Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bài học từ thành công tiêm chủng của Campuchia, Malaysia

Campuchia và Malaysia chủ động mua vaccine Covid-19 từ mọi nguồn, phân phối phù hợp với thực tế trong nước, độ tin tưởng của người dân vào chiến dịch cao.

Campuchia là một trong những nước khởi động chủng ngừa sớm nhất Đông Nam Á, vào ngày 10/2. Chương trình ban đầu diễn ra chậm chạp. Tháng 5, khi biến thể Delta bắt đầu lây lan nhanh chóng, chỉ 11% trong 16 triệu dân tiêm một liều vaccine, theo kho dữ liệu Our World in Data. Con số bằng một phần ba so với Anh và một phần hai của Mỹ, tiêm chủng trong cùng thời gian.

Đến nay, Campuchia đã tiêm đủ hai liều vaccine cho 78% dân số, trong khi Mỹ mới tiêm được 58%. Nước này đang tiêm liều tăng cường và xem xét chủng ngừa cho trẻ từ 3 đến 4 tuổi.

Thông thường, tỷ lệ phủ vaccine ở Đông Nam Á gần như tương quan với mức độ phát triển kinh tế, nhưng Campuchia là ngoại lệ. Quốc gia có GDP bình quân đầu người xếp thứ 8 trong ASEAN nhưng tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người cao thứ hai toàn khối.

Trong bối cảnh biến thể Delta xâm nhập, Campuchia chủ động mở rộng nguồn cung để bắt kịp nhu cầu cộng đồng. Theo báo cáo từ Đối tác Chiến lược Mekong, quốc gia đảm bảo vaccine "bằng mọi cách có thể". Chính phủ mua gần 37 triệu liều vaccine từ Trung Quốc, số khác được viện trợ từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và sáng kiến tiêm chủng công bằng Covax.

Lý do khác dẫn đến thành công tiêm chủng bước đầu của đất nước 16 triệu dân là chiến dịch "nở hoa", tức là quá trình tiêm chủng khởi đầu với trung tâm cả nước rồi hướng dần ra ngoài.

Chính phủ ban đầu tập trung vào nhóm dễ lây nhiễm như nhân viên y tế tuyến đầu và sĩ quan quân đội. Tiếp đến, người trên 60 tuổi sẽ tiêm vaccine. Chiến dịch sau đó dần mở rộng sang các nhóm khác.

Nhà chức trách chia đất nước thành ba khu vực: ưu tiên cao, ưu tiên trung bình và ưu tiên thấp. Theo "chiến dịch nở hoa", thủ đô Phnom Penh và các đô thị xung quanh như Kandal tiêm trước, sau đó đến những khu vực khác theo thứ tự.

"Với cách tiếp cận ‘nở hoa', khu vực ưu tiên cao cần hoàn thành tiêm phòng vào năm 2021, càng sớm càng tốt", theo tài liệu của chính phủ.

Campuchia tiêm chủng bắt buộc cho lực lượng vũ trang và công chức. Giống với nhiều nước Đông Nam Á, người dân tại đây khá tin tưởng vào vaccine Covid-19. Theo tiến sĩ Nuth Sambath, người đứng đầu Viện Sinh học, Y học và Nông nghiệp tại Học viện Hoàng gia Singapore, nỗi sợ mắc bệnh là một yếu tố thúc đẩy cộng đồng tiêm phòng.

"Tôi từng lo lắng, nhưng hiện Covid-19 còn đe dọa hơn. Không có sự lựa chọn nào khác ngoài tiêm chủng", Rath Sreymom, một phụ huynh tại Campuchia cho biết, sau khi đưa con gái 5 tuổi đi tiêm.

Giống với Campuchia, Malaysia cũng là nước thành công trong chiến dịch tiêm chủng Covid-19 dù hạ tầng y tế còn nhiều hạn chế, chưa hiện đại bằng Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nước này nỗ lực đảm bảo cung cấp vaccine cho những nhóm khó tiếp cận nhất. Chính phủ tranh thủ sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ, tiêm chủng cho người nhập cư bất hợp pháp - nhóm dè dặt tham gia những chương trình y tế công cộng do nhà nước tài trợ.

Giáo sư Sazaly Abu Bakar, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu và Bệnh Truyền nhiễm Nhiệt đới, cho biết: "Chúng tôi chủng ngừa cho tất cả mọi người mà không hỏi gì thêm".

Một học sinh được tiêm vaccine covid-19 tại thành phố putrajaya, malaysia, tháng 9/2021. ảnh: reuters

Malaysia sử dụng một số loại vaccine do Trung Quốc sản xuất, nhưng chủ yếu dựa vào Pfizer. Nước này theo đuổi mạnh mẽ các hợp đồng với "gã khổng lồ dược phẩm", là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đặt hàng với Pfizer năm 2020, trước khi hãng công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine.

Chính phủ cũng đặt hàng từ nhiều nguồn khác nhau đề phòng vaccine Pfizer không hiệu quả.

"Phần lớn nguồn cung của chúng tôi là từ Pfizer, sau đó chúng tôi mở rộng các đối tác. Từ sớm, chúng tôi đã hiểu rằng đặt cược tất cả vào một nhà sản xuất sẽ rất rủi ro", Khairy Jamaluddin, điều phối viên vaccine quốc gia, nói.

Đến mùa hè năm nay, Malaysia có kho dự trữ vaccine đáng kể. Không dừng lại, giới chức tiếp tục thúc đẩy nhà sản xuất, đảm bảo các lô hàng đến đúng thời hạn, thậm chí giao sớm.

Khác với các nước trong khu vực, Malaysia thiết lập một loạt điểm tiêm đại trà trên cả nước, hoạt động hiệu quả. Điểm tiêm chủng Trung tâm Thương mại Thế giới Kuala Lumpur đã tiêm khoảng 1,2 triệu liều trong 150 ngày. Nước này có hơn 2.300 trung tâm tiêm chủng trên cả nước, bao gồm cả các phòng khám tư và các cơ sở chăm sóc ngoại trú khác. Thêm vào đó, một số bang và vùng lãnh thổ liên bang còn triển khai các chuyến xe tiêm vaccine lưu động nhằm tăng tốc độ tiêm chủng.

Hồi giữa tháng 6, 4 xe vaccine lưu động đã tiêm được cho khoảng 7.000 người tại các dự án nhà ở công cộng ở thủ đô Kula Lumpur. Nhóm Công tác Tiêm chủng Covid-19 (CITF) thông báo các điểm tiêm chủng không cần đặt lịch có thể được triển khai ở Selangor và Kuala Lumpur bắt đầu từ 1/8 dành cho những người bị nhỡ lịch hoặc chưa nhận được bất kỳ lịch hẹn nào, gồm cả người không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh danh tính và người không có giấy thông hành.

Bằng cách tiếp cận phối hợp, các lãnh đạo chính trị và y tế công cộng cùng đưa ra thông điệp nhất quán về Covid-19 - điều mà những nền kinh tế lớn như châu Âu và Bắc Mỹ chưa làm được.

Người Malaysia không phải đối mặt với thông tin sai lệch về Covid-19 như Mỹ, Brazil và một số nước lân cận như Philippines hoặc Indonesia.

Những thành công trên là điều kiện để Malaysia tiến tới tiêm liều vaccine tăng cường cho người đủ điều kiện và chủng ngừa cho trẻ nhỏ. Chính phủ đã mở lại nhiều địa điểm giải trí trong nhà, cho phép đi lại giữa các thành phố.

Thục Linh (Theo Diplomat, Khmer Times)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/bai-hoc-tu-thanh-cong-tiem-chung-cua-campuchia-malaysia-4393776.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY