Ngày 8/2, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP HCM cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM gấp rút hoàn thành các khâu chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến ở ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
6 toà nhà thuộc trường huấn luyện của Bộ Tư lệnh Thành phố được chuyển thành Bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường. Ảnh do Sở Y tế TP HCM cung cấp. |
Bệnh viện được triển khai xây dựng từ ngày 4/2, hoàn thành sớm hơn dự kiến một ngày. Giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh điều động.
Sở Y tế TP HCM đã xây dựng kế hoạch cử nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện thành phố và bệnh viện quận, huyện sẽ cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến, tùy vào tình hình diễn tiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Do vị trí gần, Bệnh viện huyện Củ Chi hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong giai đoạn đầu mới triển khai. Sở Y tế cũng đã điều động xe chụp X-quang di động lên phục vụ Bệnh viện dã chiến trong khi chờ mua thiết bị mới.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM vận chuyển giường bệnh mới của bệnh viện lên cung cấp cho Bệnh viện dã chiến. Ảnh do Sở Y tế TP HCM cung cấp. |
Bệnh viện dã chiến xây dựng theo chỉ đạo của UBND TP HCM để tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Khi số ca viêm phổi cùng một thời điểm ở thành phố hơn 500, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế, bệnh viện dã chiến sẽ được sử dụng để tiếp nhận, theo dõi chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ cũng như bệnh nhân.
Bệnh viện trang bị các trang thiết bị như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương... Dự trù trang thiết bị y tế, Thu*c, vật tư y tế thiết yếu của bệnh viện dã chiến khoảng hơn 255 tỷ đồng.
Chủ đề liên quan:
bệnh viện bệnh viện dã chiến bệnh viện dã chiến tại TP HCM chống dịch Corona dã chiến dịch viêm phổi Vũ Hán virus corona