Sức khỏe hôm nay

Bé ăn nhiều sao vẫn còi?

(SKGĐ) Để tránh tình trạng này, bạn chớ ham cho con ăn nhiều mà hãy học cách cho con ăn những gì, mỗi thứ bao nhiêu.

Ăn nhiều nhưng hấp thu bao nhiêu?

Chị Phương (Đinh Lễ, Q.4, Tp.HCM) thường than thở vì “chăm đủ cách rồi mà thằng bé vẫn còm nhom à”. Tháng 9 này, cu Bin, con trai chị vào lớp Một. Nhìn cái cặp sách che khuất cả lưng con mà chị sốt ruột: Có phải mẹ không chăm chút con đâu chứ. Cu Bin cũng không phải dạng kén ăn, nếu không nói là háu ăn hơn nhiều đứa trẻ khác.

Mỗi bữa Bin cũng ăn được 2 lưng bát cơm, cũng chẳng gảnh gót lựa món này, chọn món kia. Chị Phương chiều con nên lúc nào cũng dự trữ sữa tươi trong tủ lạnh để con thích thì uống. Chị Phương cũng luôn chuẩn bị đầy đủ ít nhất hai bữa phụ cho con, bữa thì bánh bông lan, bữa thì bánh giò, xôi hoặc xúc xích. Vậy mà, chuẩn bị vào lớp Một, Bin cũng chỉ được 16kg.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận định: Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do bé ăn nhiều nhưng chưa cân bằng các dưỡng chất, trẻ hấp thu kém, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, trẻ quá hiếu động hoặc trẻ mắc một chứng bệnh nào đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cân nặng. Sai lầm của nhiều cha mẹ là thấy con ăn nhiều thì tưởng con đã ăn đủ.

Thực chất chế độ ăn cân bằng các dưỡng chất mới quyết định sự tăng trưởng. Trẻ ăn nhiều nhưng thừa dưỡng chất này, thiếu dưỡng chất khác, sẽ vẫn suy dinh dưỡng và ảnh hưởng tới cân nặng. Trường hợp khác, trẻ hấp thu kém nên dù ăn nhiều cũng khó tăng cân. Nếu tình trạng này để lâu có thể dẫn đến những chuyển biến nguy hiểm hơn như rối loạn tiêu hóa kéo dài, thiếu dinh dưỡng, thiếu máu… Một số trẻ khác lại bị rối loạn tiêu hóa, trẻ quá hiếu động dẫn đến lượng calo bị đốt cháy quá nhiều… nên khó tăng cân.

Để bé ăn uống hiệu quả

Tiến sĩ Lâm khuyên cha mẹ khi thấy con ăn nhiều mà khó lên cân thì nên đưa đi khám dinh dưỡng chứ không khắc phục bằng cách ép con ăn nhiều hơn nữa. Bác sỹ cần biết về chế độ ăn thường nhật và thăm khám, xét nghiệm mới kết luận được nguyên nhân khiến bé “tiêu tốn thực phẩm mà không lên cân”. Trẻ kém hấp thu sẽ được bổ sung men tiêu hóa, men vi sinh và các vi khoáng. Trong trường hợp trẻ ăn nhiều nhưng mất cân đối dinh dưỡng thì bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên giúp cha mẹ chọn lựa, kết hợp thực phẩm hợp lý. Tuy nhiên tiến sĩ Lâm cũng gợi ý vài “bí kíp” đơn giản để cha mẹ áp dụng:

- Cho trẻ uống sữa, mỗi ngày khoảng 500-800ml, nếu trẻ ăn tốt nên cho trẻ dùng thêm các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai…

- Nên cho trẻ ăn no vào bữa sáng để đảm bảo năng lượng hoạt động, hạn chế quà vặt vỉa hè, bánh kẹo, nước giải khát nhiều đường.

- Tăng cường cho trẻ ăn rau củ quả để cân bằng vi chất, tránh táo bón, kích thích tăng cân.

- Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tránh ăn một loại nhất định sẽ làm trẻ bị thiếu hụt những dưỡng chất cần thiết.

- Uống nhiều nước lọc sẽ giúp vận chuyển dinh dưỡng tốt hơn, giúp bé lên cân.

Lê Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/be-an-nhieu-sao-van-coi-7832/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY