12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Bà bầu ăn gan: Lợi hại

(SKGĐ) Gan động vật nhiều dinh dưỡng, giàu sắt, vitamin A đều là những dưỡng chất tốt cho bà bầu. Nhưng nếu ăn không đúng cách thì lợi liền với hại.

Tốt nhưng nhiều cũng hại

Trước đây, chị Thu ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội thường xuyên mua các loại gan động vật về ăn, vừa dễ nấu lại ngon miệng, nhất là món gan xào giá đỗ. Nhưng từ khi có bầu sở thích này của chị Thu bị mẹ chồng cấm tiệt, vì bà nghe nói bà bầu ăn nhiều gan sẽ gây ngộ độc cho thai nhi. Không biết thực hư thế nào, nhưng thấy mẹ chồng nói thế chị Thu cũng cố gắng kiêng, dù rất muốn ăn.

Cùng tâm trạng với chị Thu, chị Hằng ở Khương Đình, Hà Nội đang mang thai ở tuần thứ 36 cũng từng là một tín đồ của món gan nhưng kể thừ khi mang bầu chị Hằng tuyệt đối tránh xa món này. Vì chị nghe mấy cô bạn đồng nghiệp khuyến cáo gan là nơi thanh lọc, đào thải độc tố, ăn vào rất dễ gây ngộ độc cho cả mẹ và con.

Theo BS. Bùi Quang Sáng, Chủ nhiệm khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Quân Y 354, Hà Nội, chuyện bà bầu kiêng ăn gan không phải là không có cơ sở. Bởi gan là bộ phận dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là với những con vật nuôi bị ốm bệnh. Lúc này, gan của chúng lại là nơi tập trung nhiều độc tố hoặc chứa các ký sinh trùng gây bệnh, có thể gây ngộ độc cho người ăn.

 Nhưng cũng không phải vì thế mà bà bầu phải “đoạn tuyệt” hoàn toàn với gan động vật. Bởi trong gan có chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất đạm, sắt và vitamin A (khoảng 5.000-6500mcg tùy loại). Trong 100g lợn có 18,9g đạm, 6.000mcg, sắt 12g, axit folic, cholesterol… Điều quan trọng là phải chọn mua gan của những con vật khỏe mạnh, không chứa các ký sinh trùng như sán lá gan, virus và độc tố gây bệnh.

Thêm một yếu tố nữa là chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải. Ăn quá nhiều gan sẽ dẫn tới thừa vitamin A, lượng vitamin A thừa này không được đào thải qua đường tiêu hóa hay bài tiết mà sẽ tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc cho bà bầu và nguy cơ dị tật cho thai nhi.

Bao nhiêu cho vừa?

Theo tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi tuần bà bầu chỉ nên ăn gan 1-2 lần, mỗi lần từ 50-70g. Và không chỉ chăm chăm vào món khoái khẩu của mình, bà mẹ mang thai cần ăn đa dạng các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho mẹ và con.

Với những bà bầu đang bị mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh gout… thì tuyệt đối không nên ăn gan. Vì các thành phần trong gan sẽ góp phần làm tăng cholesterol trong máu làm bệnh tăng nặng hơn, cực kỳ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trong thời kỳ bầu bí.

Ăn gan an toàn

Chọn mua

Khi mua gan nên lưu ý chọn có màu đỏ sẫm đỏ tươi, không có những nốt sần trên bề mặt lá gan. Ấn đầu ngón tay vào miếng gan thấy độ đàn hồi tốt, không bị lún, nhão, nhiều nước chảy ra. Nên chọn những miếng gan dẻo; Tuyệt đối không nên chọn những miếng gan có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi.

Gan của động vật bị ung nhọt (ngay cả khi đã lành bệnh hay trở thành mạn tính) thường bị cứng, ấn tay vào thấy rắn, chắc, không đàn hồi. Khi cắt, thái sẽ thấy phát ra tiếng kêu sồn sột chứ không mịn, và êm như gan động vật khỏe mạnh.

Gan động vật bị bệnh sán lá thường có lác đác một vài con kén sán lá. Nếu phát hiện ra dấu hiệu này, cần phải bỏ ngay, không nên tiếc của vì ǎn vào sẽ lây nhiễm sán lá.

Chế biến

­- Rửa sạch với nước, cắt lát mỏng, bóp hết máu đọng, để ráo nước khoảng 15 phút sẽ giúp loại bỏ chất độc trong gan. Cẩn thận hơn, bạn có thể rửa gan qua nước muối rồi để ráo nước 15 phút.

- Nấu gan chín kỹ ở nhiệt độ cao, không ăn gan khi còn tái, vẫn còn màu đỏ. Nhiều người thường cho rằng ăn gan tái sẽ giữ được chất dinh dưỡng nhưng thực chất thì dinh dưỡng của gan không hề bị mất đi khi gan đã chín kỹ. Còn để tái, các vi khuẩn, ký sinh trùng trong gan chưa bị chết, khi ăn vào rất dễ bị ngộ độc hoặc lây bệnh.

- Không nên xào nấu gan động vật với các thứ rau quả có nhiều vitamin C (cà chua, giá đỗ…). Cũng không nên dùng các loại thực phẩm này sau khi ăn gan động vật. Lý do là vì trong gan chứa nhiều đồng, sắt và một số nguyên tố kim loại khác. Các ion kim loại sẽ khiến cho vitamin C bị ôxy hóa và làm mất hết giá trị dinh dưỡng trong gan.

Xử lý khi ngộ độc gan

Khi ăn xong nếu cảm thấy trong người khó chịu, buồn nôn, tức ngực, khó thở, chân tay run thì cần tìm cách để kích thích nôn, giúp loại bỏ hết lượng thức ăn vừa nạp vào. Sau đó, cần đưa bệnh nhân nhập viện để được rửa ruột kịp thời, tránh những tai biến nguy hiểm.

Đông Thảo

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ba-bau-an-gan-loi-hai-8720/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY