Tình yêu và giới tính hôm nay

Bác sĩ Lê Đình Phương - Sự mới mẻ sẽ đến, nếu ta mở lòng

(SKGĐ) Đọc Người bệnh cuối ngày và các trang viết trên blog của Dr. Nikonian, nhiều người hình dung tác giả Lê Đình Phương là người sắp lên chức… lão bởi giọng văn sắc sảo, dí dỏm và cái nhìn đầy nhân ái của anh.

Là người công tác ở ngành y lâu năm, mỗi ngày chứng kiến biết bao cảnh đời, BS. Lê Đình Phương (Bệnh viện FV Tp.HCM) “thu gọn” tất cả vào tầm nhìn của mình và viết tản mạn như cách giải tỏa, chia sẻ cảm xúc với bạn bè, bệnh nhân. Ngoài đời, anh khá trẻ trung, nồng hậu, tinh tế nhưng đôi khi cũng được bệnh nhân liệt vào hàng… khó tính. Tạp chí Sống khỏe mời bạn đọc cùng gặp gỡ với BS. Lê Đình Phương.

Làm bác sĩ nhưng anh có tâm hồn văn chương, vừa làm chuyên môn vừa sáng tác. Có khi nào anh ước mình sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng?

Tuổi thơ của tôi không có nhiều sách thiếu nhi để đọc. Ngoại trừ những ấn phẩm của tủ sách Tuổi Hoa, Thiếu Nhi và dăm cuốn truyện tranh về Astroboy, Lucky Luke, Xì trum, Tintin… Đây là những sách thiếu nhi rất phổ biến thời đó. Tuy nhiên, vì sức đọc của tôi rất nhanh, ăn cơm cũng đọc sách, nên khi nào cũng thấy thiếu.

Để thỏa mãn cơn thèm, tôi lần mò sang tủ sách của cha tôi. Với số tuổi non nớt hồi đó, tôi cắm cổ đọc tạp chí Văn, Phổ Thông, Bách Khoa, các sách của những học giả như Phạm Cao Tùng, Nguyễn Hiến Lê, Thiều Chửu, Nguyễn Duy Cần… từ rất sớm. Kể cả Hermann Hesse, Kahlil Gibran, Stefan Sweig, Paul Gallico, Mario Puzo… tôi cũng đọc tất cả, không chừa cuốn nào. Có nhiều cuốn, đến giờ này tôi cũng không chắc mình đã lĩnh hội được hết.

Đọc cho có cái để đọc, đọc để thỏa cơn thèm. Vậy mà những cuốn sách ấy đã đọng trong đầu tôi rất lâu. Chúng chỉ cho tôi thế nào là văn chương đích thực, là tri thức uyên thâm và rất nhiều chuyện hay ho khác.

Có duyên may được đọc, chiêm nghiệm trước trang viết dày dặn, cao thâm như vậy, bạn nghĩ tôi “gan cóc tía” đến mức nào mà dám ao ước làm nhà văn, lại là nhà văn nổi tiếng?

Những ghi chép tản mạn của anh trên các báo được nhiều người yêu thích nhưng anh không viết nhiều lắm. Nếu có đặt hàng anh có thể sáng tác liên tục hay anh chỉ viết theo cảm hứng riêng của mình?

Có lẽ, nghề y đã rèn luyện một tố chất cực kỳ quan trọng cho nghề văn là óc quan sát. Khi đã có thói quen đó, cộng thêm với một chút khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy danh sách những bác sĩ viết văn rất dài.

Không dám nhận mình là nhà văn, vì tôi viết rất cực nhọc. Có những bút ký tôi mất đến 2 năm để ngẫm nghĩ, ăn ngủ cùng nó. Cho đến khi chín mùi, chỉ cần 15 phút, tôi viết ra được tất cả những điều đã nằm trong đầu trong một thời gian khá dài như vậy. “Tâm thức Việt trên đất Mỹ”, hay “Ký ức thị giác, hoa và nhiếp ảnh” là ví dụ điển hình cho cái sự lâu lắc thiếu chuyên nghiệp của tôi khi viết lách.

Về sau, tôi viết có phần “tốc độ” hơn một chút. Chỉ chừng nửa tiếng, tôi đã hoàn tất một bài gởi báo. Đó là cách tôi có thể đáp ứng “đơn đặt hàng” của các bạn. Nhưng viết ngắn, cô đọng cũng có sự khó khăn của nó. Tôi phải học các bạn bên báo chí rất nhiều về kỹ năng viết các “thông điệp nén” (compact message) theo kiểu báo chí hiện đại.

Còn viết theo cảm hứng, diễn tả những điều ấp ủ thì nặng nhọc hơn đau đẻ. Không phải khi nào cũng viết ngay được. Mà thì giờ của tôi sau công việc bận rộn ở bệnh viện thì không nhiều nhặn gì cho lắm.

Một số người cho rằng bác sĩ vốn rất khô khan, có lẽ bệnh nhân cũng nhìn anh bằng sự kiêng dè. Từ trang viết của anh (trên báo và blog), nhiều người nhìn anh bằng ánh mắt khác, như người bạn đồng hành hơn là bác sĩ chữa trị, theo anh thì điều này có ý nghĩa gì trong quá trình điều trị của bệnh nhân không? Cảm nhận của anh về điều này ra sao?

Tôi không nghĩ nghề thầy thuốc là khô khan. Như mọi nghề có tiếp xúc với con người, nghề y là một trong những nghề nghiệp làm phong phú về tình cảm và tinh thần nhất.

Bác sĩ và thầy thuốc là bạn đồng hành trong lúc chữa trị, điều đó đã hẳn. Không những thế, tôi có khá nhiều bệnh nhân là bạn thiết của tôi, trong đó có không ít… bạn nhậu. Tôi thấy mình may mắn và vinh dự khi được chăm sóc, chia sẻ với những người bạn - bệnh nhân như vậy.

Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, công việc của một bác sĩ thường tất bật với hồ sơ bệnh án nhưng đối với anh, có lẽ mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân cũng là một lần hiểu thêm về cuộc đời? Khi khám cho người bệnh, anh có nghĩ là cách tư vấn của anh làm người khác thấy dễ chịu, thấy mình được quan tâm hơn không?

Sự quan tâm, ân cần của thầy thuốc là một nghĩa vụ, không phải là một ân huệ. Sự thân thiện phải là một tố chất, không phải là một kỹ năng được luyện tập, hay một kỹ xảo nghề nghiệp. Nhưng không phải khi nào tôi cũng thân thiện. Nhiều khi tôi cũng chướng, cũng khó đăm đăm. Xin thông cảm, vì tôi cũng là con người, với rất nhiều hỉ nộ ái ố.

Tôi không rõ bệnh nhân của tôi nghĩ gì về gã thầy thuốc của họ. Nhưng rất nhiều khi, lòng yêu mến của họ làm tôi cảm động đến tận đáy lòng. Với tôi, một-thầy-thuốc-được-yêu mến thì có ý nghĩa hơn nhiều lần, so với các học vị hào nhoáng. Học vị, danh hiệu có thể mua được. Nhưng lòng yêu mến của bệnh nhân thì không mua được bằng tiền, chắc bạn đồng ý với tôi.

Sau quyển "Người bệnh cuối ngày", khi nào anh sẽ ra mắt quyển sách thứ hai? Anh có ý định làm mới cách viết của mình cho hấp dẫn hơn không?

Ngành y, tự bản thân nó đã chứa đựng nhiều yếu tố tò mò và thu hút sự quan tâm của công chúng. Tôi nghĩ không khó để trở thành best-seller khi viết về những chuyện “bếp núc, hậu trường” của ngành y. Hoặc tả lại những tình huống đầy kịch tính, căng thẳng trong môi trường bệnh viện. Điều này đã được Arthur Hailey làm rất thành công với cuốn "Lời chẩn đoán cuối cùng" (The Final Diagnosis).

Tuy nhiên, Người bệnh cuối ngày là tập tùy bút rất lan man của tôi về nhiều lĩnh vực, không chỉ có y học. Nó là kết tinh của tình bạn rất ngẫu nhiên. Không có sự giúp đỡ chí tình của rất nhiều bạn bè, tôi không nghĩ đến ngày có thể cầm được cuốn sách thơm mùi giấy mực của mình trên tay. Đã hơn một năm, nó đã được tái bản 2 lần và vẫn có người tìm đọc. Đó là một thành công ngoài dự kiến của tôi, một người viết không chuyên nghiệp.

Tôi hy vọng cuốn sách thứ hai của tôi cũng sẽ ra đời một cách tùy hứng như vậy. Tôi viết điều tôi nghĩ, điều tôi muốn chia sẻ và hoàn toàn không có kế hoạch hay văn phong gì cả. Đã bảo, tôi chưa bao giờ dám nhận mình là nhà văn mà.

Bác sĩ Lê Đình Phương

Được biết ngoài đam mê viết lách, anh còn có đam mê khác là nhiếp ảnh và âm nhạc. Ngoài ra, anh còn thú vui nào nữa không? Thời gian nào anh dành cho viết và chụp ảnh, chơi nhạc?

Những năm tháng làm khoa hồi sức, đối mặt với cái chết mỗi ngày đã dạy tôi một điều rất đơn giản: lòng yêu quí cuộc sống. Có những đêm trực nặng nề với nhiều bệnh nhân qua đời, tôi dắt xe ra cổng bệnh viện, thấy lòng bàng hoàng vì mình còn được sống, còn được thấy cuộc sống trôi qua cuồn cuộn như dòng xe cộ trước mắt. Khi thấy quá nhiều cái chết, người ta sẽ học được lòng yêu cuộc sống khi còn rất trẻ.

Từ đó, tôi yêu nhiếp ảnh, như một cách biểu đạt lòng khao khát sống, sự tiếc rẻ với từng ngày trôi qua, lòng thấu cảm với sự ngắn ngủi của phận người. Chỉ một cú bấm máy, khoảng khắc hư vô trước mắt ta đã dừng lại vĩnh viễn trong ống kính. Nhiếp ảnh là tâm thức tôi với hành trình tiến đi về cát bụi.

Tôi đã được học nhạc từ rất sớm. Rất không may, tôi không được là cầm thủ piano như ý nguyện. Nhưng tình yêu âm nhạc trong tôi đã nẩy mầm từ một người thầy có tâm hồn trong sạch như nước suối. Người thầy đó, cũng là một bác sĩ tận tụy, khiêm cung đến tận ngày cuối đời, đã chỉ cho tôi thấy vẻ đẹp thanh khiết và vô ngôn của âm nhạc cổ điển. Dưới bóng con người nhỏ bé nhưng có tâm hồn vô cùng vĩ đại đó, tôi đã bước những bước chập chững đầu tiên vào thế giới của cây dương cầm. Tôi học ngành y, chẳng qua vì không đủ điều kiện để đeo đuổi piano trong những năm tháng đói khó ngày ấy.

Còn khả năng chơi piano của tôi ư? Vừa đủ để cho người nghe nguyền rủa cây piano bất hạnh mà tôi đang sở hữu. 40 tuổi, tôi mới được chạm tay vào cây piano của riêng mình. Đó là một hạnh phúc muộn màng. Piano là nhạc cụ không có chỗ cho sự “đi tắt đón đầu”. Nó đòi hỏi ta phải sống, phải ăn ngủ cùng nó, phải khổ luyện từ tấm bé. Dù rất muốn, 24 giờ trong đời gã thầy thuốc là tôi không đủ chỗ cho một đam mê khắc nghiệt dường ấy. Vì vậy, đã lâu tôi không chạm đến đàn. Để thời gian rảnh rỗi hiếm hoi cho việc lắng nghe tiếng đàn vi diệu của các danh cầm. Đỡ phải tra tấn tai mình và tai hàng xóm (cười).

Những thú vui khác ư, tôi có rất nhiều, kể không hết! (cười) Ham hố là vậy, chỉ giận mình không đủ thời gian để sống cho thỏa chí.

Những đam mê ngoài ngành y có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của anh?

Chúng là một phần của tôi. Và quan trọng không kém nghề nghiệp. Chúng không phải là những giải trí đơn thuần. Nghe nhạc chẳng hạn, nó phải là một nghi thức, phải “dọn mình” để lắng nghe sự thanh khiết của âm nhạc. Nghe nhạc bằng thái độ suồng sã hời hợt, âm nhạc sẽ trượt khỏi lòng ta mà không để lại điều gì, tôi tin là thế.

Anh có chú trọng đến thời trang và ngoại hình của mình không? Thường thấy anh xuất hiện với trang phục màu đen, đây có phải là màu yêu thích của anh không?

Thời trang, không! Tôi nghĩ thời trang là thứ phù phiếm nhất trên đời. Y phục đẹp nhất là thứ y phục xứng hợp với hoàn cảnh. Diện một bộ áo đuôi tôm để leo núi, cũng lố bịch như mặc đồ thể thao đi nghe nhạc cổ điển. Cũng như cách đây không lâu lắm, có một bệnh viện nọ yêu cầu các bác sĩ ở khoa cấp cứu phải mang cà vạt khi làm việc (?). Trang phục đó có thể đẹp, nhưng không phù hợp. Một bộ pijama bằng vải, thấm hút mồ hôi, có thể tròng vào người nhanh chóng… của các nhân viên phòng mổ là ví dụ điển hình của cách phục sức chuyên nghiệp mà không hề mang tính cẩu thả.

Trong ngữ cảnh nghề nghiệp, tôi tin rằng người thầy thuốc phải chú trọng đến trang phục của mình. Vì đó là một trong những cách rõ ràng nhất để tỏ lòng tôn trọng người.

Màu đen, tôi thích nó, cũng như thích sự đơn giản nhưng cực kỳ tinh tế của nhiếp ảnh đen trắng.

Thời buổi này, nhiều người kêu giáo dục con khó quá, anh giáo dục hai con mình thế nào? Anh có ý định hướng con vào ngành y như bố không? Anh sẽ căn dặn con mình điều gì về nghề y?

Như mọi bậc cha mẹ khác, không khi nào tôi nghĩ giáo dục con là dễ. Làm bạn với con còn khó vạn lần. Trong chừng mực nào đó, tôi cố gắng gần gũi, bầu bạn với con cái. Tôi có thể có hàng trăm bạn hữu. Nhưng sẽ là một thất bại hay bất hạnh nếu con trai tôi khước từ tình bạn của cha mình.

Con tôi được khuyến khích học điều chúng thích, không phải điều tôi muốn. Dĩ nhiên, nếu các con tôi nối nghiệp nhà thì không gì sung sướng bằng. Được gọi con là bạn đồng nghiệp, niềm vui đó bậc cha mẹ nào mà không ao ước.

Khi con trai tôi ngỏ ý muốn theo đuổi nghiệp y khoa, tôi chỉ dặn một câu: “Tiền thì ai cũng cần. Nhưng nếu say mê kiếm tiền quá, thì đừng bao giờ theo đuổi ngành y”. Tôi không tán thành thói răn dạy về y đức một cách dễ dãi hời hợt. Y đức thì nghĩa lý cao thâm, trông lên để thẹn với mình, chiêm nghiệm cả đời không hết. Phải kính trọng mà bớt hô hào sáo rỗng về y đức, như ông bà mình kiêng húy mà tránh gọi tên cha mẹ. Tôi thích từ “nghĩa vụ luận”, nó cụ thể và chưa bị lạm dụng để đánh bóng bản thân như với từ “y đức” tội nghiệp (cười).

Ở nhà anh có vào bếp không? Món nào anh làm ngon nhất?

Mì gói, trứng chiên và thịt hộp. Đó là những gì tôi có thể đãi bạn bè sau nửa tiếng vào bếp. Ngoài ra, có món cà phê Espresso mà các bạn đến chơi nhà đều đồng ý gọi nó là “thức uống của các bậc tiên thánh” (cười). Không có ngày cuối tuần nào mà nhà tôi vắng bóng bạn bè đến đòi thử làm “tiên thánh” (cười)

Xin cảm ơn anh!

Tiểu sử BS. Lê Đình Phương

- Sinh năm: 1964, tại Huế

- Tốt nghiệp Đại học Y Khoa TP. HCM năm 1987

- Thạc sĩ Y khoa, chuyên khoa Nội - Đại Học Y Dược, Tp.HCM năm 1999

- Tu nghiệp tại nhiều nước về các bệnh nhiệt đới và viêm gan siêu vi.

- Từng công tác tại khoa Nội tổng quát & Hồi sức cấp cứu thuộc Khoa Nghiên cứu bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM, 1987-1999

- Từng giữ nhiều vị trí Cố vấn và Giám đốc Y khoa của nhiều tập đoàn đa quốc gia (Unileverr Bestfoods, Hoffmann La Roche, Bayer) 2000-2003

- Bác sĩ điều trị cao cấp, Khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện FV, Tp.HCM, kể từ năm 2003 đến nay.

Thiên Tường (thực hiện)
Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/bac-si-le-dinh-phuong--su-moi-me-se-den-neu-ta-mo-long-17116/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY