Bệnh theo mùa hôm nay

Cách phòng bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu biến chứng nặng sẽ gây viêm phổi, não, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Trước thông tin ổ dịch bệnh thủy đậu ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) bùng phát, khiến hàng chục công nhân mắc bệnh, BS Phan Công Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM, cho biết đây là loại bệnh dễ lây nhất.

Thủy đậu là bệnh cấp tính do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người này khác qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.

Triệu chứng

Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ.

Bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều cảm nhiễm với bệnh, thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

Đây là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.

Một công nhân mắc thủy đậu đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Trần Ngọc

Phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu 3 tháng cuối thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển trí tuệ.

Khu vực phía Nam, bệnh thủy đậu thường xảy ra vào thời điểm các tháng đầu năm với các ổ dịch nhỏ trong các trường học, khu công nghiệp, khu tập thể đông dân cư, hoặc các ca bệnh rải rác trong cộng đồng.

Cách phòng bệnh

- Trẻ em, người cao tuổi, người bị suy dinh dưỡng là nhóm người có nguy cơ lây bệnh cao, tránh tiếp xúc với người bệnh ở khu vực đang xảy ra dịch.

- Khi có biểu hiện mắc bệnh phải được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Không chữa theo kinh nghiệm dân gian như ủ bé lại không cho nổi mụn nước và không tắm cho bé khiến bé bị ngứa, gãi gây nhiễm trùng da.

- Đối với những người mắc bệnh phải được cách ly điều trị, chỉ đi học, đi làm trở lại khi bệnh hoàn toàn khỏi, tránh lây lan cho người khác.

- Người chăm sóc bệnh nhân cần vệ sinh, rửa tay thật sạch trước và sau khi chăm sóc, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối S*nh l*.

- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Vắc xin có thể tiêm cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu). Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc xin thủy đậu.

Theo Khánh Trung - Zing.vn
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/cach-phong-benh-thuy-dau-n310208.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY