Vào thế kỷ 17-18, bệnh bạch hầu đã tàn phá ở cả châu Âu và châu Mỹ, nó được biết đến với cái tên “El garatillo” (kẻ treo cổ) hay “bệnh cổ họng”. Sức công phá của căn bệnh đã gây ra những cái chết hàng loạt khiến cho con người thời đó phải kiếp sợ. Vào thời điểm đó thường chỉ trong vòng vài tuần thì cả gia đình có người mắc bệnh đều lần lượt tử vong toàn bộ.
Ảnh minh họa |
Trẻ con dễ nhiễm bệnh
Ngày nay, nhờ có vaccine mà bệnh bạch hầu không gây ra những cái chết khủng kiếp như trước. Tuy nhiên, trước thực trạng bạch hầu đang có nguy cơ bùng phát trở lại, lo lắng là tâm lý chung của nhiều người, đặc biệt là những người đang nuôi con nhỏ.
Để hiểu hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh bạch hầu, Sức khỏe Gia đình đã nhờ tới sự tư vấn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. Theo ông: “Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu gây lên. Bệnh thường gặp ở trẻ con, thường là trẻ con chưa được tiêm chủng văcxin bạch hầu và số ít ở người lớn”.
Bệnh diễn biến rất phức tạp và thường có tỷ lệ tử vong rất cao. Theo PGS Dũng, triệu chứng ban đầu dễ nhận thấy nhất của bệnh là: sốt, ho sau đó là đau họng. Diễn biến đau họng ở bạch hầu là gây các màng giả hay còn gọi là “viêm họng có màng giả”. “Từ màng giả nó sẽ phát sinh lan xuống dưới thanh quản. Lúc này, bệnh sẽ gây ra triệu chứng khó thở thanh quản. Đặc điểm dễ nhận thấy là người bệnh sẽ ho ông ổng giống tiếng chó sủa và khó thở, khi hít vào có tiếng rít. Nếu như không được chữa trị kịp thời, mức độ khó thở thanh quản từ nhẹ có thể chuyển sang nặng. Khi diễn biến nặng, bệnh nhân có thể khó thở đến tím tái mặt mày do thiếu ôxy và có thể gây chết người. Chính vì thế, người ta hay gọi là bạch hầu thanh quản.
PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, bệnh bạch hầu có thể phát triển theo hướng khác nữa, đó là sau khi lan vào thanh quản, nó gây hiện tượng nhiễm độc làm cho bệnh nhân xanh tái, sốt rất cao mệt lừ. Nếu bệnh tấn công vào tim sẽ gây ra viêm cơ tim do bạch hầu làm nhịp tim chậm dần lại và ngừng đập. Trường hợp này còn được gọi là bạch hầu gây bock tim hay chẹn tim. Hướng phát triển thứ 3 của bệnh này khi vào máu là gây ra nhiễm trùng máu và dẫn tới tử vong.
Tiêm vaccine: Giải pháp hữu hiệu
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh bạch hầu dễ lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hay người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Một trong những cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vaccine bạch hầu dùng trong tiêm chủng mở rộng là DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) sử dụng từ trước năm 2010 và Quinvaxem (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib) từ năm 2010 đến nay. Còn đối với những người chưa được tiêm phòng đầy đủ thì hạn chế tiếp xúc với người đang bị mặc bệnh; Tránh xa những nơi tụ tập đông người; Rửa tay sạch trước khi ăn và ngay sau khi đi ra ngoài về.
Nhận xét về nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu tại Việt Nam, PGS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: điều này rất khó xảy ra, tuy nhiên vẫn không loại trừ, bởi thực tế, thời gian qua, nhiều bà mẹ đã không đưa con đi tiêm vaccine đầy đủ do lo ngại những tác dụng phụ. Chính vì vậy, với những người đang còn lưỡng lự khi lựa chọn biện pháp phòng bệnh này hữu hiệu này, cần nhanh chóng tiêm chủng cho con.
Bạch hầu thường diễn biến rất nhanh. Do đó, nếu trẻ chưa được tiêm vaccine mà cơ thể lại thấy xuất hiện những triệu chứng của bệnh, cần phải đưa ngay tới bệnh viện để bác sĩ kịp thời cứu chữa.
R.Năng
Theo báo Đời sống & Pháp luật
Chủ đề liên quan: