Dinh dưỡng hôm nay

Là chuyên khoa nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống và xây dựng các chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng bệnh lý khác nhau, dựa trên sự phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Cung cấp các dịch vụ về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng: cung cấp chế độ ăn thường và chế độ ăn uống tuỳ theo bệnh lý cho các bệnh nhân điều trị nội trú, phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng, tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân,….

Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng

Các bà mẹ hiện đại đều không còn xa lạ với phương pháp vắt sữa, trữ sữa trong tủ lạnh. Có nguồn sữa trữ sẵn giúp bé luôn luôn có một lượng sữa thơm ngon kể cả khi mẹ đi vắng, bận việc, đi công tác. Để đảm bảo nguồn sữa dự trữ cho con đầy đủ, an toàn, không bị mất chất dinh dưỡng thì mẹ cần biết cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách.

Sữa mẹ có thể trữ trong tủ lạnh bao lâu?

Có nhiều mẹ thực hiện việc trữ sữa cho con trong tủ lạnh ngay từ giai đoạn đầu sau sinh. Có mẹ thì khi hết 6 tháng thai sản, quay trở lại công việc mới bắt đầu vắt sữa và trữ sữa. Phương pháp này hiện nay đã rất quen thuộc với các bà mẹ và cũng là biện pháp rất tốt để tích trữ nguồn sữa mẹ quý giá cho con.

Dù để trong tủ lạnh ngăn đông nhưng sữa mẹ cũng có “hạn sử dụng” nhé các mẹ. Vì chỉ trong một khoảng thời gian cho phép thì mới đảm bảo sữa mẹ còn đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo an toàn cho bé bú. Việc bảo quản sữa mẹ được lâu hay mau cũng còn phụ thuộc rất lớn và loại tủ lạnh mà các mẹ sử dụng để trữ sữa.

Sữa mẹ đã hút, đã vắt nếu chưa dùng ngày sẽ nhanh chóng bị hỏng trong nhiệt độ cao. Càng bảo quản ở nhiệt độ thấp thì sữa mẹ càng để được lâu hơn. Cụ thể:

- Trong nhiệt độ phòng lớn hơn 29 độ C: sữa mẹ chỉ để được tối đa là 1 giờ

- Ở nhiệt độ nhỏ hơn 26 độ C: sữa mẹ để được tối đa là 6 giờ

- Nếu mẹ sử dụng bình trữ sữa với túi đá khô: thời gian tối đa là 24 giờ

- Nếu cất sữa trong ngăn mát của tủ lạnh: thời gian tối đa là 48 giờ

- Nếu trữ sữa trong ngăn đông của tủ lạnh nhỏ (tủ 1 cánh – mini): tối đa là 2 tuần

- Nếu trữ sữa trong ngăn đông của tủ lạnh 2 cánh (ngăn đông có cửa riêng): thời gian tối đa là 3 tháng

- Nếu trữ sữa trong tủ đông chuyên dụng thì thời gian bảo quản sữa mẹ tối đa là 6 tháng.

Như vậy, tùy thuộc vào loại tủ lạnh mà gia đình bạn đang sử dụng mà bạn lưu ý về việc dự trữ sữa mẹ cho bé. Nếu quá thời gian cho phép, sữa mẹ không nên được sử dụng cho bé.

Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách

Nếu mẹ có dự định cho bé dùng sữa trong ngày hoặc vào ngày hôm sau thì sau khi vắt sữa mẹ có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Cách bảo quản sữa mẹ dùng trong ngày bằng ngăn mát tủ lạnh có thể giữ được sữa trong 24 giờ, tuy nhiên thì mẹ nên sử dụng cho bé càng sớm càng tốt.

Nếu như mẹ muốn bảo quản sữa lâu hơn thì nên cho sữa vào trong ngăn đông, ngăn đá. Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách được thực hiện theo các bước sau đây, các mẹ chú ý xem rằng mình đã thực hiện đúng chưa nhé:

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ vắt sữa, máy hút sữa, bình đựng sữa, khăn lau sữa, túi zip đựng sữa chuyên dụng.... Khử trùng sạch sẽ toàn bộ thiết bị trước khi sử dụng. Lau sạch bầu vú trước khi vắt sữa. Mẹ nhớ ghi chú ngày vắt sữa lên trên túi để sau này kiểm tra được thời gian sữa đã vắt xem còn hạn sử dụng hay không nhé.

Bước 2: Dùng máy hút sữa hoặc dụng cụ hút sữa để vắt sữa sạch vào bình. Chú ý, không dùng phần sữa đã vắt ra và bé bú còn thừa để trữ đông. Vì trong lúc bé bú, vi khuẩn từ miệng bé có thể đã xâm nhập vào trong phần sữa và gây hỏng sữa.

Bước 3: Cho sữa từ các bình vào trong các túi zip và đóng chặt miệng túi lại. 1 túi zip nên đựng khoảng đủ 1 bữa sữa cho bé, khoảng 150-200ml. Nếu như mỗi lần vắt chưa đủ 1 túi, mẹ có thể để sữa ở ngăn mát tủ lạnh, chờ lần vắt tiếp theo để đổ chung vào rồi mới cho lên ngăn đông.

Bước 4: Trữ sữa trên ngăn đông. Nếu có điều kiện mẹ có thể mua một chiếc tủ trữ đông chuyên dụng về để trữ sữa. Tuy nhiên thì mẹ vẫn hoàn toàn có thể bảo quản sữa trong ngăn đông của tủ lạnh gia đình mình. Tuy nhiên, hãy dành riêng một ngăn, hoặc một tầng của ngăn đá tủ lạnh nhà bạn để trữ sữa. Hoặc lấy một chiếc hộp to rồi bỏ các túi zip chứa sữa vào rồi mới bỏ vào ngăn đông.

Việc làm này tránh cho mùi từ các thực phẩm khác như cá, thịt có thể ảnh hưởng tới sữa. Cũng tránh làm lây lan vi khuẩn từ các thực phẩm khác vào sữa mẹ. Mẹ không nên để trực tiếp các túi zip sữa vào lẫn giữa các túi, các hộp đựng thịt cá.

Hướng dẫn rã đông sữa mẹ đảm bảo không mất chất dinh dưỡng

Sau khi thực hiện cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách thì để sữa giữ được dưỡng chất mẹ cũng cần biết cách rã đông sữa đúng chuẩn.

Cách bảo quản sữa mẹ dùng trong ngày là chỉ cần mẹ bỏ sữa vào ngăn mát, khi tới bữa cho bé ăn thì mang sữa ra và đem hâm. Cách hâm sữa mẹ để ngăn mát rất đơn giản, sau khi lấy ra, mẹ chỉ cần đổ sữa ra bình sau đó cho nguyên bình sữa vào một ly nước ấm. Mẹ cũng có thể cho bình sữa vào máy hâm sữa ở nhiệt độ 40 độ trong khoảng 5-7 phút là có thể cho bé bú.

Nếu lấy sữa ở ngăn đá tủ lạnh thì mẹ nên lấy sữa sớm hơn thời gian dự định cho bé bú. Ví dụ, bé cần bú vào buổi sáng thì buổi tối hôm trước mẹ nên bỏ túi sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát. Sáng hôm sau sữa đã tan hết hoặc gần hết thì cho vào máy hâm sữa hoặc cốc nước nóng để làm ấm sữa, sau đó cho bé bú.

Tuyệt đối mẹ không nên lấy sữa từ ngăn đá và rã đông ngay lập tức hoặc khiến sữa tan nhanh bằng các cách như cho vào nồi đun, cho vào lò vi sóng… Việc làm này sẽ gây ra tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột, dễ làm cho sữa bị mất hàm lượng dinh dưỡng và giết ch*t các kháng thể quý giá vốn có trong sữa mẹ.

Sữa mẹ bảo quản trong tủ lạnh đổi màu, đổi mùi có nên sử dụng?

Sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh sau khi rã đông xong thường có lớp váng nổi trên bề mặt và phía dưới thì sữa trong hơn nhiều. Vì vậy, trước khi cho bé ăn mẹ nên lắc đều sữa lên.

Nhiều mẹ có một mối băn khoăn là sữa mẹ bỏ tủ lạnh có tốt không? Sữa sau khi rã đông, thường có mùi hơi hăng và nồng hơn so với sữa mẹ vừa vắt khiến nhiều mẹ cảm thấy sữa trữ đông có vấn đề và đổ đi. Tuy nhiên, điều này là không nên.

Bởi vì, trong điều kiện sữa được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp, các chất béo có trong thành phần sữa mẹ dưới tác động của các enzim lipase bị bẻ gãy. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng của sữa không thay đổi nên mẹ có thể yên tâm cho bé sử dụng nếu đã rã đông đúng cách. 

Có một số bé thấy mùi sữa mẹ lạ thì không chịu uống, mẹ có thể tham khảo biện pháp khắc phục sau đây: Sữa mẹ mới vắt ra đem hâm nóng tới 72 độ C trong vòng 2 phút để ngăn chặn sự hoạt động của enzym lipase. Sau đó mới đổ sữa vào bình thủy tinh rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh ngay khi sữa còn nóng như vậy. Tuy nhiên, cách làm này có thể làm suy giảm hoặc mất đi một số kháng thể trong sữa mẹ. Vì vậy, cách làm này cũng không được khuyến khích, trừ khi bé không chịu dùng sữa trữ đông tự nhiên.

Các mẹ thân mến! Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và vô cùng cần thiết với trẻ nhỏ. Vì vậy, biết cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng chuẩn tức là mẹ đang tích lũy một nguồn thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho con yêu của mình khi cần thiết.

Minh Trang | Theo Phụ nữ sức khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Phụ nữ và gia đình (https://www.phunuvagiadinh.vn/cham-soc-con-114/cach-bao-quan-sua-me-trong-tu-lanh-dung-cach-dam-bao-dinh-duong-350298)

Tin cùng nội dung

  • Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị thiếu hoặc suy dinh dưỡng trước khi mổ, quá trình hồi phục có thể gặp trở ngại.
  • Chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn bao gồm liệu pháp dinh dưỡng (xem phần Điều trị triệu chứng) và/hoặc điều trị bằng Thu*c
  • Mọi người đều cần có một chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa bệnh tật. Bệnh nhân ung thư có những nhu cầu sức khỏe đặc biệt, bởi vì họ phải đối mặt với những nguy cơ liên quan đến tác dụng phụ muộn cũng như sự tái phát của căn bệnh này
  • Chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý sẽ giúp bạn phòng ngừa những nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Để tìm hiểu thêm các thông tin từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI) về dinh dưỡng và điều trị bệnh ung thư, xem bài
  • Ăn chay trường tránh ăn tất cả các sản phẩm từ động vật, bao gồm thịt, trứng và sữa. Làm sao để có đủ dinh dưỡng cần thiết khi ăn chay trường?
  • Dinh dưỡng là điều thiết yếu. Cần thay đổi chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng để tốt cho sức khỏe và tránh bị ngấy.
  • Những nhà nghiên cứu y học đang tìm hiểu hậu quả của chế độ ăn uống đối với tâm trạng cũng như sức khoẻ tinh thần. Hiện tượng này đôi lúc được gọi là mối quan hệ giữa thức ăn và tâm trạng. Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Ví dụ như việc thiếu vitamin có làm cho con người dễ bị trầm cảm hơn không? Có phải thực phẩm chức năng chỉ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần của người bị suy dinh dưỡng? Cần cung cấp bao nhiêu thực phẩm chức năng là đủ để cải thiện sức khoẻ tinh thần của môt người
  • Suy dinh dưỡng là khi cơ thể bạn không nhận được đủ chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm bạn ăn để hoạt động tốt. Chất dinh dưỡng bao gồm chất béo, tinh bột, chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Những chất này cung cấp năng lượng cho cơ thể của bạn. Chúng giúp cơ thể phát triển, sửa chữa mô và điều hòa các quá trình sống.
  • Các thông tin cần thiết giúp thai phụ lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong quá trình mang thai.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY