Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, những ngày qua TP.HCM chìm trong một lớp mù là do Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nằm trên khu vực nam Trung bộ. Dải hội tụ này gây mưa diện rộng, mưa bất kể thời điểm nào trong ngày.
Mưa rải rác khiến trong không khí luôn có nhiều hơi nước tạo thành lớp mù giảm tầm nhìn, giống như mây ở tầng thấp. Đài dự báo bắt đầu từ ngày 23.9, sương mù sẽ giảm. Tuy nhiên thực tế, dù nắng nhẹ vào buổi sớm nhưng từ trưa đến tối, TP.HCM lại liên tục xuất hiện những cơn mưa rải rác, tình trạng sương mờ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Theo các chuyên gia môi trường, lớp mù sương này không đơn thuần là sương mù bức xạ mà là sự hội tụ từ khói, cát, bụi từ cháy rừng bên Indonesia ngưng kết vào lớp độ ẩm trong không khí cao, hòa cùng khí phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nói cách khác, đây chính là lớp không khí ô nhiễm nghiêm trọng với lượng bụi mịn đo được đã đạt mức 2.5 - mức nguy hại đối với sức khỏe con người.
Đáng chú ý, chưa kịp hết hoang mang về thông tin sương mù bao phủ những ngày qua là do ô nhiễm, người dân TP lại tiếp tục đón thêm tin buồn khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức xấu - thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người (mức màu đỏ).
Cụ thể, theo bản đồ trực quan chỉ số chất lượng không khí, sau khi đạt “đỉnh” 175 vào ngày 20.9, chỉ số AQI trong 6 ngày tới tại TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao với mức cao nhất là 162 ngày hôm qua (23.9), ngày 24.9 là 140; ngày 25, 26.9 dao động trong khoảng 154 - 158. Chỉ giảm xuống 1 ngày vào thứ sáu 27.9 (89), không khí tiếp tục quay trở lại ô nhiễm nghiêm trọng vào thứ bảy 28.9 với AQI đo được là 149.
Nhìn vào bảng đo không khí hằng ngày, anh Đoàn Chí, người đang tham gia nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường tại TP.HCM, không khỏi giật mình: “Có lẽ chưa bao giờ chất lượng không khí tại TP.HCM tệ như thời điểm này. Bản đồ trực quan báo một màu đỏ quạch. Tại Hà Nội còn kinh khủng hơn, có những ngày lên tới mức cực kỳ nguy hiểm - màu tím. Kéo dài thêm ngày nào, ô nhiễm không khí càng đe dọa lớn đến đời sống của người dân thêm ngày ấy”.
Cùng với sự đổ bộ của “không khí bẩn”, hàng loạt căn bệnh về hô hấp đang đe dọa đời sống của người dân TP.HCM. TS Trần Ngọc Đăng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, phân tích bụi mịn là loại bụi có kích thước siêu nhỏ, có thể đi sâu vào đường hô hấp gây khó thở, tức ngực, giảm chức năng phổi, gây ra các đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dẫn đến các bệnh liên quan đến hô hấp như ho, hen suyễn... Đáng lo ngại là tác hại về lâu dài của loại bụi này cực kỳ nguy hiểm. Những hạt bụi mịn có thể xâm nhập vào máu gây ra một số bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bụi mịn còn có thể xâm nhập qua nhau thai, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, một vài nhà nghiên cứu trên thế giới còn tìm ra mối liên hệ giữa bụi mịn và bệnh ung thư.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bụi mịn chính là “kẻ Gi*t người thầm lặng” và khẳng định ô nhiễm không khí đang là “mối đe dọa khẩn cấp cho sức khỏe cộng đồng”. Theo thống kê của WHO ở VN, năm 2016 hơn 60.000 người ch*t do bệnh tim, phổi và các chứng bệnh khác liên quan tới ô nhiễm không khí. Như vậy trung bình mỗi ngày có 164 người Tu vong chỉ vì… hít thở.
Thực tế, từ năm 2013, trong nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TP.HCM, giai đoạn 1990 - 2013”, TS Lê Việt Phú (ĐH Fulbright) đã chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở VN đã tăng trong 20 năm nay và sẽ tồi tệ hơn trong tương lai nếu không có biện pháp khắc phục. Đến năm 2035 con số Tu vong vì ô nhiễm môi trường ở VN có thể lên đến 100.000 người một năm và thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại kinh tế tương đương 5 - 7% GDP vào năm 2013. TS Phú cho biết tính toán mới đây cho thấy con số Tu vong đã tăng lên rất nhiều, khoảng 60.000 ca Tu vong năm 2015 (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).
Chủ đề liên quan:
bụi mịn không khí ô nhiễm ô nhiễm không khí ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ô nhiễm không khí tại TP.HCM Phật giáo và môi trường