tương tự, nhưng do quá chủ quan với bệnh tình nên chỉ đến khi bệnh tình đã tiến triển nặng, khiến cơ thể chị đau nhức toàn thân, chân tay khó vận động.
Chị Loan đã phải phẫu thuật với chi phí khá tốn kém 1.000 đôla và thời gian điều trị mất 6 tháng, ảnh hưởng nhiều tới công việc của chị. Khi tình trạng đã thuyên giảm, chị Loan còn tá hỏa nhớ tới lời bác sĩ nhắc nhở: Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị viêm loét, đặc biệt là vùng cổ chân dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.
Khó dứt điểm
BS. Hoàng Văn Dũng, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: Bệnh này không quá nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nó làm giảm khả năng vận động, gây cản trở cho cuộc sống thường ngày khiến người bệnh thường xuyên bị đau nhức, mỏi mệt chân tay. Việc điều trị dứt điểm bệnh này là rất khá khó khăn vì không có loại thuốc uống hay thuốc bôi nào giúp hết bệnh. Chỉ có sử dụng laser chiếu vào vùng da có mao mạch giãn trong một thời gian dài mới có thể làm hết các triệu chứng.
Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến các yếu tố như tuổi thường là phụ nữ ngoài 30 trở lên, béo phì, có bố mẹ mắc bệnh này(di truyền), nữ giới hay mắc bệnh này hơn nam giới, những người làm công việc càng đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh...
Bác sĩ Hoàng Văn Dũng khuyến cáo: Khi thấy ở bắp chân có nhiều tĩnh mạch nổi lên, đau nhức hoặc bị chuột rút không rõ nguyên nhân thì người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời. Với những người thường xuyên đứng nhiều, hoặc ngồi một chỗ nên đi bộ hằng ngày, chú ý giữ cân nặng hợp lý, tránh xa rượu bia, thuốc lá…
Theo thông tin từ Bộ Y Tế thì nước ta có khoảng 20 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh này, đối tượng chủ yếu là nữ giới từ 35 tuổi trở lên. |
Hương Thảo
Chủ đề liên quan: