Tình yêu và giới tính hôm nay

Báo Anh phát điên vì cách xưng hô của người Việt

Ngữ pháp tiếng Việt khó đến độ “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, và với các từ ngữ xưng hô của chúng ta cũng vậy, chắc chắn đã khiến nhiều người ngoại quốc “đau đầu” để thích nghi.

Số lượng từ xưng hô của tiếng Việt so với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… quả là phong phú và tinh tế, phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng sử dụng nó thế nào để thể hiện là người có văn hóa giao tiếp lại không hề đơn giản. Văn hóa giao tiếp được thể hiện trong việc sử dụng từ xưng hô lịch sự, đúng vai giao tiếp, lễ phép, đúng mực, khéo léo, khiêm nhường, đúng hoàn cảnh nói năng, đúng mối quan hệ thân – sơ giữa người nói và người đối thoại. Từ ngữ xưng hô phụ thuộc vào vai giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp. Một người có thể sắm nhiều vai trong những hoàn cảnh khác nhau.

Và độ phức tạp này đã được nói đến trên tuần báo Guardian (Anh) mới đây. Connla Stokes là một người đàn ông ngoại quốc lấy vợ Việt Nam, sau nhiều lần quan sát cách xưng hô đầy phức tạp khi cả đại gia đình vợ tụ họp, anh đã có bài viết đăng đăng trên mục “Letter from” - mục chuyên đăng những bài viết của bạn đọc trên khắp thế giới- như sau:

Trong dịp giỗ bà dì của vợ tôi ở Tp.HCM (bà sinh ra ở Hà Nội), cả gia đình đã cùng tụ họp và nhiều tình huống xưng hô dở khóc dở cười đã xảy ra.

Khi nói chuyện, người Việt rất khắt khe trong việc xưng hô theo quan hệ họ hàng. Vì thế, ai cũng biết mình thuộc thế hệ nào và ai sẽ là người rửa bát cuối bữa ăn (có thể là người phụ nữ nhỏ tuổi nhất trong gia đình).

Tuy nhiên, cách xưng hô theo quan hệ họ hàng này nhiều khi dẫn đến những tình huống khó xử và phức tạp, đặc biệt là khi có một người kết hôn đến lần thứ 2.

Nhân dịp đám giỗ bà dì, tôi được giới thiệu với con gái riêng của chồng chị gái cùng mẹ khác cha của mẹ vợ tôi. Vì tôi 38 tuổi nên có thể gọi người phụ nữ ấy là “bác” hoặc thậm chí là “bà”, nhưng tôi lại được yêu cầu phải gọi là“chị” và gọi chồng chị - người đã ngoài 70 tuổi – là “anh”.

Chồng chị - người đang ngồi nhâm nhi cốc rượu vang đỏ trên ghế đá – là người đàn ông nhiều tuổi nhất trong căn phòng, nhưng theo quan hệ họ hàng ở gia đình vợ tôi thì ông không thể ngang hàng với những người nhiều tuổi nhất có mặt trong bữa tối hôm đó. Và người đàn ông ngoài 70 này phải gọi bố vợ tôi là “chú” với một chút gượng gạo.

Khi bữa ăn bắt đầu, màn thực hành với đại từ nhân xưng tiếp tục diễn ra khi một người đàn ông 35 tuổi – là “cháu trai” của tôi – bế xốc cô con gái 10 tuổi lên trước mặt tôi và yêu cầu con bé chào “ông” và chào “chú” với cậu con trai 4 tuổi của tôi – kẻ đang bận giận dỗi dưới gầm bàn. Vì vợ tôi là chị cả trong nhà nên con trai của em gái cô ấy phải gọi con trai tôi là “anh” mặc dù con trai tôi ít tuổi hơn nhiều.

Người Việt thường xưng hô ở ngôi thứ ba, ví dụ như một bà mẹ thường tự xưng là “mẹ” hoặc “má” khi nói chuyện với các con. Cách xưng hô này rất hữu ích khi lâu ngày bạn không gặp họ.

Một lần khác, cũng trong một lần tụ họp gia đình, vợ tôi bảo tôi phải lễ phép với một người phụ nữ trung niên vì cô ấy là người có cấp bậc cao nhất trong họ hàng nhà bố chồng tôi. Thế tên cô ấy là gì? – tôi hỏi. Vợ tôi nhún vai. Cô ấy không nhớ tên và chuyện đó cũng không quan trọng. “Chỉ cần chào là “bác” thôi!”

Thậm chí, cả khi không phải mối quan hệ họ hàng, người Việt cũng thích sử dụng cách xưng hô theo độ tuổi.

Khi 2 người Việt cùng lứa tuổi gặp nhau lần đầu, họ sẽ cố gắng đoán từ ngoại hình hoặc cách nói chuyện xem ai nhiều tuổi hơn. Nhưng họ cũng có thể nhầm. Vợ tôi đã từng khá khó chịu khi phát hiện ra một người mà cô ấy gọi là “chị” trong nhiều năm thực ra lại trẻ hơn cô ấy.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn với những người không thông thạo tiếng Việt.

Theo Guardian/Vietnamnet, để thể hiện sự tôn trọng với khách hàng quen, người chủ tiệm bánh khoảng 40 tuổi mà tôi vẫn hay ghé qua khi ở Hà Nội chào tôi: “chào anh”, nhưng trong trường hợp này nó giống như là “chào em” thì đúng hơn, và vì không hiểu được ngữ cảnh nên tôi đã chào lại: “chào em”. Nhưng ngay lập tức, ông chủ cửa hàng nói: “Anh không thể gọi tôi là “em” vì anh trẻ hơn tôi nhiều”, vì thế hãy gọi tôi là “anh” như tôi gọi anh”. Chà, có vẻ như sẽ dễ dàng hơn khi gọi cà phê từ một ‘cô em’”.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/bao-anh-phat-dien-vi-cach-xung-ho-cua-nguoi-viet-14507/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY