Sau hơn 1 tháng thay van tim, cụ Vũ Thị Thân ở Quảng Ninh đi lại nhanh lẹ như người khoẻ mạnh. Từ gương mặt đến vóc dáng, giọng nói, ai cũng đoán cụ mới ngoài 60 nhưng sự thật năm nay cụ đã bước sang tuổi 81.
Cụ khoe, giờ còn khoẻ hơn trước, leo cầu thang không cần dừng lại thở. Giọng rành mạch, chân thành, cụ cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện E đã giúp cụ sống lại lần thứ 2.
Bệnh nhân tái khám lại sau hơn 1 tháng thay van tim nhân tạo. Ảnh: Thúy Hạnh
GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, cụ Thân là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được thay lại van tim nhân tạo qua da. Cách đây 17 năm, cụ từng được GS Thành mổ thay van tim tại Bệnh viện Việt Đức nhưng qua thời gian, van tim bị thoái hoá, mất chức năng khiến cụ thường xuyên khó thở.
Theo GS Thành, van tim nhân tạo thường có tuổi thọ khoảng 12 năm, trường hợp cụ Thân đã kéo dài đến 17 năm.
Trước đây với những trường hợp này sẽ phải mở mở dọc xương ức để thay van mới, tuy nhiên với những người cao tuổi, có bệnh nền phức tạp, phẫu thuật mở sẽ khiến bệnh nhân đối mặt nguy cơ Tu vong lớn do nhiễm trùng, chảy máu, cuộc mổ kéo dài. Trường hợp suôn sẻ cũng phải nằm lại viện ít nhất 1 tháng.
Sau nhiều cuộc hội chẩn, GS Thành và GS Võ Thành Nhân từ đầu TP.HCM quyết định chọn phương pháp thay lại van tim qua đường ống thông.
TS Nguyễn Công Hựu, Phó giám đốc Bệnh viện E cùng thực hiện ca can thiệp cho biết, bác sĩ sẽ đưa một hệ thống thiết bị gồm dây và ống dẫn, nén van tim nhân tạo còn 5-6mm bên trong, ống này sẽ đi theo mạch máu, luồn từ động mạch đùi, qua động mạch chủ bụng lên tới vị trí van nhân tạo cũ bị hỏng.
Khi đến nơi, hệ thống bóng nong sẽ làm rộng van nhân tạo cũ đã thoái hoá, sau đó thiết bị thả van tim mới vào đúng vị trí. Đây là thao tác cần độ chính xác tuyệt đối, vì chỉ cần đặt van mới thấp hoặc cao hơn vị trí cũ có thể gay bịt lỗ vành, khiến máu ngừng lưu thông.