Sức khỏe hôm nay

Cách dạy trẻ ngoan ngoãn mà không cần tới đòn roi

“Có ai muốn dạy con bằng đòn roi đâu mỗi lần đánh con tôi cũng xót lắm, nhưng nếu không con không nghe lời lại nói mãi không được thì chỉ còn cách cầm roi lên thôi”, độc giả Tuyết Ngân chia sẻ.

“Con hư, đánh mới nên người”

Anh Tài (TP.HCM) thường khoe với bạn bè cách dạy con bằng roi của mình, chẳng hạn như: nhà có rất nhiều ổ điện và đa số đều được lắp rất thấp nên cậu con đang tập đi của anh hoàn toàn có thể thò tay vào bất kỳ lúc nào. Chỉ cần bé đi lại gần ổ điện, anh ngay lập tức lấy thước kẻ đánh vào chân và tay bé thật đau để bé nhớ mà tránh. Sau hai lần bị bố đánh đòn khi mon men kiểm tra mấy hộp điện, giờ cậu con 2 tuổi của anh không dám thò tay vào. Anh khoe, chỉ cần bị đánh vài lần là bé sẽ sợ và tránh xa chỗ đó, sau này mình không phải giải thích lằng nhằng.

Vợ chồng chị Trâm (Q.3, TP.HCM) cũng mệt mỏi vì chuyện dạy mãi trẻ không nghe. Đứa lớn rồi đứa bé ra đời, chúng càng lớn càng hiếu động, thường xuyên phá hỏng đồ đạc trong nhà, ăn chậm, mải chơi, giờ ngủ không chịu ngủ ngay, đi ra ngoài không chịu chào hỏi ai… khiến anh chị hết kiên nhẫn.

Anh chị Trâm phát hiện ra rằng, dùng đòn roi nói chuyện với bé nhanh hơn và đỡ tốn công hơn là giải thích. Buổi tối mà cậu con chịu không ngủ ngay, chị Trâm lại gọi chồng vào phát vào mông con để bé sợ mà nhắm mắt lại. Chị vốn yếu, đánh không đau, nên đứa lớn rồi đến đứa bé đều không sợ đòn của mẹ. Thậm chí cậu em còn nói thẳng với chị: “Mẹ đánh con cũng chẳng sợ vì mẹ đánh không đau”. Đòn của bố rất mạnh, đánh lần nào là mông hai đứa trẻ tím bầm lần ấy, có lúc bực anh lấy cả dép và thắt lưng đánh con.

Gần đây, chị Trâm phát hiện ra rằng, nếu ban ngày bị bố đánh đòn thì ban đêm cậu con 3 tuổi ngủ không yên, cứ ôm chặt lấy mẹ. Còn cô con lớn cũng thấm đòn của bố mẹ bằng cách áp dụng triệt để cho cậu em. Mùa hè năm nay, anh chị cho hai bé ở nhà tự quản nhau khi bố mẹ đi làm, và cậu em thường xuyên bị cô chị "xử". Hôm trước cậu em lấy sách của chị ra tô màu, bị chị dùng ngay giày cao gót của mẹ đập vào lưng em, vừa đánh vừa quát em “Nhớ chưa, nhớ chưa” y như giọng của anh Minh mỗi lần đánh bé. Vợ chồng anh chị bắt đầu lo lắng, xem xét lại việc dạy con bằng roi của mình.

Đánh con là bất lực với con

Chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định rằng: “Đánh con là một thực trạng mà nhiều gia đình vướng vào, hành động này tỏ rõ sự bất lực của cha mẹ đối với con cái".

Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích làm cho cái cái tốt lên, ngược lại nó có thể phản tác dụng khiến đứa trẻ sẽ lì đòn, cứng đầu và có khả năng vi phạm lỗi nặng hơn.

Chính những sai lầm trong cách dạy dỗ của cha mẹ khiến trẻ bướng bỉnh, lì đòn

Còn giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Âu Việt) từng nhận xét rằng, những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn thì ra đường dễ gây gổ, tức giận, đánh nhau với người khác. Hầu hết trẻ sớm đi vào con đường phạm tội hay nghiện ngập đều do cha mẹ dạy dỗ không đến nơi đến chốn và thường xuyên bị đánh đòn.

Cha mẹ dạy bằng cách đánh đến mức con lỳ đòn, hết sợ là rất nguy hiểm. Khi đã hết sợ, người ta có thể liều lĩnh làm bất kỳ điều gì. Cha mẹ dạy con cũng cần giữ lại vốn sợ cho con, bởi vì vốn sợ của trẻ em cũng có giới hạn, nó không hề vô hạn.

Kỷ luật không nước mắt

Khi giải quyết một vấn đề gì đó với con, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Điều tốt nhất bạn cần phải làm là nhẹ nhàng với bé. Hiểu được cảm nhận của bé là điều quan trọng để cha mẹ thông cảm cho hành động của con. Bằng sự cảm thông của cha mẹ, việc dạy con biết vâng lời không quá khó khăn.

Nếu bé có làm gì sai, khoan la mắng hay dùng đòn roi, mà nên có một lần nhắc nhở và đặt ra quy định con không được phép sai phạm một lần nữa. Hãy nói chuyện với bé về việc bé sẽ bị phạt thế nào khi vi phạm. Sau khi bé đã được thông báo, bạn mới thực hiện. Khi bé vi phạm nguyên tắc một lần nữa, bạn sẽ buộc phải áp dụng hình thức phạt theo quy định. Bạn có thể mềm lòng khi bé tỏ ra hối lỗi hay khóc lóc, nhưng hãy kiên định và áp dụng hình phạt. Hãy nhớ rằng, hình phạt là cách để cha mẹ dạy con rằng, khi con làm điều gì đó sai sẽ có một cái giá phải trả.

Điều tốt nhất bạn cần phải làm là nhẹ nhàng với bé, bạo lực chỉ khiến bé sợ bạn chứ không làm bé hiểu vấn đề.

Và đừng quên thưởng cho bé nếu bé có những hành động ngoan ngoãn và biết vâng lời cha mẹ. Tất cả chúng ta đều sẽ làm tốt hơn nếu có một chút khích lệ. Một viên kẹo, một món đồ chơi mới sẽ làm nên điều kỳ diệu trong việc dạy con biết vâng lời, đặc biệt với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không nên áp dụng nó thường xuyên, bạn muốn trẻ biết vâng lời vì đó là việc đúng đắn chứ không phải là sự thết đãi.

Tuyết Nhi

Theo Báo Đời sống & Pháp luật

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/cach-day-tre-ngoan-ngoan-ma-khong-can-toi-don-roi-22781/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY