Tình yêu và giới tính hôm nay

Bất hòa vì ông bà muốn “độc chiếm” cháu

Mải mê kiếm tiền, vun đắp cho sự nghiệp nhiều vợ chồng khoán trắng việc chăm sóc con cái cho bố mẹ, nhưng đến lúc con gần gũi ông bà hơn mình thì họ mới lo lắng, bất an.

Mất quyền làm cha mẹ vì ông bà

Nhiều tháng nay, không khí trong gia đình chị Nguyễn Thu Hà (phường Thới An, Quận 12, Tp.HCM) lúc nào cũng căng thẳng, ngột ngạt bởi “cuộc chiến ngầm” giữa mẹ chồng và con dâu trong việc giành giật tình cảm từ con trẻ. Tình hình căng đến nỗi chị Hà muốn dọn ra ở riêng.

Ảnh minh họa

“Số là, trong suốt thời gian 2 năm vợ chồng tôi đi nghiên cứu sinh ở bên Úc, việc chăm sóc, dạy dỗ cu Minh đều phải nhờ cả vào mẹ chồng. Nên chuyện cháu quấn quýt, bịn rịn bà, hay bà chiều chuộng cháu vô điều kiện là điều tất nhiên. Tôi không có quyền “ghen tị”, so bì với mẹ chồng. Nhưng một đứa trẻ đã 5 tuổi, khi được hỏi “Minh con ai?”, cháu trả lời “Minh do bà nội sinh ra”, rồi bà đi một bước cháu theo một bước không rời. Và cháu nhất định không chịu ngủ với mẹ mà chỉ đòi bà...” - chị Hà nghẹn ngào.

Không bị tước “quyền làm mẹ” một cách công khai như chị Hà, nhưng một số biểu hiện của ông bà Quang (xóm 7, Thị trấn Tân Uyên, Bình Dương) cũng khiến vợ chồng anh con cả ngờ rằng ông bà đang âm mưu “tranh giành” cô con gái 4 tuổi của mình. Vốn ông bà Quang chỉ sinh được hai người con, nhưng anh con cả làm việc và lập gia đình trên Sài Gòn, cô út cũng theo chồng sang Mỹ định cư, nên tình yêu ông bà dành cả cho cô cháu gái. Hồi đầu, ông bà thay nhau lên thành phố ở chơi với con cháu, nhưng vốn không quen chốn đô thị ồn ào nên được một thời gian ông bà đòi về quê. Và không quên gợi ý đưa cả cô cháu gái cưng về cùng.

Lý do được ông bà đưa ra rằng: “Vợ chồng chúng mày đứa nào cũng đi làm đến tận tối mịt mới về, không có thời gian chăm sóc cho con. Mà giao cho ôsin sao mà yên tâm bằng nó sống với bố mẹ được. Với lại nhà mà có tiếng trẻ bi bô bố mẹ cũng đỡ cô quạnh”.

Ngẫm thấy lời ông bà nói cũng tội, nên hai vợ chồng cậu con trai đành nén nỗi nhớ con, chiều theo ý bố mẹ. Với lại tranh thủ mấy tháng không bận bịu việc chăm con hai vợ chồng tha hồ tung tẩy. Tuy nhiên, đến khi hai vợ chồng anh chị muốn đón con lên lại thành phố thì ông bà lần nữa trì hoãn. Và khi họ biết được bố mẹ còn có ý định sau này cho cháu đi học ở quê luôn thì chuyện đã không còn đơn giản nữa.

Tìm lời giải cho “cuộc chiến ngầm”

Việc ông bà có dành tình yêu thương, chăm sóc cho cháu cũng là điều tất nhiên, nhưng con cái không vì thế mà ỷ lại, giao hết việc liên quan đến bé cho ông bà.

Nếu ở vào hoàn cảnh chẳng đừng như vợ chồng chị Hà, thì khi đi xa vẫn phải giữ sợi dây tình cảm với con trẻ như gọi điện nói chuyện, gửi ảnh, quà cho con và tế nhị nhờ mẹ chồng thường xuyên nhắc đến bố mẹ với con. Hay gợi lên tình mẫu tử trong lòng trẻ bằng những câu nói tình cảm như: Đây là ảnh mẹ và cu Minh này, bố mẹ phải đi làm xa kiếm tiền nuôi cu Minh, rồi Bố mẹ lúc nào cũng nhớ cu Minh... Và khi về nước, anh chị nên dành thời gian để đưa con đi chơi, trò chuyện với con. Dần dần bé sẽ không còn giữ khoảng cách với bố mẹ nữa.

Ngoài ra, cũng không nên tìm cách chia rẽ ông bà với cháu. Vì như thế bạn đã tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa mình và bố mẹ, và biết đâu điều ấy làm ảnh hưởng đến con trẻ. Tuyệt đối không nói xấu ông bà trước mặt con, rồi cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, hè đưa cháu về thăm ông bà. Bạn cũng có thể hỏi kinh nghiệm nuôi dạy trẻ từ bố mẹ. Điều ấy khiến ông bà không còn lăn tăn rằng con cái không coi trọng mình và tạo cảm giác rằng với con trẻ vị trí của ông bà cũng vô cùng quan trọng. Chỉ là không phải “độc chiếm” quyền nuôi dạy cháu theo ý mình mà thôi.

Diệu Thủy

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/bat-hoa-vi-ong-ba-muon-doc-chiem-chau-21821/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY