Khi bố chồng gia trưởng
Được tiếng là ông bố gia trưởng ngay cả với vợ và các con đẻ nên khi có con dâu về ông Tám ở (Q.5. Tp.HCM) vẫn “giữ” được cái tiếng đó. Ông lên kế hoạch công việc gia đình mà con dâu phải làm trước và sau khi ở cơ quan về. Mặc dù ở phố xá nhưng ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn cứ 5h sáng là cô con dâu phải dậy đun nước, rửa ấm chén pha trà. Sau đó lau nhà, dọn rửa nhà vệ sinh để ông dậy rửa mặt, chân tay và phải nấu ăn sáng cho cả nhà...
Ông Tám còn quan niệm, việc nhà là dành cho phụ nữ, đàn ông không phải “đụng chân đụng tay” vào bất cứ thứ gì, đàn ông đi làm về là có vợ con “cơm bưng nước rót” đến tận nơi. Chị Mai, con dâu ông nhiều lúc mệt mỏi định nhờ chồng rửa bát, nấu cơm, hay làm cái này cái kia, nhưng chị lại sợ bố nhìn thấy nên không dám nhờ, mà có nhờ chồng cũng bảo để bố nhìn thấy thì “chết” cả anh và em. Đâm ra chị Mai cứ cặm cụi, âm thầm mà làm tất cả mọi việc mà không được sự giúp đỡ, chia sẻ của chồng. Nhiều khi cũng chán nản và mệt mỏi lắm, chị Mai đã tâm sự với tôi như vậy.
Ảnh minh họa |
“Nhà có hai mẹ chồng”
Còn ông Đăng (Q1. Tp.HCM) vốn là giám đốc của một doanh nghiệp nhà nước từ thời bao cấp, khi còn đương chức ông đã được tiếng là “bônsêvích”. Với ông làm gì và sống thế nào cũng phải có nguyên tắc và nguyên tắc đó vẫn được áp dụng khi ông nghỉ hưu. Ông bà sống cùng vợ chồng con trai út, con dâu ông tốt nghiệp đại học loại ưu nhưng ra trường đã lấy chồng luôn, và chỉ ở nhà chăm con khi hai cậu quý tử lần lượt ra đời.
Ở chung nhà, chị Hương, con dâu ông luôn sợ ông một phép, vì hơi một tí là ông “cằn nhằn”. Ông Đăng khó tính nên luôn để ý “từng li từng tí” từ chuyện to đến chuyện bé, từ việc đi đứng, ăn nói, trang phục, cho đến việc nội trợ của con dâu. Mọi thứ trong nhà, nhất nhất Hương phải theo lời ông không được cãi nửa lời.
Tuổi của ông Đăng lại xung khắc với tuổi con dâu, theo duy tâm người ta bảo Kim khắc Mộc nên không thể sống chung dưới một mái nhà. Những lúc có chén rượu vào, chỉ cần thức nhắm không vừa miệng một chút là ông nổi giận đùng đùng. Ông mượn hơi men mắng con trai là “đồ ngu như con lợn”, cái con Mai (người yêu cũ của con trai ông), đẹp người đẹp nết là thế, lại con nhà gia giáo thì không lấy, đi rước cái “đồ nhà quê, vụng thối vụng nát, người khô như que củi” về làm vợ, chỉ trông cái mặt nó đã ghét...
Khi con dâu cầm chịch
Ngược lại với ông Đăng, ông Huân là một bố chồng điềm đạm và rất thoáng trong cách cư xử với con cái. Ông Huân là người “quê” nên sống rất thật thà, đôn hậu. Chỉ có cậu con trai duy nhất nên vợ chồng ông phải lên sống cùng chúng nó, vừa để cha mẹ con cái sum vầy, lại vừa trông các cháu luôn.
Nhưng con dâu ông lại là con gái thành phố, sắc sảo và đáo để, nên vốn đã không muốn gây mất hòa khí trong nhà ông lại luôn cố gắng để thành một người cha mẫu mực. Nếu con dâu ông vì những bực dọc bên ngoài về nhà hay “đá thúng đụng nia” gây sự với chồng, ông cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo và tìm cách để không khí gia đình tốt hơn. Vì thế, ít khi hàng xóm thấy ông to tiếng hay quát nạt con dâu kể cả khi cô xấc xược hỗn láo.
Biết tính con dâu “ruột ngựa” nóng tính nhưng thật thà, không hay để bụng nên ông bà bỏ qua nhiều. Song, càng ngày cô càng không hiểu mà cứ bực tức cái gì là không kiềm chế được mình, cô nói, cô mắng, rồi vơ đũa cả nắm. Thấy con dâu quá quắt quá, một lần, không thể giữ bình tình được nữa, ông lên tiếng, dù chỉ một vài câu nhẹ nhàng:
- “Biết con đi làm mệt mỏi và nhiều ức chế, nhưng con có biết mọi người ở cái nhà này cũng đang phải chịu thay con tất cả những thứ đó không. Suy nghĩ rồi hãy nói, đừng để mọi thứ mất đi rồi mới thấy tiếc. Làm người, dễ có mấy khi…”.
Là người có học nên con dâu ông hiểu ra ngay. Cô im lặng, và kìm chế mình hơn, cô chịu khó nhìn và nhận ra nhiều điều, cô không sợ nhưng cô nể trọng ông. Và vì sự nể trọng đó, cô đã thay đổi.
Hoàng Thanh
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: