An ninh trong bệnh viện
Vụ cháu bé mới 11 ngày tuổi bị người lạ lẻn vào ngủ cùng phòng trong Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đâm vào đầu khiến dư luận hoang mang.
Cháu bé sau khi được êkíp phẫu thuật bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, mổ lấy con dao cắm vào đầu ra hiện đang được chăm sóc kỹ lưỡng để giữ mạng sống. Những thầy Thu*c dốc hết sức mình để hy vọng không có cái kết quá buồn thảm cho một sinh linh yếu ớt.
Cơ quan chức năng, cụ thể là công an tỉnh Vĩnh Long, đã bắt tạm giam nghi can, tiến hành điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề thủ phạm có bị bệnh tâm thần không, khi động cơ đâm người là chưa rõ ràng.
Mọi việc sẽ được xử lý theo đúng trình tự pháp luật. Chỉ mong rằng cháu bé tai qua nạn khỏi và không có di chứng gì nặng nề.
Sau nữa, đây là một dịp để xem lại việc bảo đảm an toàn trong bệnh viện về mặt hành chính, an ninh, trật tự, chứ không bàn đến lĩnh vực chuyên môn.
Những năm gần đây, nhiều vụ việc lộn xộn trong bệnh viện đã xảy ra: băng nhóm ở bên ngoài vào bệnh viện quấy rối đánh bệnh nhân, người nhà hành hung bác sĩ, có cả nạn bắt cóc trẻ sơ sinh… Nạn ăn cắp, móc túi, L*a đ*o trong bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở những thành phố lớn, xảy ra thường xuyên. Ngoài cổng bệnh viện là nạn cò mồi L*a đ*o người bệnh. Tất cả điều này khiến nhiều người trong đó có bệnh nhân, người nhà của họ và cả các y -bác sĩ thật sự không an lòng.
Những vụ lộn xộn nói trên chưa thể tạo nên bức tranh toàn màu xám, nhưng không thể không chú ý. Và trên thực tế, “rất nhiều bệnh viện tại Việt Nam, việc đảm bảo an ninh, trật tự là vô cùng lỏng lẻo”, như một bác sĩ có gần 40 năm làm việc trong một số bệnh viện và từng đi tham quan nhiều bệnh viện trên thế giới cho biết. Theo bác sĩ này, các bệnh viện trên thế giới rất coi trọng an toàn trong bệnh viện. Họ có đội ngũ bảo vệ hùng hậu, quy định giờ giấc thăm bệnh rõ ràng và đặc biệt là kiểm soát đối tượng vào bệnh viện rất chặt, người vào viện có giấy tờ, có lý do hợp lệ, không được mang hung khí như: dao kéo vào bệnh viện. Thậm chí, nhiều bệnh viện ở Ấn Độ, Philippines… còn rà soát bom mìn… ở cổng kiểm tra an ninh chặt chẽ như ở sân bay. Còn ở Việt Nam, người ra vào gần như tùy tiện, nhiều bệnh viện chưa có cả quy định thời gian thăm bệnh. Trong đó, ngoài khu vực phòng ở cho bà mẹ và trẻ mới sinh, khu vực cấp cứu là dễ mất an toàn nhất. Ở khu vực cấp cứu, do tính chất vội vã nên mọi người cứ ùn ùn kéo vào không kiểm soát được, lại dễ xảy ra sự cố gây hấn vì người nhà nóng lòng cứu chữa cho bệnh nhân. Lúc đó, nếu có chuyện gây gổ mà lực lượng bảo vệ mỏng lại không túc trực sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Một bác sĩ nói: “Nhiều lúc nhìn những người bặm trợn, xăm mình xông vào phòng cấp cứu, chúng tôi vừa làm việc vừa lo cho tính mạng của mình”. Bác sĩ này nói thêm: “Cốt lõi của vấn đề an toàn bệnh viện vẫn là tăng cường lực lượng bảo vệ, quy định và thực hiện giờ thăm bệnh nghiêm túc, kiểm soát chặt đối tượng vào viện, tuyệt đối không cho mang theo hung khí. Còn camera an ninh chỉ là phụ, chủ yếu để giúp giải quyết hậu quả, như việc tìm ra thủ phạm chứ ít có tác dụng ngăn chặn”.
Mong rằng vấn đề an toàn trong bệnh viện, lâu nay đã được chú ý xem xét, nay cần phải chú ý hơn nữa, để tất cả an tâm, để những chuyện đau lòng như chuyện cháu bé nói trên không xảy ra.
Mạng Y Tế