Khoa học hôm nay

Bảo đảm an toàn cho người dân trước mưa, lũ và phòng, chống dịch Covid-19

(HNMO) - Chiều 7-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các thành viên chỉ đạo các giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn...

(hnmo) - chiều 7-7, phó thủ tướng chính phủ, trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai lê văn thành chủ trì cuộc họp với các thành viên chỉ đạo các giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới đã đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sáng sớm 8-7, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu thành một vùng áp thấp...

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tối và đêm nay, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật mạnh cấp 6-7. Từ nay đến hết ngày 8-7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi cao hơn 300mm/đợt.

Mưa lớn tập trung tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An... Vùng núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng.

Tại  Hà Nội, từ chiều và đêm nay đến ngày 9-7 xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh; gió mạnh dần lên cấp 3-4, giật trên cấp 6. Tổng lượng mưa cả đợt (từ ngày 7 đến 9-7) tại khu vực trung tâm và các huyện phía Nam thành phố 100-150mm, có nơi cao hơn 150mm; các huyện phía Tây và phía Bắc thành phố 70-120mm, có nơi cao hơn 120mm...

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển kiểm đếm, hướng dẫn 54.386 phương tiện với 232.828 người biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng và Ninh Bình đã ban hành lệnh "cấm biển". Hai tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh đang theo dõi, xem xét việc "cấm biển". Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo và duy trì 264.272 cán bộ, chiến sĩ, 1.979 phương tiện ứng trực, sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai...

Tổng cục phòng, chống thiên tai đã cử 3 đoàn công tác đến các tỉnh trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, rà soát, sơ tán người dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất...

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý, bão lũ khó lường đoán trước, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, khẩn trương triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn cần tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị và phối hợp với các cơ quan quốc tế để nâng cao chất lượng các bản tin...

Theo Phó Thủ tướng, trong thiên tai, việc sẵn sàng lên phương án ứng phó là rất cần thiết. Mỗi ngành, mỗi địa phương cần nêu cao tinh thần chủ động theo phương châm "4 tại chỗ" và phải được thực hiện nghiêm túc...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch ứng phó trước, trong và sau thiên tai. Cùng với đó là phải nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó với thiên tai...

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1004971/bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan-truoc-mua-lu-va-phong-chong-dich-covid-19)

Chủ đề liên quan:

mưa lũ thiên tai thời tiết

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY