Tiếp xúc trong thời gian dài với ô nhiễm không khí có thể gây tổn thương cho cấu trúc não bộ và suy giảm chức năng nhận thức ở người trong độ tuổi trung niên.
Nhóm chuyên gia Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess và Trường Y Đại học Boston nghiên cứu 900 người ở độ tuổi trên 60. Họ nhận thấy sự tăng mật độ hạt PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) ở mức khoảng 2 microgram/m3 liên quan đến hiện tượng nhồi máu não ngầm (đột quỵ thầm lặng).
Theo IB Times, nhóm chuyên gia nghiên cứu mức độ nguy hiểm khi tiếp xúc kéo dài với hạt PM 2.5 và sử dụng hình ảnh vệ tinh để đánh giá. Họ nhận định tỷ lệ đột quỵ ở lứa tuổi trung niên do
ô nhiễm không khí có thể cao hơn khoảng 46%.
"Điều này đáng lo ngại vì chúng ta đều biết rằng đột quỵ thầm lặng làm tăng nguy cơ đột quỵ và chứng mất trí nhớ, các vấn đề đi lại và trầm cảm. Chúng tôi dự định nghiên cứu sâu hơn tác động của
ô nhiễm không khí trong thời gian lâu hơn, tác động của nó với các kết quả chụp MRI, hoạt động của não bộ và các nguy cơ khác như đột quỵ và mất trí nhớ", giáo sư Sudha Seshadri nói.
Các hạt ô nhiễm có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu do nhiên liệu hóa thạch đốt cháy từ các nhà máy điện, nhà máy sản xuất, phương tiện đi lại... Chúng có thể thâm nhập sâu vào phổi và ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi hay bệnh tim mạch...
ô nhiễm không khí là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc. Rác thải xây dựng, chất thải từ phương tiện đi lại hay hoạt động công nghiệp là những nguyên nhân khiến tình hình ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn. Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, 95% dân số Ấn Độ đang hít thở không khí ô nhiễm cao hơn mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Anh Hoàng