Vì sao sữa có “bợn”?
Dạo qua các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ trẻ, bạn sẽ thấy không ít những lời than phiền của các chị em “mình thấy sữa… có lắng cặn, có mẹ nào gặp giống mình không?”. Lời than phiền này không chỉ thấy ở một mà nhiều sản phẩm như Nan, XO, Karicare… Một thành viên có nickname là haanh09 trên diễn đàn webtretho lo lắng: “Hạt cứng thế, tiêu hóa sao được nên mình toàn gạn bỏ đi”. Và tất nhiên nhiều bà mẹ đã hồn nhiên như haanh09, gạn bỏ phần bợn sữa và lắng cặn để bảo đảm an toàn cho con. Nhưng sự lo lắng của các bà mẹ đã trở nên vô nghĩa và cách các mẹ yêu thương con đã vô tình gây thiệt thòi cho bé.
Sự thực sữa tươi là loại sữa có độ tan hoàn hảo, khi cô đặc để làm thành phần trong sữa công thức thì chúng không còn độ tan hoàn hảo nữa. Mặt khác quá trình cô đặc đã làm mất đi một số loại dinh dưỡng tự nhiên của sữa tươi nên các nhà sản xuất phải “bù đắp” và thêm vào nhiều phụ gia thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ như AHD, probiotics, calci, phosphor… Do đó độ tan không thể đảm bảo 100%. Đặc điểm của thành phần lắng cặn này là giống như loại cát mịn, chúng là những chất khó tan trong nước. Tuy nhiên chúng lại có thể tan trong dịch vị tiêu hóa. Thế nên chúng không phải phần tử gây hại hay gây táo bón cho bé. Hành động “gạn đục khơi trong” của các bà mẹ đã vô tình loại bỏ những thành phần dinh dưỡng quan trọng cho bé.
Điều gì ảnh hưởng tới độ tan?
Trong quy trình sản xuất sữa, nhà sản xuất sẽ có thông số về độ tan (tức là tỷ lệ thành phần không tan hợp lý sau khi pha). Nếu khi pha sữa mà thấy lắng cặn quá nhiều, vượt mức so với chỉ số của nhà sản xuất công bố thì nghĩa là chúng không đạt chuẩn. Tuy nhiên theo quy định về nhãn mác bao bì thì thông số này không phải ghi trên vỏ hộp nên đến nay nhiều người tiêu dùng vẫn tin rằng sữa là phải tan hoàn toàn. Trên thực tế không loại sữa nào đảm bảo con số lý tưởng đó. Các yếu tố trong quá trình pha cũng ảnh hưởng đến độ tan của sữa:
- Nhiệt độ nước: Nước quá nóng hay quá lạnh cũng làm cho sữa có bợn nhiều hơn. Nhiệt độ pha của mỗi loại sữa cũng không giống nhau vì vậy bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Lượng nước pha: Nếu pha sữa quá đặc cũng khiến các thành phần dinh dưỡng khó tan.
- Tốc độ và cách lắc bình sữa khi pha cũng ảnh hưởng đến tính tan này. Không nên lắc quá nhanh sẽ sinh bọt, lắc quá chậm thì khó tan.
Sau khi pha mà thấy không yên tâm về độ tan thì bạn nên gọi tới nhà sản xuất để được giải thích hoặc yêu cầu để biết thông số về độ tan của sữa.
Lưu ý: Khi dùng sữa nước đóng chai mà có ghi dòng chữ “Lắc đều trước khi uống”, bạn nên biết rằng câu nói đó có hàm ý tới độ tan. Lắc đều để độ hòa tan tốt hơn và cũng là để uống được cả các thành phần khó tan. |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: