Sức khỏe hôm nay

Bạn giáo dục con thế nào? - yêu chiều hay nghiêm khắc, đả kích hay tán thưởng...

Đứa trẻ có thể lầm lì không nói, có thể phản kháng dữ dội… khi bị phật ý hay khi bị chỉ trích. Ở vị trí làm cha làm mẹ, bạn hãy học cách xử lý và củng cố tinh thần cho con trẻ.

Giáo dục yêu chiều hay giáo dục nghiêm khắc

Ở Bắc Kinh có đôi vợ chồng giáo sư đã bị chính đứa con trai yêu thương nhất mực của mình đâm chết chỉ vì không thể rút tiền gửi ngân hàng vào giữa đêm đưa cho nó 4 triệu NDT như nó yêu cầu.

Khi đứng trước vành móng ngựa, đứa con đó không hề hối hận chỉ buồn bã mà nói: “Bố mẹ tôi đến trước khi chết vẫn không biết điều tôi thực sự cần là gì, họ đã hại cả bản thân mình và hại luôn cả tôi, vì thế mà tôi đã giết họ”.

Việc yêu chiều những lúc con ngoan ngoãn là cần thiết, nhưng chỉ yêu thương mà không răn đe khi con vòi vĩnh, ương bướng thì thật thất sách. Nên nhớ rằng, buồm nhờ ngược gió mới bay, thuyền nhờ ngược dòng nước mới chạy.

Ảnh minh họa

Giáo dục đả kích hay giáo dục tán thưởng

“Sao mày lại có thể ngu như thế! Việc đơn giản như vậy mà cũng làm không được?”.

“Tao thấy sau này mày chỉ có thể ra đường quét rác mà thôi!”.

Đây là những lời chỉ trích con cái của bố mẹ mà chúng ta thường bắt gặp theo cách “giáo dục đả kích”. Các bậc cha mẹ càng hy vọng con mình sẽ thông minh thì lại càng hay mắng con là đồ ngốc; càng muốn con trở thành người mạnh mẽ, kiên cường, lại càng hay nói con là đồ yếu đuối. Hay rất muốn con mình trở thành người tốt, song lại hay mắng con là đồ hư đốn... Khi hy vọng con mình sẽ không thua kém bất kì ai, các bật cha mẹ nên tự hỏi có phải mình đã kì vọng ở con quá nhiều, đã đem lại cho chúng áp lực quá lớn, đã đối xử với chúng quá thô bạo?.

Mỗi đứa trẻ đều mong nhận được sự quan tâm và tán thưởng của người khác, đặc biệt là từ cha mẹ. Một hòn than củi nếu không được châm lửa đốt thì sẽ không bao giờ cháy và sản sinh ra nhiệt lượng, cho dù nó rất có khả năng phát nhiệt. Vì thế, sự cổ vũ khích lệ của cha mẹ chính là ngọn lửa làm bùng lên những tiềm năng ở đứa con của mình.

Giáo dục so sánh hay giáo dục tự tin?

“Mày thử nhìn những đứa khác thi được 10 điểm, mày xem lại mày xem chỉ được có 6 điểm, đúng là óc lợn”.

Các bậc cha mẹ thường có thói quen lấy những đứa trẻ khác làm tấm gương cho con cái mình, mục đích là để khích tướng, nhưng không biết là đã làm cho con mình mất đi lòng tự tin. Phàm những đứa trẻ đã mất đi sự tự tin thì làm việc gì cũng dễ thất bại. Là cha mẹ tốt, bạn cần phải tin rằng, mỗi đứa con của mình đều là thiên tài, đều có năng lực. Sở dĩ chúng chưa biểu hiện tốt là do có nhiều nguyên nhân khác át đi thiên tính bẩm sinh của chúng.

Tuyệt đối không được dựa vào những suy đoán mê muội mà cho rằng con mình vốn sinh ra đã ngốc nghếch, mà không ngừng mắng con là “ đồ vô dụng”... Trên thực tế, tâm hồn của trẻ rất trong sáng. Chúng đơn thuần là muốn được tôn trọng, được thông cảm, không biết nói dối, càng không có bản tính tự ti. Nếu như cách cư xử của các bậc phụ huynh đối với con mình không đủ tinh tế, không hiểu và thông cảm cho chúng, thì sẽ không thể nào chữa được căn bệnh tự ti này.

Ảnh minh họa

Học cách củng cố tinh thần của trẻ

Khi dạy dỗ con cái, nếu như thấy chúng có những biểu hiện tinh thần bất ổn, thì không nên mắng mỏ gay gắt. Điều này chỉ gây tác dụng ngược lại, để lâu sẽ hình thành một khoảng cách giữa bố mẹ và các con. Nếu chúng cảm thấy thất vọng, không vừa ý, phẫn nộ, đố kị, trống rỗng..., trước tiên bố mẹ cần giúp chúng hiểu được sự tồn tại của những tình cảm xấu đó, cũng như phải nói cho chúng biết tác hại của những điều đó đối với bản thân chúng.

Khi chúng bình tỉnh lại, bố mẹ cần để ý đến tình cảm, thái độ, ngôn ngữ cơ thể, lời nói, âm lượng xem có sự biến đổi nào không, tiếp đó có thể khuyên chúng nên nói ra những cảm nhận của riêng chúng về những vấn đề gặp phải.

Vì vậy, để xử lý tinh thần của trẻ cần phải chú ý:

1. Khi nói chuyện với con cái, cần biểu lộ sự chú ý, sự quan tâm của bạn đối với chúng.

2. Các bậc phụ huynh không nên vội vàng, cần để cho con cái có một khoảng thời gian điều chỉnh tâm lý.

3. Trước tiên có thể nói những lời âu yếm để chúng bình tĩnh trở lại, nếu như không có hiệu quả, nên thử nói với giọng nghiêm khắc để khống chế chúng, nhưng sau đó thái độ của các phụ huynh nên dịu dàng

4. Khi ứng dụng những phương pháp này, bố mẹ nhất định cần phải học được cách khống chế tinh thần của chính bản thân mình, nếu không sẽ đem lại hiệu quả trái ngược.

Minh Nguyệt

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/ban-giao-duc-con-the-nao--yeu-chieu-hay-nghiem-khac-da-kich-hay-tan-thuong-26492/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY