12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ tiểu đường

(SKGĐ) “Ăn sáng giống như vua, ăn trưa giống như hoàng tử và bữa tối như một người ăn xin” là quan điểm dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít người chưa quan tâm đúng tới bữa sáng, thậm chí là bỏ qua bữa ăn quan trọng nhất trong ngày này.

Ăn sáng giảm nguy cơ đái tháo đường

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế Cộng đồng Minnesota (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 5.000 người trong vòng 18 năm. Những người này không bị đái tháo đường khi bắt đầu tham gia nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy những người ăn sáng thường xuyên (ít nhất 6 lần/tuần) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn 34%, khả năng bị béo phì thấp hơn 43% và bị béo bụng thấp hơn 40% khi so với những người ít ăn sáng (dưới 3 lần/tuần).

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế Cộng đồng, Đại chọ Harvard (Mỹ): Những người đàn ông khỏe mạnh nhưng nếu bỏ ăn sáng trong thời gian dài cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 21% so với những người ăn sáng đầy đủ. Ăn sáng cũng được chứng minh là làm giảm các cholesterol xấu có khả năng làm tắc nghẽn động mạch quanh tim. Bên cạnh đó, những người không ăn sáng thì khi đói họ cũng có thể tìm đến các loại thực phẩm có đường làm do lượng đường dung nạp vào cơ thể tăng lên.

Một nghiên cứu gần đây của Úc cũng chứng minh rằng: Những người bỏ qua bữa sáng có thể bị giảm đột ngột lượng đường trong máu vào cuối buổi sáng, khiến họ tìm đến những thực phẩm có đường để bù vào. Điều này dẫn đến sự gia tăng đột ngột lượng đường trong máu và lúc này sẽ khiến insulin bị kích thích quá mức. Tình trạng insulin dư thừa cũng được cho là thúc đẩy việc lưu trữ mỡ nội tạng, là loại nguy hiểm tập hợp xung quanh các cơ quan trong ổ bụng.

Bên cạnh đó, TS. Ibukunolu Oluwaseye (Giám đốc điều hành Tổ chức y tế Excellence Health Foundation) cũng từng khẳng định rằng những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2. Bởi hormone insulin có trách nhiệm xử lý lượng đường trong máu được tiết ra chủ yếu vào buổi sáng. Nếu bạn thường xuyên bỏ bữa sáng thì sự bài tiết của insulin không được khuyến khích. Điều này khiến insulin được tiết ra ngày càng ít và có thể dẫn tới ngừng sản xuất insulin. Khi đó sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Kiểm soát đường huyết với bữa sáng

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, điều quan trọng trong quản lý bệnh không chỉ là hạ thấp lượng đường trong máu đến ngưỡng bình thường mà còn phải duy trì lượng đường trong máu ổn định.

Nếu người bệnh đái tháo đường mà không ăn sáng thì sẽ càng khó cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, do qua một đêm nhịn đói thì lượng đường trong máu đã xuống thấp, dù khi ăn sáng nó sẽ khiến cho đường trong máu tăng lên nhưng đồng thời nó cũng giúp duy trì tình trạng này suốt cả ngày.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Jennifer Regester (Viện Đái tháo đường Friedman tại Trung tâm Y tế Beth Israel, New York, Mỹ): Nhiều người bệnh đái tháo đường có quan điểm bỏ bữa ăn sáng để kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, hành động này giúp cho lượng đường trong máu của họ xuống quá thấp và sau đó họ cảm thấy đói, họ sẽ có xu hướng ăn nhiều vào buổi trưa và buổi tối. Điều này gây ra sự tăng đột biến lượng đường trong máu. Vì vậy, theo Regester thì tốt hơn hết là người bệnh nên ăn đầy đủ trong bữa ăn sáng.

Nếu người bệnh thức dậy vào buổi sáng với tỉ lệ đường trong máu đã cao thì họ vẫn nên duy trì bữa sáng nhưng có thể giảm bớt protein trong khẩu phần ăn.

Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ

Trao đổi về thông tin bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2 với PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bà khẳng định điều này là đúng. Theo PGS.TS Lâm thì bỏ bữa sáng sẽ làm rối loạn chuyển hóa và sẽ gây nên nguy cơ nói trên.

Trong thói quen ăn uống của người Việt thường coi bữa ăn sáng là phụ, nên nhiều người ít ăn sáng, thậm chí là bỏ bữa sáng, thay vào đó là ăn nhiều vào bữa trưa và bữa tối. Nhiều người vì công việc bận rộn cũng bỏ quên bữa ăn này.

Việc phân bố bữa ăn mất cân bằng này cộng với thói quen ăn các loại thực phẩm nhiều năng lượng, ít rau quả… khiến cho tỉ lệ người thừa cân béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam ở tình trạng đáng báo động. Nếu lấy ngưỡng thừa cân béo phì cho người châu Á theo ngưỡng mà Hiệp hội người đái tháo đường châu Á đưa ra là BMI > 23 thì tỉ lệ người Việt Nam thừa cân béo phì là 26%. Trong khi đó thừa cân béo phì chính là yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như tim mạch, huyết áp cao, một số bệnh ung thư…

Theo PGS Lâm thì bữa sáng nên ăn từ 15-20% lượng thực phẩm trong ngày, bữa trưa là 30-35%, bữa tối khoảng 30%.

Thực phẩm cho bữa sáng nên là những thức ăn dễ tiêu hóa như trứng, sữa, rau quả tươi, nước hoa quả… Chế độ ăn nên cân bằng bốn nhóm dưỡng chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất để đảm bảo cho cơ thể khởi động tốt nhất.

Cũng đề cập đến việc lựa chọn thực phẩm cho bữa sáng, TS. Iain Frame (Giám đốc viện nghiên cứu đái tháo đường Anh) cho biết, các loại thực phẩm cho bữa ăn sáng cũng rất quan trọng. Ông cho rằng, duy trì ba bữa ăn trong ngày lành mạnh và cân bằng là tốt cho sức khỏe của bạn. “Chúng tôi đề nghị một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, giàu trái cây và rau quả, ít đường, muối, chất béo, chế độ này áp dụng cho tất cả các bữa ăn sáng và các bữa ăn chính khác” – ông nói.

Bạn nên biết

- Triệu chứng chính của bệnh tiểu đường như đi tiểu nhiều lần, khát nước, cảm giác nóng rát, nhìn mờ, suy nhược tình dục, chân sưng lên, mất cảm giác ngon miệng và đói quá mức…

- Tính chung cả nước, tỉ lệ người cần chế độ ăn dự phòng đái tháo đường là 20%.

– Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/bo-bua-sang-lam-tang-nguy-co-tieu-duong-15485/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY