Sức khỏe hôm nay

Cách chăm trẻ bị sốt xuất huyết tránh biến chứng

Người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ nhỏ cần được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc dinh dưỡng tốt để hạn chế những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Sốt xuất huyết là căn bệnh mà mọi người đều có thể mắc phải, nhưng hay gặp nhất là trẻ nhỏ, nếu không biết cách phát hiện sớm, theo dõi và chăm sóc điều trị đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hằng năm, số ca tử vong ở trẻ nhỏ tăng lên vì căn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em đã và đang trở thành mối lo của nhiều bậc cha mẹ. Do đó, phụ huynh cần phải có cách chăm sóc trẻ tốt nhất giúp trẻ vượt qua giai đoạn bị bệnh nguy hiểm.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trung bình một ngày viện tiếp nhận 60-70 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, 10% trẻ bệnh nặng. So với cùng kỳ 2018, số ca đến khám gấp 4 lần, nhập viện tăng 2 lần, có những trường hợp sốc nặng.

Cũng theo vị bác sỹ này, sốt xuất huyết khởi phát đột ngột, diễn tiến khó lường, tuyệt đối không được lơ là khi chăm sóc trẻ. Một số bệnh nhi sốc nặng phải nằm viện cả tháng được điều trị bằng nhiều biện pháp kết hợp như: hồi sức cấp cứu, chống sốc, truyền dung dịch cao phân tử, truyền albumin, lọc máu, dùng thuốc trợ gan, thở máy,... Nếu trẻ điều trị chậm trễ có thể gây biến chứng như trụy tim mạch, suy hô hấp, suy gan thận hoặc tổn thương não.

Được biết, hiện phần lớn các trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nhẹ sẽ được chỉ định điều trị tại nhà (khoảng 70% trẻ bị sốt xuất huyết được điều trị ngoại trú sau khi được bác sỹ thăm khám), nhằm tránh lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện. Bệnh nhi chủ yếu được điều trị triệu chứng, theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.

Theo Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Chỉ có thuốc hạ sốt và một ít thuốc bổ được bác sỹ cho bệnh nhân dùng tại nhà. Thuốc hạ sốt chỉ dùng loại không ảnh hưởng xấu đến dạ dày hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn, ngày dùng khoảng 4 lần khi bệnh nhân có sốt. Kết hợp với lau nước ấm nếu bệnh nhân sốt quá cao (trên 390C). Không dùng thuốc aspirin, analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây biến chứng chảy máu.

Đặc biệt, với bệnh sốt xuất huyết, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhiệt nhưng sau đó trẻ có thể sốt trở lại. Nếu người bệnh sốt cao từ 39 độ trở lên quá 2 ngày thì cần phải đi khám sớm và theo dõi chặt chẽ.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên đưa trẻ tái khám hàng ngày, có khi nhiều lần trong ngày, tuân thủ thực hiện các lời dặn của thầy thuốc. Không nên tự ý ngừng tái khám, vì có những trường hợp các cháu hết sốt là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết đang trở nặng.

Bác sỹ Ngô Thị Kiều Nga cho biết thêm, có 5 dấu hiệu trẻ trở nặng, người nhà cần nhận biết sớm để đưa con đến bệnh viện ngay khi thấy các biểu hiện như lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh. Chỉ cần có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì phải đưa đến bệnh viện gần nhất. Thực tế trong những trường hợp bệnh có dấu hiệu trở nặng, các bà mẹ hay bỏ qua, tưởng cháu bị đau bao tử hay ăn không tiêu nên tiếp tục để tại nhà, khi đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn, điều trị vô cùng khó khăn.

Cũng theo các chuyên gia y tế, khi chưa có chỉ định nhập viện điều trị, cần cho trẻ nằm nghỉ trong một phòng thoáng mát.

Khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm. Đặc biệt, đối với bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Vì vậy, phụ huynh nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500ml/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000-2.500ml/ngày.

Để phòng tránh và hạn chế tối đa các diễn tiến xấu của bệnh, nên cho trẻ uống oresol, hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán.

Trẻ em bị sốt xuất huyết cần bổ sung thêm nhiều vitamin C để tăng hệ miễn dịch. Trái cây giàu vitamin C là dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ, giúp sản xuất các tế bào lympho. Vitamin C cũng có ảnh hưởng trực tiếp lên các vi khuẩn, vi rút. Ngoài ra, uống nhiều nước dừa để bổ sung chất điện giải, chất khoáng bị mất do cơ thể mất nước.
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng, do vậy nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu. Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì,… theo ý thích của cháu, nhưng chú ý không được ăn no quá. Mẹ có thể cho trẻ ăn súp, bún, phở, cháo loãng, cơm nát nấu cùng với khoai lang, cà rốt, đậu xanh, ức gà, trứng, heo, bò băm nhuyễn, khoai lang…

Đồng thời, tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ dẫn đến trẻ đầy bụng - khó tiêu.

Lưu ý, không nên cho trẻ dùng thức ăn, đồ uống có màu đỏ, nâu, đen, hay ăn huyết heo, huyết vịt hoặc nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu, vì đề phòng trường hợp nếu trẻ ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu tương tự. Không nên cạo gió vì vừa làm đau, có thể gây biến chứng chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh không tự ý truyền nước tại nhà tránh gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.


Trường hợp trẻ sốt cao, áp dụng phương pháp vật lý như lau mát cho trẻ. Sau khi cởi bớt quần áo cho thoáng mát, ngâm khăn mặt vào nước ấm, không nóng quá, vắt khô và đắp vào những vùng dễ thấm nước trên cơ thể như nách, bàn chân, bàn tay và háng để làm giảm nhiệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể đắp khăn ẩm lên trán và gáy. Chú ý thay khăn thường xuyên sau vài phút.

Tắm nhanh nước ấm để làm thư giãn cơ thể bằng cách ngâm mình vào bồn nước ấm có độ nóng thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2 độ. Chú ý, không dùng nước quá lạnh vì nước lạnh làm nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/cach-cham-tre-bi-sot-xuat-huyet-tranh-bien-chung-27309/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY