12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

“Bệnh tưởng” - Bệnh giả dễ thành bệnh thật

Nhiều người không có bệnh nhưng cứ nghĩ mình mắc bệnh thật. Với suy nghĩ này lâu ngày bệnh giả sẽ dễ dẫn đến thành bệnh thật.

Vừa đi thăm một người quen cùng khu phố về, chị Trần Thị Tuyết, 45 tuổi (Cửa Bắc, Hà Nội) ủ rũ: “Đấy, phận người mong manh, bà ấy trông khỏe mạnh thế ai ngờ đùng cái đã chờ chết. Biết đâu đùng một cái mình cũng ngã vật ra và thế là bác sỹ kết luận ung thư gan…”.

Mấy ngày sau, thỉnh thoảng chị Tuyết lại đứng trước gương, hết nhìn kỹ, ghé sát rồi lẩm bẩm: “Da mình vàng hơn thì phải” rồi ỉu xìu lo lắng. Chồng chị động viên: “Đừng lo, da hồng hào hơn ngày trước chứ không vàng đâu mà sợ”.

Nghe thế chị Tuyết lại chuyển giọng: “Da em hồng hào hơn trước à. Nhiều người nói thời gian ủ bệnh người ta dễ xinh đẹp hơn rồi sẽ đột ngột tuột dốc bất ngờ. Anh nhớ bà ngoại không, ai cũng khen tự dưng béo đẹp ra, thế mà ba tháng sau phát hiện bị ung thư vú”. Nghe đến đây chồng chị chỉ còn biết im lặng, nếu không thì chị sẽ tiếp tục than vãn cho đến lúc lên giường ngủ!

Từ đó, hễ đọc bài báo nào, xem bản tin truyền hình gì có nói về bệnh tật là chị liên tưởng ngay đến bản thân. Ngày trước chị cũng thỉnh thoảng nhắc chồng: “Mình chịu khó xem các chương trình này để biết phòng bệnh sớm”. Nhưng bây giờ thì chồng chị đã phát sợ vì trí tưởng tượng của chị.

Ảnh minh họa

Tưởng nhiều dễ thành thật

BS. Trần Đình Hoàng (Tạp chí Y học của Hội người Việt tại Úc) cho rằng: “Trong chúng ta, ai cũng đôi lúc bị một cơn bệnh tưởng thoáng qua. Nhưng một số người thì sự tưởng tượng, ám thị đó kéo dài, triền miên dễ phát triển thành một chứng bệnh tâm thần”.

Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cho đây là tình trạng rối loạn nghi bệnh, nó nằm trong các chứng bệnh rối loạn lo âu hay còn gọi là bệnh tưởng. WHO đã điều tra trên 25.000 người ở 14 quốc gia thì có tới 14% người bị chứng rối loạn lo âu này. Đặc biệt chứng này hay mắc phải ở người trung niên vì khi đó sức khỏe yếu dần, người ta không còn “đặc quyền chủ quan” của tuổi trẻ thành ra rất sợ chết.

Ngoài những rắc rối về mặt tâm thần, các chuyên gia còn cảnh báo những trường hợp hay tưởng tượng như chị Tuyết rất dễ khiến người ta rước bệnh thật vào mình. Gufeland (Bác sĩ người Đức) đã từng nhận định rằng: “Mỗi bộ phận trên cơ thể người đều bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ cảm xúc tù chính bản thân mỗi người”.

Bởi thế thái độ tiêu cực sẽ tạo nên hệ lụy dây chuyền: tưởng tượng dẫn đến lo âu thái quá làm họ bất an, ảnh hưởng tim mạch, hệ thần kinh, đau đầu mất ngủ, không tập trung làm việc, không tin tưởng vào mình… Đồng thời khi chúng ta lo lắng, sợ hãi thì gene đưa lên não thông tin sai lệch nên khả năng tự khôi phục của cơ thể cũng dễ bị hủy diệt khiến bệnh tật phát sinh.

Như vậy rõ ràng một chút lo lắng sẽ giúp người ta cẩn thận hơn, sống lành mạnh hơn. Nhưng liên tục triền miên lo lắng thái quá thì sẽ làm cho thể chất họ yếu đi, rước bệnh thật về và dù không bị tim hay huyết áp thì lâu ngày những ý nghĩ đó đã tổng hợp thành một bệnh tâm thần.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh tưởng

1. Biểu hiện tinh thần

- Lo lắng không ngừng, hay mất kiểm soát vào bản thân và cảm tưởng như là mình sắp bị điên.

- Luôn ám ảnh về cái chết.

- Xuất hiện thường xuyên những cảm giác buồn chán, bi quan về sức khỏe, tương lai, mặc cảm tự ti...

2. Biểu hiện thể xác

- Bệnh nhân cảm giác tim mình đập rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay, cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, hay trong người mình tê cóng... cảm giác rùng mình, hoặc nóng bừng trong người sắp chết…

- Thường có cảm giác như là có người bóp cổ mình, thấy đau ở ngực hoặc không thoải mái ở vùng ngực; buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng,

- Thường cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như là sắp sửa đột quỵ.

3. Biểu hiện qua giao tiếp

- Hoặc luôn tỏ thái độ ơ hờ với mọi người hoặc liên tục ca thán về tình cảnh bi thảm của mình.

- Trong giao tiếp luôn thích lái người nghe sang câu chuyện bệnh tật mình đang mất phải.

- Không cởi mở, hay cáu giận và ngại giao tiếp với người mới quen.

Bệnh sẽ nặng hơn khi:

Những biểu hiện của chứng rối loạn lo âu này thường xảy ra khi người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý trong cuộc sống của họ ví dụ như phải đi xa nhà, ly hôn, người thân chết hoặc sau những sự kiện không may xảy ra với mình như là tai nạn giao thông, hoặc một bệnh lý nặng xảy ra với người thân của mình như là ung thư dạ dày, u não... và bệnh nhân lo lắng là mình có thể cũng bị những bệnh nặng như vậy.

Làm sao để tránh bệnh tưởng?

- Hãy đi khám bệnh khi thấy có triệu chứng không bình thường về sức khỏe. Khi đã đi khám bác sĩ thì đừng cố tưởng tượng thêm những bệnh tật hiểm nghèo đang vây hãm mình.

- Khi thấy người xung quanh có vẻ than phiền về sự quá lo lắng về sức khỏe đến mức “lẩm cẩm” của mình, bạn hãy đến gặp bác sĩ tâm lý xem mình có bị… hoang tưởng.

- Hãy nhớ con số 6 tháng: Nếu thấy mình luôn ám ảnh đang hoặc bị bệnh trong vòng 6 tháng liền thì hãy đi khám. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân mà còn gây phiền toái cho người xung quanh.

Bạn có biết?

- Những người lạc quan sẽ sống trung bình lâu hơn 7,5 năm so với những người bi quan, nguy cơ bị bệnh cũng giảm 55%.

- Rối loạn lo âu sẽ làm tăng gấp 3 lần nguy cơ huyết áp cao. Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Northern Arizona (Mỹ).

- 75% bệnh tật thuyên giảm là do cơ chế tự điểu chỉnh của cơ thể, 25% còn lại mới cần can thiệp bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Đó là khẳng định của giới y khoa Nhật Bản. Bạn hoài nghi về tuyên bố này?! Vậy hãy thử trả lời câu hỏi “Vì sao dân số Nhật vẫn thọ hàng đầu thế giới?”.

Đức Thành

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/benh-tuong--benh-gia-de-thanh-benh-that-19135/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY