Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã áp dụng kỹ thuật y học tiên tiến vào điều trị thành công các ca bệnh khó, ngay cả bệnh viện huyện cũng được đầu tư triển khai ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị bệnh, đã khiến tỷ lệ người bệnh không vượt tuyến, ở lại địa phương điều trị ngày một cao.
Một số bệnh viện (BV) lớn ở TP Hồ Chí Minh khám từ 8.000-10.000 lượt mỗi ngày, nói như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chuyến thị sát một số BV ở TP Hồ Chí Minh, trên thế giới không BV nào có lượng bệnh nhân khám nhiều như thế. Quá tải BV không còn là câu chuyện mới. Và vì sao người bệnh lại đổ dồn lên tuyến trên, trong khi nhiều bệnh đơn giản hoàn toàn điều trị được ở tuyến dưới?
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), do trình độ bác sỹ vẫn có sự chênh lệch tuyến trên và tuyến dưới, dẫn đến việc người dân chỉ tin tưởng vào các bệnh viện tuyến trên. Do hành vi lựa chọn dịch vụ y tế của người dân, tâm lý người dân vẫn tin tưởng vào tuyến trên hơn tuyến dưới, điều kiện kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, đường sá giao thông thuận tiện, dù mắc bệnh nhẹ cũng khăn gói lên tuyến trên, mà người dân có nhu cầu thì tuyến trên cũng không thể không khám, chữa bệnh nên quá tải cũng khó tránh khỏi.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký QĐ số 92 năm 2013 ban hành Đề án giảm tải bệnh viện; Đề án cải tiến quy trình khám bệnh; Đề án bệnh viện vệ tinh; Đề án bác sĩ gia đình; Đề án 1816, Đề án nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... Bộ Y tế đã triển khai các đề án trên, nhiều giải pháp được đưa ra để giảm tải BV tuyến trên, kéo ngược người bệnh về tuyến dưới điều trị.
Ông Khuê nêu: Đánh giá một cách rất khách quan và công bằng thì có thể nói rằng, tình trạng nằm ghép hiện nay của năm 2019 so với 5,6 năm trước đây đã có sự chuyển biến hết sức rõ rệt. Điều này đã được các đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân ghi nhận. Những năm trước, năm nào Cục chúng tôi cũng phải trả lời các đại biểu câu hỏi này. Đến năm nay thì không còn câu hỏi về quá tải nữa.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện nay, hiệu quả từ mô hình BV vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65 - 100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các BV vệ tinh. Hiện đã xây dựng và hình thành 23 BV hạt nhân và 138 BV vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Các BV hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các BV vệ tinh; khoảng 85% số BV vệ tinh có xu hướng giảm chuyển tuyến.
Giám đốc BV Đa khoa (ĐK) Quảng Ninh Trịnh Văn Mạnh cho chúng tôi biết, năm 2019 BV triển khai thực hiện 133 kỹ thuật mới, trong đó có một số kỹ thuật tiêu biểu như: kết hợp dẫn lưu và sử dụng Thu*c tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất; can thiệp và lấy huyết khối trong bệnh lý đột quỵ não; nâng thân nhiệt chỉ huy, nội soi tán sỏi đường mật; đốt sóng cao tần điều trị các u tạng dưới hướng dẫn siêu âm… Chính vì vậy nhiều người dân tỉnh nhà đã tin tưởng ở lại điều trị, đặc biệt nhiều người nước ngoài đến Quảng Ninh làm việc, du lịch cũng chữa bệnh tại tỉnh nhà khi không may bị đau ốm. Đây là thành công bước đầu trong việc giữ chân bệnh nhân.
Một thành công nữa phải kể đến các ca phẫu thuật ung thư đã thực hiện thành công ngay tại tuyến tỉnh, kéo giảm bệnh nhân lên tuyến trên, giúp tuyến dưới giữ được chân người bệnh. GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, BV K đã có 17 BV vệ tinh, 11 BV tham gia dự án Norred, chỉ đạo tuyến cho 30 BV. Trong 5 năm, BV K đã đào tạo cho 2.972 lượt học viên, chuyển giao 291 lượt kỹ thuật cho các bệnh viện...
Kết quả nổi bật là một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao đã giúp cho các BV hoàn toàn có thể tự chủ làm được, có tỷ lệ giảm chuyển tuyến đến 100% như: Phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng. Hay minh chứng nổi bật cho sự thành công của Đề án BV vệ tinh như Bệnh viện K đã hỗ trợ BVĐK Phú Thọ từ chuyển tuyến hơn 70% nay đã chuyển tuyến dưới 1%; BVĐK Bắc Ninh tỷ lệ chuyển tuyến với bệnh nhân ung thư hiện khoảng 10%, trong khi trước đây đến 90%...
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết, nhiều BVĐK tỉnh đã làm được tim mạch can thiệp, điều trị cấp cứu đột quỵ não, đột quỵ tim mạch, nhiều BV đã mổ được tim hở, mổ nội soi, làm được thụ tinh trong ống nghiệm, ghép được tạng…
Bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào phẫu thuật các ca bệnh khó. |
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, mô hình bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, không chỉ dừng lại ở các BVĐK, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều BV tuyến huyện, nhiều mô hình BV chất lượng điển hình, thu hút người bệnh ở tuyến huyện như BVĐK huyện Mộc Châu, BVĐK Mường Khương, Lào Cai; Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu; BV Nga Sơn, Thanh Hóa; Mắt Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện phòng khám BV vệ tinh thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị.
Thông qua đề án BV vệ tinh, nhiều BV tuyến huyện đã được chuyển giao kỹ thuật cao, nâng cao uy tín và trình độ chuyên môn, thu hút người bệnh tại địa phương. Trong lĩnh vực sản nhi, nhiều BV tuyến huyện đã khám và điều trị cho phần lớn người dân địa phương. Bộ Y tế không ngừng củng cố, mở rộng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đưa bác sĩ trẻ về cơ sở, chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ngay tại cộng đồng.
Nhờ đó mà nhiều bệnh dịch mới, nguy hiểm đã được phát hiện, khống chế và đẩy lùi, không để dịch lớn xảy ra… Phương châm của ngành Y tế là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên việc phát triển BV tuyến huyện, y tế tuyến xã là để người dân được chăm sóc sức khỏe từ ban đầu, điều trị dự phòng, chứ không để khi có bệnh rồi mới chữa thì chi phí cao mà hiệu quả thấp.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của y tế cơ sở là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu BS giỏi, đặc biệt là tuyến huyện và tuyến xã. Ngay như một tỉnh có nền kinh tế phát triển như Quảng Ninh, cũng đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, để người dân yên tâm chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, bài toán bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cần thiết.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, hiện tại, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm cả quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Đề án này sẽ góp phần đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề chuyên môn cao cho từng tuyến.
“Trước mắt, đơn vị dự kiến sẽ trình Bộ trưởng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Sau khi có Đề án, các địa phương có thể tham khảo để áp dụng cho đơn vị mình”, ông Hưng nói.
Chủ đề liên quan:
bệnh viện tuyến Trung ương bổ sung chất lượng chất lượng bệnh viện chất lượng cao cơ sở nguồn nhân lực nguồn nhân lực chất lượng cao nhân lực nhân lực chất lượng cao