Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh do rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi hormon insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Bệnh nhân bị ĐTĐ nếu ăn uống, dinh dưỡng tốt, hợp lý thì bệnh sẽ thuyên giảm được rất nhiều. Trong khẩu phần ăn, nên tăng cường chất xơ (20g chất xơ/ngày). Chất xơ có tác dụng giảm nguy cơ tăng đường huyết sau ăn, giảm cholesterol và chống táo bón. Bên cạnh đó, cần bổ sung chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất (khoảng 300-500g rau/ngày), chú ý nên dùng các loại rau quả tươi.
Bệnh nhân ĐTĐ cần phải uống đủ nước, ăn uống điều độ, đúng giờ, không được để quá đói, cũng không nên ăn quá no. Khi chọn thực phẩm cho bệnh nhân cũng phải lưu ý chỉ số đường trong thực phẩm, vì thế nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Các loại thức ăn được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, tiềm, nấu canh chứa ít chất độc hơn các loại chế biến ở nhiệt độ cao như xào, chiên, đặc biệt là chiên giòn. Bệnh nhân ĐTĐ hạn chế dùng đường, bánh, kẹo... ở mức thấp nhất, nhưng không vì thế mà kiêng sữa vì sữa là thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nhiều protein và các acid amin cần thiết rất tốt cho bệnh nhân ĐTĐ.
Đối với bố bạn, nếu tuân thủ chế độ ăn như trên, không nhất thiết phải bổ sung vitamin trừ khi đi khám sau khi được xác định bị thiếu chất, bệnh nhân mới cần dùng các chế phẩm bổ sung.