12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Cách điều trị CĂNG CƠ hiệu quả

Căng cơ thường dai dẳng gây mệt mỏi tinh thần khiến bạn ngại vận động, chỉ muốn nằm ngủ hay nghỉ ngơi. Nếu biết đến những phương pháp này bạn sẽ cải thiện được tình trạng căng cơ diễn ra hàng ngày.

Căng cơ là tình trạng cơ bị căng quá mức do hoạt động thể chất, dẫn đến sưng và đau. Căng cơ là chấn thương thường gặp và có thể được điều trị khá hiệu quả tại nhà. Bạn có thể học cách chăm sóc cơ bị căng và biết khi nào cần sự can thiệp y tế.

Căng cơ là gì?

Căng cơ hoặc cơ bắp bị co kéo là một tình trạng khi các cơ bắp bị kéo giãn quá mức thậm chí bị rách. Đây là kết quả do mệt mỏi, lạm dụng quá mức hoặc sử dụng cơ bắp không đúng. Bất kỳ cơ bắp nào cũng có thể bị co kéo, nhưng phổ biến nhất là các cơ lưng dưới, cổ, vai và gân kheo.

Khi một người bị tổn thương cơ bắp, các sợi cơ và dây chằng gắn vào bắp thịt bị xé rách một phần hoặc toàn bộ. Rách cơ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, dẫn đến chảy máu cục bộ hoặc bầm tím và đau tại chỗ tổn thương.

Những dấu hiệu và triệu chứng của căng cơ là gì?

Các triệu chứng của căng cơ bao gồm:

- Sưng tấy, bầm tím hoặc đỏ do chấn thương

- Đau khi nghỉ ngơi

- Đau khi sử dụng cơ bắp bị tổn thương hoặc khớp liên quan đến các cơ đó

- Gân cơ bị yếu

- Hạn chế sử dụng cơ bắp

Trường hợp căng cơ nhẹ, mặc dù cơ bị rách và thiếu linh hoạt, bạn vẫn có thể sử dụng nó. Các trường hợp nặng khi cơ bị rách nghiêm trọng gây ra đau đớn cùng cực và hạn chế hầu hết các cử động.

Căng cơ nhẹ đến trung bình sẽ tự khỏi sau một vài tuần, trong khi các trường hợp nặng có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Nguyên nhân nào gây ra căng cơ?

Căng cơ có thể xảy ra một cách đột ngột và bất ngờ. Các chấn thương hoặc tổn thương có thể dẫn đến rách cơ. Dưới đây là một số yếu tố gây căng cơ:

- Không khởi động cơ bắp cẩn thận trước khi bắt đầu hoạt động thể chất

- Thiếu độ mềm dẻo

- Sử dụng cơ bắp quá mức

- Tập luyện nhiều và cường độ cao không chỉ là nguyên nhân duy nhất dẫn đến căng cơ. Căng cơ cấp tính có thể xảy ra khi bạn:

- Trượt ngã hoặc mất thăng bằng

- Nhảy

- Chạy

- Ném một vật gì đó

- Nhấc một vật nặng

- Nhấc một vật trong tư thế không thoải mái

Căng cơ cấp tính cũng phổ biến hơn trong thời tiết lạnh do cơ bắp bị co cứng ở nhiệt độ thấp. Do vậy, nếu bạn khởi động đúng cách làm ấm cơ bắp sẽ giúp ngăn ngừa căng cơ

Cách giảm căng cơ tức thời

Để cơ nghỉ ngơi

Khi cơ bị căng, bạn phải ngừng các hoạt động khiến cơ căng. Căng cơ thực chất là các vết rách trong sợi cơ và nếu bạn gắng sức, các vết rách này có thể lớn dần và dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.

Dựa vào mức độ cơn đau. Nếu căng cơ xảy ra khi chạy hoặc chơi thể thao và bạn phải ngừng hoạt động để lấy lại hơi do đau dữ dội, tốt nhất bạn nên ngồi nghỉ đến hết cuộc chơi.

Dành vài ngày để hồi phục sau căng cơ, trước khi tham gia lại các hoạt động gây căng cơ.

Chườm đá

Chườm đá có thể giúp giảm sưng và xoa dịu cơn đau. Cho đá viên vào túi đựng thực phẩm lớn. Quấn khăn mỏng xung quanh để bảo vệ da khỏi thương tổn do chườm đá trực tiếp. Chườm túi đá viên lên vùng cơ đau khoảng 20 phút một lần, chườm nhiều lần mỗi ngày đến khi giảm sưng.

Tránh dùng nhiệt vì nhiệt không giúp giảm viêm do căng cơ.

Tắm muối khoáng

Muối khoáng là một khoáng chất tự nhiên có tác dụng giảm viêm các mô cơ và giảm đau cơ bắp. Thư giãn trong bồn tắm cho thêm 1-2 thìa muối khoáng và ngâm mình khoảng 30 phút sẽ làm dịu cơ và giảm căng thẳng. Ngoài ra, chúng còn đẩy mạnh chất độc ra khỏi cơ, giảm viêm cơ và cải thiện chức năng thần kinh.

Quấn băng

Quấn quanh vị trí bị căng cơ có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ ngăn ngừa chấn thương thêm. Dùng băng co giãn để quấn quanh cánh tay hoặc cẳng chân (quấn lỏng).

Không quấn quá chặt để tránh cản trở tuần hoàn.

Nếu không có băng co giãn, bạn có thể cắt vỏ gối cũ thành một dải dài rồi quấn quanh vị trí bị căng cơ.

Nâng cao cơ

Nâng cao vị trí bị viêm có thể giúp giảm sưng, đồng thời giúp cơ được nghỉ ngơi đúng cách để lành lại.

Nếu bị căng cơ ở cẳng chân, bạn có thể đặt chân lên thanh gác chân hoặc ghế trong khi ngồi.

Nếu bị căng cơ ở cánh tay, bạn có thể dùng băng đeo để đỡ cánh tay cao lên.

Massage

Massage các phần cơ bắp đau nhức sẽ hỗ trợ thư giãn cơ, giảm đau và giảm căng thẳng. Bạn cũng có thể tự massage bằng cách đơn giản là xoay vòng tròn trên các vùng nhức khoảng 1-2 phút.

Uống thuốc giảm đau

Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Aspirin hoặc Ibuprofen giúp giảm đau và giúp bạn cử động dễ dàng hơn khi bị căng cơ. Lưu ý không uống quá liều khuyến nghị và không dùng Aspirin cho trẻ nhỏ.

Khi nào cần điều trị y tế

Theo dõi cơn đau

Chăm sóc cơ bị căng trong vài ngày bằng cách để cơ được nghỉ ngơi và chườm đá viên. Tuy nhiên, nếu cơn đau dữ dội không giảm, bạn cần đi khám ngay. Đó có thể là chấn thương nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế.

Nếu xác định chấn thương cần được chăm sóc thêm, bác sĩ có thể cho bạn dùng nạng hoặc băng đeo giúp cơ bị căng được nghỉ ngơi. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh.

Trong một số ít trường hợp, căng cơ cần được điều trị bằng vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Đi khám bệnh nếu thấy các triệu chứng khác liên quan

Đôi khi căng cơ là do nguyên nhân khác không phải do hoạt động quá mức. Nếu cho rằng bị căng cơ do hoạt động thể chất nhưng thấy xuất hiện thêm các triệu chứng khác dưới đây, tốt nhất bạn nên đi khám bệnh:

- Dấu hiệu nhiễm trùng như ngứa, da đỏ và sưng lên.

- Vết cắn ở chỗ bị đau.

- Tuần hoàn kém hoặc tê ở vị trí cảm nhận thấy cơn đau.

Tìm sự chăm sóc tức thời nếu triệu chứng nghiêm trọng

Nếu đau cơ đi kèm bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào dưới đây, bạn cần gặp bác sĩ ngay hoặc đến ngay phòng cấp cứu để xác định nguyên nhân:

- Cảm thấy cơ quá yếu.

- Thở gấp hoặc chóng mặt.

- Cứng cổ và sốt.

Khởi động. Căng cơ xảy ra khi cơ bị kéo căng quá mức, thường là do bạn gắng sức trước khi khởi động đúng cách. Vì vậy, bạn nên dành thời gian để giãn cơ và làm ấm cơ trước khi tham gia hoạt động thể chất.

Nếu thích chạy bộ, bạn nên chạy bộ chậm một đoạn trước khi chạy nước rút hoặc chạy nhanh hơn.

Nếu chơi thể thao, bạn nên chạy bộ chậm, tâng bóng hoặc tập Calisthenics (bài tập rèn luyện sự dẻo dai) nhẹ nhàng trước khi bước vào cuộc chơi.

Tập rèn sức mạnh. Kết hợp nâng tạ và các bài tập rèn sức mạnh khác vào thói quen tập thể dục có thể giúp giảm nguy cơ bị căng cơ trong khi hoạt động. Tập tạ tự do ở nhà hoặc trong phòng tập tạ tại phòng tập thể hình để tạo vùng cơ trung tâm rắn chắc, khỏe mạnh và giữ cho cơ luôn dẻo dai.

Biết khi nào nên dừng lại. Bạn rất dễ bị cuốn hút ngay khi bắt đầu một hoạt động thể chất và từ đó ép bản thân tiếp tục, ngay cả khi cơn đau ở cẳng chân hoặc cánh tay cảnh báo bạn nên ngừng lại. Nên nhớ rằng tạo áp lực lên cơ bị căng chỉ khiến vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu gây rách sâu, bạn có thể không được tham gia vào bất kỳ trận đấu nào cho đến hết mùa giải.

Phong Vũ

Theo tạp chí sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/cach-dieu-tri-cang-co-hieu-qua-26712/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY