Ơ hay, nhìn thấy bố về mà con mình lại lấm la lấm lét, đưa tay quệt nước mắt rồi rúc mặt vào người mẹ. Đang bị mẹ ép ăn, con nhà khác sẽ chạy ngay ra cầu cứu bố, con mình thì không. Chắc tại mình tham công tiếc việc, về muộn nên con trách. Mình phải tự làm thân với chúng trước: “Nào con trai, cho bố ăn với”. Tưởng cu cậu sẽ cười, nào ngờ thêm sợ hãi. Thôi, mình rút lui, vào với con gái lớn: “Con gái đâu, hôm nay ở trường học gì nào?”. Con gái chạy ra: “Hôm nay cô cho con điểm mười”. Mình vỗ tay: “Giỏi, con thông minh giống mẹ, cu Tít sau này cũng giỏi như chị. Bố thưởng, hai đứa thích gì nào” (đánh tiếng để “nịnh” vợ, động viên con, xua tan không khí đang nặng nề trên bát cơm của thằng cu).
Nhưng không thấy tiếng cười hưởng ứng nào, mà bất chợt, con gái liền hỏi: “Bố ơi, nếu con được điểm kém bố có đánh con không?”. Mình chột dạ, sao con nói thế? Con bé lấm lét thì thầm: “Khi nãy mẹ bảo, con không chịu học bài, điểm kém thì bố đánh, cu Tít không chịu ăn thì bố phạt cả ba mẹ con”. Mình quay nhanh nhìn lại cu Tít, nó đang ngậm cơm trong miệng liền vội vàng nhai rồi quay đi không nhìn bố. Hóa ra là các con đang sợ mình!
Trời! Sao vợ lại dọa nạt bọn trẻ như thế, ly gián tình cha con, mang đến cho chúng đầy nỗi đe dọa từ tình thân. Anh bỗng dưng như bị ai tát mạnh vào mặt. Từ khi nào, anh trở thành “ngáo ộp” em nhỉ? Vợ à, em chú ý ánh mắt con lấm lét thì sẽ hiểu anh đau lòng thế nào. Làm cha mà để các con ghê sợ thì rõ ràng thất bại!
Từ hôm ấy, anh chú ý hơn những lời em dạy bọn trẻ. Hầu như câu nào cáu gắt của em cũng lôi anh vào cuộc: “Tránh xa cái bình đó ra, chúng mày mà làm vỡ thì bố đánh chết thôi!” hoặc “Không nghe lời thì mẹ mặc kệ, để bố biết thì đừng có van xin”. Hay: “Con phải nói thành thật với mẹ, để đến lượt bố hỏi thì không ai tha cho con được đâu”…
Anh thấy cơ mặt mình cứng đờ, em đã tạo hình anh thành một ông chủ nhà gia trưởng, lộng quyền và đầy dữ tợn chứ không phải là cha của các con nữa. Cứ liên tục nghe những lời ấy, liệu chúng còn nghĩ được về người cha đầy tình yêu được không? Vợ bảo “anh không xấu sợ gì con ghét”, “trẻ con quên nhanh” nhưng anh lo kiếm tiền, ít có thời gian để tắm táp, cho con ăn nên những lời em nói với con rất dễ khiến chúng nghĩ là thật! Khi các con nghĩ về anh như thế, liệu chúng có thể tự hào khoe với bạn bè? Chúng sợ sệt như thế thì có thể dễ dàng bày tỏ những khúc mắc trong lòng cho chúng ta biết để kịp thời dạy dỗ không?
Hôm nay anh đi đón Tít, mặt nó sợ hãi, không vui mừng như chúng bạn có bố đến đón. Em biết không, vì cu Tít hôm nay đã xô bạn ngã. Thấy anh đón thay em, nó sợ sẽ bị đánh ngay lập tức, nó cứ mếu máo “Sao hôm nay mẹ không đón con?”. Anh buồn quá!
Anh không tự xây dựng được hình ảnh một người cha tốt trong mắt con nếu không có sự giúp đỡ của em. Anh muốn em và con tôn trọng mình chứ không phải là sợ một thế lực nào đó!
Vợ: Em nương vào cái uy của anh chứ đâu nghĩ biến anh thành “ngáo ộp” để tranh vị trí “được yêu nhất” trong tim các con.
Công việc của chồng lúc nào cũng “ngập đầu”, vì anh muốn lo cho vợ con sung túc nên không khi nào trách hay buồn phiền. Trong khi đó hai đứa bé suốt ngày mè nheo. Em sợ lúc chồng về thấy con hư, nhõng nhẽo, anh lại cáu gắt, lại bực bội rằng “mẹ con không bảo được nhau”. Vì thế lúc nào em cũng muốn chúng vào khuôn phép, phải nể sợ một điều gì đó để ngoan ngoãn nghe lời.
Dường như những lời trách mắng, ánh mắt nghiêm nghị của em không khiến chúng sợ. Lúc ấy, em phải lấy cái uy của anh ra để răn dạy con. Hình ảnh người đàn ông bao giờ cũng có sức mạnh, khiến chúng phải dè chừng khi nũng nịu không chịu ăn, ngậm chặt miệng không chịu uống thuốc. Đánh vật với hai đứa trẻ, em cảm giác kiệt sức và thấy bất lực, nhất là khi con không nghe lời. Nhắc đến chồng cũng là để chúng biết vị trí của anh trong gia đình, là một mẫu mực nghiêm khắc.
Trẻ con chúng biết gì đâu, sau đó sẽ quên ngay thôi. Mục đích cuối cùng của em là để con ngoan ngoãn, để anh về nhà không phải đau đầu. Em cũng muốn con hiểu rằng làm gì thì cũng phải có ý kiến của người lớn, gia đình phải có nề nếp, lớn lên đi đâu, làm gì chúng cũng có một điều gì đó để sợ, để phải đắn đo đôi chút về những việc không nên làm.
Vậy mà anh suy nghĩ sâu xa thế, nào là ly gián, nào là chia rẽ tình cha con. Đâu phải chúng ta sắp ly hôn, muốn toàn quyền nuôi con mà em làm kế ly gián cha con anh. Có phải vợ ghét chồng đâu mà lại “nói xấu” anh để được là vị trí số một trong tim các con.
Khi về nhà, anh biết giành thời gian buổi tối cho chúng, hỏi han con về việc ở trường thì làm sao chúng xa lánh anh. Lúc ấy những lời “dọa” của em chỉ dọa được tức thời thôi. Cuối tuần, anh đưa chúng đi chơi, những ngày lễ không quên mua quà, không quát nạt, cáu gắt thì hình ảnh anh không thể xấu được. Lớn lên, thấy anh toàn tâm với mẹ con em thì bọn trẻ sẽ hiểu cha là người giàu tình cảm nhưng cực kỳ nghiêm khắc, cứng rắn, không thể “lờn” được. Phụ nữ dẫu có nói cứng thế nào thì dường như vẫn không thể trở thành một biểu tượng uy lực được. Vì vậy, em muốn “dựa” vào anh. Anh đang đẩy vấn đề lên phức tạp đấy!
Hôm nay, con gái lớn đi học về, mặt ỉu xìu. Cô giáo nhắc nhở con ngủ gật trên lớp và không trả lời được câu hỏi của cô. Nhưng vì biết hôm trước con cảm cúm, buồn ngủ do thuốc nên em không trách chỉ nhắc nhở. Vậy mà cả đường về nhà, nó cứ nhắc đi nhắc lại một lời: “Mẹ ơi, bố có đánh vì con ngủ gật không?”. Đến khi thông báo bố đi công tác thì con gái reo lên: “Vậy là bố sẽ không thể phạt con được hả mẹ, hoan hô!”. Lúc về nhà, cu Tít không chịu ăn cơm, đòi bim bim, con chị hỏi mẹ: “May mà bố đi công tác, không thì Tít sẽ bị ăn đòn, phải không mẹ…”. Tít vừa khóc vừa nói: “Bố còn lâu mới về, phải không mẹ?”
Giật mình… Vợ sai rồi, vợ xin lỗi chồng! Em sẽ nói với con rằng, bố không đánh nhưng rất buồn khi các con không nghe lời. Em gọi cho chồng, anh hãy nói chuyện với các con nhé, anh công tác về, chắc chắn hai đứa sẽ đứng đón anh từ cổng đấy!
Như Bình
Chủ đề liên quan: