1. Bướu cổ là gì?
Bênh bướu cổ hay còn gọi là bướu tuyến giáp là loại bệnh khá phổ biến, xảy ra khi tuyến giáp phát triển phình to hơn bình thường. Bạn biết không, tuyến giáp là cơ quan nội tiết tạo ra hormone giúp kiểm soát nhiệt độ, nhịp tim và sự tăng trưởng nói chung của cơ thể. Lượng hormone tuyến giáp có thể tăng, giảm khi bạn bị bướu cổ.
Bướu cổ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, nhưng nhìn chung tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 10 lần nam giới. Theo nghiên cứu, tỉ lệ mắc bệnh bướu cổ chung là 6,6, riêng khu vực miền núi lên đến 11,7%, trung du là 6,7%, đồng bằng là 6,5% và thành thị là 5%.
Tỷ lệ mắc bướu cổ ở phụ nữ cao gấp 10 lần so với nam giới - (Ảnh: headtopics) |
Bướu cổ có nhiều loại, trong đó bao gồm 3 nhóm: Dạng lành tính, ác tính và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp.
- Bướu cổ lành tính: Tuy lành tính, nhưng loại bướu cổ này cũng gây nên nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Bướu cổ lành tính không những làm mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, mà còn gây tình trạng nuốt vướng hoặc khó nuốt, khó thở, chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù ở các vị trí như mặt, cổ, lồng ngực và cả hai tay. Đặc biệt, nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời thì bướu lành tính có thể tiến triển thành bướu cổ ác tính.
- Bướu cổ ác tính: Có khoảng 5% khối u tuyến giáp là ác tính. Bướu cổ ác tính là loại ung thư gây xâm lấn các cơ quan xung quanh, nhất là dây thần kinh quặt ngược thanh quản, từ đó gây khàn tiếng, khó nói, nói hai giọng… Trong trường hợp, bướu cổ ác tính di căn còn có thể gây tổn thương gan, phổi, xương, não...
- Bướu cổ làm rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp: Tình trạng này gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, từ đó khiến cơ thể kiệt sức, sụt hoặc tăng cân, mất ngủ, rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi. Bướu cổ dạng rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ, vì có thể làm giảm khả năng sinh sản, gây sảy thai, ảnh hưởng thai nhi (đối với phụ nữ có thai).
2. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng bướu cổ
Biết được chính xác nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng bướu cổ, bạn sẽ biết cách cải thiện cũng như điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả. Dưới đây là một số nguyên nhân của bệnh bướu cổ, bạn nên tham khảo:
- Chế độ ăn hàng ngày thiếu hụt iốt là nguyên nhân chủ yếu gây ra bướu cổ. Bướu cổ do thiếu iốt sẽ được gọi là bệnh bướu cổ đơn thuần.
- Do hệ miễn dịch bị suy yếu. Thông thường, hệ miễn dịch chịu trách nhiệm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân như virus, vi khuẩn, tế bào bất thường xuất hiện trong cơ thể. Một khi hệ miễn dịch suy yếu, chức năng này sẽ bị suy giảm làm cho một bộ phận của mô tuyến giáp tăng sinh bất thường dẫn đến các bệnh tuyến giáp nói chung và bệnh bướu cổ nói riêng.
- Rối loạn tuyến giáp bẩm sinh có thể gây nên bướu cổ, tình trạng này thường phụ thuộc vào yếu tố di truyền, những người tiền sử gia đình có người mắc bướu tuyến giáp.
- Do dùng thuốc điều trị rối loạn tâm thần hoặc do dùng quá mức các loại thức ăn có tác dụng ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp như các loại rau họ cải, măng, khoai mì…
- Người từng mắc các bệnh như ung thư, nhiễm trùng tuyến giáp hoặc u nang tuyến giáp sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
- Ngoài ra, những phụ nữ bị kích thích thần kinh trong thời kỳ phát triển hoặc có thai và cho con bú cũng dễ bị bướu cổ.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bướu cổ, bạn nên biết
Giai đoạn đầu khi bị bướu cổ, người bệnh thường ít gặp các triệu chứng cụ thể vì bướu thường nhỏ người bệnh khó có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhận thấy một cục u trên cổ, ngay dưới yết hầu khi bướu cổ phát triển lớn hơn. Bướu cổ càng lớn càng chèn ép vào đường hô hấp hoặc tĩnh mạch, gây ra các triệu chứng điển hình như:
- Cảm thấy đau cổ họng hoặc luôn cảm giác cổ họng bị vướng.
- Mặt đỏ bừng và cổ bị sưng
- Khó nuốt, khó thở, khàn tiếng.
- Thở dốc, khó thở (nhất là khi nằm xuống).
- Đôi khi cảm thấy hồi hộp, có những cơn đau vùng tim thoáng qua, đổ mồ hôi nhiều, giảm cân hay có các biểu hiện của thừa hoóc môn.
- Mệt hoặc căng thẳng, trí nhớ giảm sút, bị táo bón, da khô, cảm thấy lạnh…
Tóm lại, khi thấy cổ to ra hoặc có các bất kỳ bất thường hay dấu hiệu kể trên thì bạn nên đến cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, xác định chính xác bệnh cũng như có hướng điều trị thích hợp, hiệu quả.
4. Các phương pháp chẩn đoán bướu cổ
Bên cạnh việc dựa vào các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ còn có thể chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bướu cổ. Cụ thể như sau:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể. Nồng độ hormone có thể tăng hoặc giảm khi bạn bị bướu cổ.
- Siêu âm: Dựa vào sóng âm để hiển thị hình ảnh tuyến giáp, bác sĩ sẽ quan sát và phát hiện những bất thường (nếu có) tại đây.
Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bướu cổ - (Ảnh:kekjod) |
- Sinh thiết: Xét nghiệm này nhằm đánh giá chính xác khối bướu là lành tính hay ác tính.
- Chụp tuyến giáp: Với xét nghiệm này, thuốc nhuộm phóng xạ sẽ được đưa vào cơ thể người bệnh nhằm giúp các bác sĩ nhìn thấy hình ảnh tuyến giáp rõ ràng và tốt hơn. Trong trường bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nhuộm nào, bạn nên cho bác sĩ biết trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn nhé!
5. Làm thế nào để điều trị, đẩy lùi bướu cổ?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những hướng điều trị phù hợp, bao gồm: Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc), sử dụng iốt phóng xạ và phẫu thuật.
- Bướu cổ lành tính: Bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp tăng cường chức năng tuyến giáp, tăng cường sức đề kháng, cũng như bổ sung lượng iốt cần thiết, làm tiêu dần khối bướu và hạn chế tình trạng bệnh tái phát. Trong trường hợp bướu quá lớn, gây chèn ép hoặc gây biến chứng thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định phương án phẫu thuật có thể được lựa chọn.
- Bướu cổ cường giáp: Người bệnh thường được cho uống iod phóng xạ, iod sẽ theo máu đến tuyến giáp để phá hủy tế bào, từ đó giúp giảm kích thước khối bướu sau 12-18 tháng.
- Bướu cổ ác tính: Bệnh nhân mắc phải bướu cổ ác tính thường được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp. Thông thường, phương pháp phẫu thuật sẽ chỉ định khi người bệnh không thể dùng thuốc hoặc khi kích thước của khối bướu to gây chèn ép lên khí quản, thực quản khiến người bệnh khó nuốt hoặc khó thở.
Sau khi phẫu thuật một số trường hợp sẽ bị khàn tiếng, để biết chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này bệnh bác nên tái khám theo lịch tại chuyên khoa tai - mũi - họng. Tùy nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Ngoài ra, để tránh khàn tiếng, người bệnh nên tránh nói nhiều, tránh nói to hoặc gào to, súc miệng khò họng nước muối hàng ngày, giữ ấm vùng cổ, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc để viêm nhiễm vùng hầu họng thanh quản…
6. Mách bạn cách bổ sung dinh dưỡng để phòng bệnh bướu cổ hiệu quả
Như đã chia sẻ, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bướu cổ là tình trạng thiếu iốt trong thức ăn và nước uống. Vì thế, để phòng ngừa bệnh bướu cổ, bạn cần thực hiện các việc sau:
- Bổ sung nhóm thực phẩm giàu iốt: Nhu cầu iốt để tuyến giáp hoạt động ở người bình thường là 200 - 300mcg/ngày. bạn có thể bổ sung i ốt bằng cách ăn cân bằng và điều độ các loại thực phẩm như: Muối hạt, nước mắm từ cá biển, cá tươi, rau cải xoong, trứng, dưa chuột, rau dền, khoai tây, đỗ các loại, thịt ba chỉ.
Sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong ăn uống, chế biến thức ăn hàng ngày là cách phòng ngừa bệnh bướu cổ hiệu quả - (Ảnh:terve) |
Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản và chế biến, lượng iốt có trong những thực phẩm này có thể bị hao hụt. Vì thế, chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến khích người dân nên bổ sung muối iốt vào chế độ ăn hàng ngày. Ngoài ra cần tuân thủ một số lưu ý sau để giảm lượng hao hụt iốt trong quá trình bảo quản và chế biến: Muối iốt không nên phơi nắng, rang nóng, vì như thế sẽ làm giảm tác dụng của muối; Muối iốt cũng không nên dự trữ quá 6 tháng, khi nấu bạn nên cho vào thức ăn rồi bắc xuống bếp ngay...
- Thực đơn hàng ngày cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm. Trong đó bao gồm: nhóm thực phẩm (gạo, mì, ngô, khoai củ); Nhóm thực phẩm giàu đạm (trứng, thịt, tôm, cá, đậu đỗ, vừng, lạc…); Nhóm thực phẩm giàu chất béo (mỡ, bơ, dầu thực vật); Nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (rau quả, trái cây).
- Với bệnh nhân mắc bệnh bướu cổ, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng theo những nguyên tắc trên cần lưu ý thêm rằng: Có thể dùng các loại dầu iốt theo chỉ định của bác sĩ; Tránh bổ sung các loại thức ăn có tính kích thích, các loại rượu; Tránh ăn cải củ hoặc các loại quả như cam, quýt, táo, lê, nho, vì trong những hoa quả này có chứa chất flavon, khi vào cơ thể flavon sẽ bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành axit glycero benzoic và axit ferulic làm ức chế chức năng tuyến giáp trạng, khiến bệnh bướu cổ thêm nặng.
Tóm lại, bệnh bướu cổ hầu hết là bệnh lành tính và tỷ lệ khỏi bệnh khá cao. Vì thế, nếu bạn phát hiện thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường như bài viết vừa chia sẻ thì bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhé!
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tinChủ đề liên quan: