Theo đó, bệnh nhân Lê Phước K. (30 tuổi, ngụ xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mắc bệnh lý Brugada di truyền. Khi đang chơi bóng đá, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tim dẫn tới hôn mê.
Nhờ được đồng đội cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực ngay trên sân bóng, sau đó đưa vào Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam), tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng rối loạn không ngừng.
Bệnh nhân Lê Phước K. đang được theo dõi tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh do BV Đà nẵng cung cấp) |
Sau 40 phút kể từ khi ngừng thở, bệnh nhân Lê Phước K. được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng. Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu. Chẩn đoán ngay sau đó cho thấy bệnh nhân này đã ngưng tuần hoàn ngoại viện.
Lập tức, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, dùng Thu*c an thần, điều trị thở máy, tuy nhiên bệnh nhân K. vẫn hôn mê do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn. Trước tình trạng khẩn cấp đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc đã xin ý kiến TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng và tiến hành áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân.
Đây là lần đầu tiên, bệnh nhân không ECMO được kiểm soát thân nhiệt chủ động. Các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt của bệnh nhân xuống còn 33 độ C, đưa bệnh nhân vào trạng thái ngủ đông. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ, nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ C trong một giờ cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống sẽ giảm chuyển hóa, giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó hỗ trợ tế bào não hồi phục.
Sau 3 ngày kiểm soát nhiệt độ cùng với điều chỉnh những rối loạn nhịp tim và huyết áp, bệnh nhân dần bắt đầu mở mắt, chớp mắt và cử động được. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, giao tiếp tốt, ăn uống được, phục hồi vận động, không có bất cứ di chứng thần kinh và đang được theo dõi tại khoa Nội tim mạch, bệnh viện Đà Nẵng.
Ths. Bs Nguyễn Tấn Hùng (khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng), người trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân K. cho biết, việc ngừng tuần hoàn trước khi vào viện và hồi phục hoàn toàn như trường hợp bệnh nhân K. là vô cùng may mắn. Bởi bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và được đưa vào viện ngay sau 40 phút cùng với việc kịp thời áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt đã giúp cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục.
Cũng theo bác sĩ Hùng, tình trạng ngừng thở, ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới Tu vong. Với bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn một thời gian dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng rất thấp do não và các cơ quan đã tổn thương nặng. Hoặc nếu được cứu sống thì bệnh nhân có thể bị di chứng não rất nặng nề như mất trí nhớ, liệt, co giật, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).
“Nhờ kịp thời áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong khoảng thời gian “vàng” mà bệnh nhân ngừng tuần hoàn sẽ có nhiều cơ hội sống, tăng khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn như trường hợp của bệnh nhân K. là một điển hình” - Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng cho biết thêm.
Theo TS.BS Lê Đức Nhân, kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và hiện triển khai chủ yếu ở một số bệnh viện tuyến trung ương. Tại miền Trung, vẫn chưa có bệnh viện nào áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt. Và đây là lần đầu tiên ở miền Trung, kỹ thuật này được áp dụng thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Hiện bệnh nhân Lê Phước K. đang được theo dõi tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Để bảo đảm không tái diễn tình trạng ngừng tim đột ngột, bệnh nhân K. cần đặt máy ICD, chi phí lên tới 250 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân rất khó khăn, không đủ điều kiện chi trả. Qua tìm hiểu của Bệnh viện Đà Nẵng, hiện bệnh nhân K là trụ cột gia đình, sống cùng vợ và mẹ. Anh làm nghề pha chế cho công ty nước giải khát, vợ làm giáo viên mầm non và đang có thai 03 tháng. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Cô Võ Thị Lý (mẹ anh K): 0909137285. |
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân bệnh nhân ngừng tuần hoàn bệnh viện bệnh viện đà nẵng cứu sống cứu sống bệnh nhân đà nẵng điện bàn hạ thân nhiệt kỹ thuật Lê Đức Nhân miền trung ngừng tuần hoàn quảng nam thân nhiệt tuần hoàn